Điều này thật có ý nghĩa khi TP.HCM là một đầu tàu kinh tế thiên về dịch vụ và công nghiệp từ các FDI cùng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động nhiều ở các KCN/KCX cũng như phân bố với mật độ cao ở khắp các quận huyện.

Mỗi quận huyện có dân số trung bình gần bằng một tỉnh, do vậy TP đóng góp gần 1/5 GDP cả nước và là siêu đô thị đông dân nhưng cũng đối diện rủi ro Covid cao bởi số ca nhiễm chưa trở về 0.

Thẻ xanh Covid

Bình thường mới thực sự là hoàn toàn mới cho bối cảnh TP.HCM và thậm chí của cả nước vì tình trạng này chuyển từ tiếp cận quản trị khủng hoảng sang tiếp cận quản trị rủi ro. Vì mới nên phải thực sự cân nhắc tính an toàn theo 2 nguyên tắc trụ cột là vắc xin toàn dân và năng lực chịu tải của hệ thống riêng có của TP với giả định không có sự trợ giúp nào. Lý do là sự trợ giúp sẽ không mang tính dài hạn do lực lượng y tế đến từ các địa phương khác cũng đang gặp khó khăn.

{keywords}
Ngồi giãn cách ăn trưa tại hồ Con Rùa ngày "bình thường mới" ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Bình thường mới TP.HCM được tiếp cận  bằng một khái niệm then chốt: Người dân và doanh nghiệp được trở lại bình thường mới là phải có thẻ xanh Covid. Khái niệm này cũng đồng nghĩa với các thuật ngữ tương tự được đồng thuận nhiều từ Bộ Y tế, Chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước mới đây như di chuyển xanh hay di chuyển an toàn, nói về việc những người tham gia bình thường mới phải chích đủ 2 liều vắc xin hay bị nhiễm Covid nhưng đã khỏi.

Bình thường mới an toàn về lợi ích sẽ đưa người dân và doanh nghiệp theo tiến độ có thẻ xanh Covid hay những ai có đủ điều kiện di chuyển xanh hay di chuyển an toàn theo tiến độ phủ của vắc xin mà TP.HCM cũng như cả nước đang tích cực triển khai. 

Bình thường mới an toàn cần ưu tiên cho các hoạt động then chốt khi vắc xin vẫn chưa thể phủ toàn dân như kỳ vọng trong thời gian ngắn hay có thể tính bằng đơn vị tháng, thậm chí lâu dài hơn trong trường hợp việc nhập vắc xin không thể theo tiến độ mong muốn.

Bình thường mới phải tính đến an toàn logistics cho các bên tham gia không chỉ trong nội bộ 1 quận huyện nào đó mà mang phải mang phạm vi liên quận huyện, không những chỉ trong TP.HCM mà còn liên vùng, không chỉ liên vùng mà còn kết nối với các quốc gia khác. Lý do: Các bên tham gia hoạt động logistics là các dịch vụ đầu tiên có liên quan đến dòng chu chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa. Đây vừa là yếu tố đầu vào cho sản xuất, vừa phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Trong giãn cách vừa qua, sự đóng băng chợ đầu mối và các chợ truyền thống đã làm yếu hẳn năng lực phục vụ thiết yếu cho người dân vì hệ thống này lúc bình thường đã đảm bảo gần 80% công suất hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, tình trạng cát cứ các địa phương do chống dịch làm đứt gẫy chuỗi cung ứng TP.HCM với gần 20 địa phương từ ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam bộ. Chỉ có 15% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trong điều kiện khó của 3 tại chỗ.

Bình thường mới phải tính đến an toàn cho các khâu sản xuất của TP.HCM đang tập trung tại 17 KCN/KCX đóng góp gần 1/5 giá trị sản xuất công nghiệp cho TP và là đầu tàu xuất khẩu hàng hóa. Điều tưởng chừng đơn giản nhưng cho đến thời điểm chuẩn bị bình thường mới đã thấy khó là hơn 300 ngàn người lao động KCN/KCX giờ chỉ có thể tập trung vắc xin cho khoảng 1/5. Số còn lại đã trở về các địa phương và  như vậy khi bình thường mới sẽ gặp khó khăn về giấy thông hành xanh.

Đối tượng ưu tiên

Bình thường mới cũng phải tính đến an toàn cho hơn 500 ngàn doanh nghiệp đóng góp 4/5 giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp nhiều cho ngân sách và tạo việc làm nhưng năng lực sản xuất đang ở mức độ cầm chừng hoặc kiệt quệ.

Ngoài ra, còn phải tính đến bình thường mới cho gần 2 triệu học sinh và gần 1 triệu sinh viên các trường cao đẳng và đại học đóng tại TP.HCM. Dù đã quen dần với học tập trực tuyến trong thời đại số nhưng người học đang rất căng thẳng vì chỉ làm bạn với chiếc máy tính không thèm bật camera một thời gian quá dài trong giãn cách.

Chắc chắn người học đang kỳ vọng một ngày gần đây sẽ được trở lại trường trong trạng thái an toàn. Do vậy, cần đặt kế hoạch về giấy thông hành an toàn cho người học từ bây giờ để tất cả người học đều có giấy thông hành an toàn khi đến trường.

Bình thường mới sẽ không được an toàn khi chỉ dựa vào các hình thức xử phạt hành chính đối với người vi phạm. Tính an toàn sẽ phải đặt trọng tâm ở trụ cột truyền thông các thông tin về rủi ro của hệ thống y tế khi đối diện với những tình huống ngoài mong đợi bằng các cấp độ khác nhau (xanh/cam/vàng/đỏ) hoặc bằng các tiêu chí dịch tễ, số ca tử vong, số ca nhiễm hàng ngày để người dân và doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh các hành vi mang tính chuẩn mực, nâng cao năng lực tự giữ an toàn cho mình và cộng đồng.

Bình thường mới cũng sẽ không an toàn khi trụ cột công nghệ giám sát di chuyển xanh, các vùng xanh, doanh nghiệp xanh, dữ liệu tiêm chủng vắc xin, dữ liệu khai báo không được thực hiện theo công nghệ QR code theo tiếp cận tích hợp hay một kiểu app thống nhất. Khi bình thường mới từng bước được nới lỏng, việc kiểm soát/giám sát thủ công sẽ lại gây ra rủi ro cho những đối tượng được gọi là đã có thẻ an toàn Covid khi lưu hành giao thông trong một siêu đô thị như TP.HCM.

Bình thường mới muốn được an toàn thì phải tính đến người dân và doanh nghiệp cụ thể nào nên được ưu tiên trước. An toàn logistics sẽ được ưu tiên để đảm bảo tính thiết yếu và sinh kế cũng như kết nối chuỗi cung ứng thông suốt. An toàn doanh nghiệp sẽ đảm bảo phục hồi kinh tế để có năng lực chống chịu với rủi ro và từ đó mới tạo ra năng lực kinh tế cho TP.

An toàn người học sẽ đảm bảo tính an toàn tương lai cho một nguồn nhân lực chất lượng cao được đầu tư không chỉ dựa vào công nghệ số mà còn dựa vào an toàn giao tiếp, nhằm phát triển sự sáng tạo tương lai phục vụ phát triển bền vững TP.

Cuối cùng, bình thường mới chỉ an toàn khi triển khai có sự trợ giúp của công nghệ để giảm thiểu rủi ro lây lan dịch kết hợp với một năng lực hệ thống y tế đủ sức chống chịu rủi ro của dịch bệnh.

GS Nguyễn Trọng Hoài (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) 

Kinh nghiệm 20 nước: Dùng nợ công chi lớn cho dân, doanh nghiệp thời Covid

Kinh nghiệm 20 nước: Dùng nợ công chi lớn cho dân, doanh nghiệp thời Covid

20 nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc… dành nguồn lực ngân sách rất lớn được tăng cường bởi nợ công để chi cho người dân và doanh nghiệp khi có đại dịch.