Trong chuyến công du đầu tiên tới Bắc Kinh vào năm 2016, ông Duterte từng tuyên bố "đã đến lúc chào tạm biệt Washington”, trước sự vui mừng của lãnh đạo nước chủ nhà. Ông cũng hoan nghênh các khoản đầu tư thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, đe dọa đình chỉ các cuộc tập trận chung với Mỹ và gọi Trung Quốc là “bạn tốt”.

Bạn tốt gây thất vọng

Tuy nhiên, trong vòng một năm, ông Duterte dường như quay ngoắt 180 độ với Trung Quốc, gây thất vọng cho những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kéo Manila ra khỏi quỹ đạo chiến lược của Washington.

{keywords}
Tàu dân binh Trung Quốc 'dàn trận' ở đá Ba Đầu. Ảnh: AP

Hôm 2/5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đăng tải một thông điệp đầy ẩn ý trên Twitter về Bắc Kinh. Ông thể hiện sự bức xúc khi yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển không thuộc về nước này ở Biển Đông.

Ông cũng đặt ra câu hỏi về những gì Trung Quốc đang làm đối với quan hệ song phương. "Quý vị đang làm gì với tình hữu nghị của chúng ta? Chính quý vị. Không phải chúng tôi. Chúng tôi đang cố gắng... Quý vị chẳng khác gì một kẻ vô văn hóa xấu xí cố gắng tập trung chú ý vào một người đep trai muốn làm bạn với mình".

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy, sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh, đặc biệt khi họ thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải đã được quốc tế công nhận trên Biển Đông đã khiến Manila không còn kiên nhẫn.

Ông Duterte giờ đây nhận ra rằng, Trung Quốc khó có thể là bạn và xét cho cùng, Philippines vẫn cần đồng minh an ninh lâu đời là Mỹ.

Nhận thức của ông Duterte sẽ có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng từ nay cho đến cuối nhiệm kỳ của ông vào tháng 6/2022, khi hiến pháp Philippines yêu cầu ông từ nhiệm.

Thay đổi thái độ

Ngày 11/2 năm ngoái, ông Duterte quyết định chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng Mỹ - Philippines (VFA). Tháng 6 cùng năm, Ngoại trưởng Locsin lần đầu tiên báo hiệu thái độ thay đổi của Manila bằng lập luận rằng, “vào thời điểm đại dịch và căng thẳng giữa các siêu cường gia tăng” sẽ là khôn ngoan nếu giữ nguyên VFA.

Sau đó, vào ngày 12/7, dịp kỷ niệm 4 năm Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Philippines cuối cùng đã công khai công nhận phán quyết. Chính quyền Duterte trước đây từng tránh tỏ ra rõ ràng để duy trì mối quan hệ tích cực với Bắc Kinh.

Bài phát biểu ngày 23/9/2020 của ông Duterte tại Đại hội đồng LHQ là một dấu hiệu khác cho thấy ông đã quay lưng với Trung Quốc. Ông trực tiếp đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng cách lưu ý rằng, phán quyết năm 2016 là "vượt quá sự thỏa hiệp", đồng thời khẳng định Philippines "kiên quyết bác bỏ các nỗ lực nhằm phá hoại nó". Đây là sự đối đầu Bắc Kinh trực diện nhất mà ông Duterte từng mạo hiểm và nó phản ánh lập trường của ông đối với Trung Quốc đang ngày càng cứng rắn.

Việc quay trở lại với quỹ đạo của Mỹ diễn ra một cách logic kể từ ấy. Vào ngày 11/11/2020, ông Locsin viện dẫn sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông như lý do để đình chỉ việc chấm dứt VFA.

Ngoại trưởng Philippines đã nhấn mạnh “sự rõ ràng và sức mạnh” của đồng minh truyền thống, đồng thời tuyên bố việc tạm ngưng chấm dứt VFA sẽ cho phép Manila "tìm ra một thỏa thuận nâng cao hơn, đôi bên cùng có lợi, sắp xếp lâu dài và hiệu quả hơn về cách thúc đẩy bảo vệ lẫn nhau”.

Trong khi đó, ông Duterte cũng ngầm xác nhận ủng hộ VFA trong chuyến đi thị sát tại căn cứ không quân Clark ở phía tây bắc Manila vào ngày 12/2. “Thời điểm hiện tại đòi hỏi sự hiện diện của Mỹ tại đây. Tôi thấy thế cũng được", người đứng đầu chính phủ Philippines nói.

Trong một diễn biến quan trọng khác vào ngày 2/3, Manila đã ký một thỏa thuận với Ấn Độ để mua tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, hợp đồng khó có thể thành hiện thực nếu không có sự chấp thuận của cá nhân ông Duterte. Hệ thống BrahMos do Ấn Độ và Nga cùng chế tạo sẽ cung cấp cho Manila khả năng răn đe đầu tiên trước Trung Quốc. Trước đó, khi được hỏi về khả năng mua loại vũ khí này, Bộ Quốc phòng Philippines cho hay, đây là một phần của chương trình hiện đại hóa “nhằm nâng cao khả năng phòng thủ lãnh thổ" của Manila. 

Hôm 19/4, ông Duterte tuyên bố: “Tôi sẽ cử các tàu màu xám đến đó để thực thi các tuyên bố chủ quyền”. Động thái tiếp sau một sự cố hồi đầu tháng, khi một tàu hải quân có vũ trang của Trung Quốc xua đuổi một tàu Philippines đang chở một nhóm phóng viên truyền hình. 

Ông Duterte được tin vẫn nuôi hy vọng Manila có thể duy trì quan hệ hòa bình với Bắc Kinh. Ông đặc biệt quan tâm đến việc nhận hỗ trợ đầu tư và cơ sở hạ tầng thông qua chương trình BRI của Trung Quốc.

Song, sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc buộc ông Duterte phải công khai thừa nhận, Bắc Kinh là vấn đề và Washington là đồng minh lâu năm có giá trị, có thể giúp ông giải quyết vấn đề ấy.

Không còn nhiều lựa chọn

Bắc Kinh chỉ có thể tự trách mình nếu họ để mất cơ hội kéo Philippines ra khỏi quỹ đạo của Mỹ. Ví dụ, từ đầu năm 2019 đến đầu năm 2020, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh và dân quân biển bao vây đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tổng cộng lên tới hàng trăm tàu trong năm.

Vào tháng 2 năm ngoái, chỉ vài ngày sau khi ông Duterte công bố hủy bỏ VFA, một tàu hải quân Trung Quốc đã nhắm tấn công một tàu hải quân Philippines đang tuần tra các vùng biển tranh chấp, hành động Manila gọi là "thù địch".

Tháng 4 cùng năm, Bắc Kinh chính thức tuyên bố thiết lập quyền kiểm soát hành chính đối với các đảo tranh chấp. Cũng trong tháng này, Bắc Kinh điều tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 với lực lượng hải cảnh hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và làm điều tương tự với Malaysia vào tháng 5/2020 để quấy rối tàu thăm dò dầu khí West Capella.

{keywords}
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông leo thang thời gian gần đây. Ảnh: AP

Hồi tháng 1, Trung Quốc đã thông qua luật hải cảnh mới cho phép nã đạn vào các tàu đối thủ. Vào đầu tháng 3, việc Bắc Kinh điều lực lượng dân quân biển đến khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa khiến quan hệ Trung Quốc - Philippines căng thẳng kéo dài. Sự việc mới chỉ mới bắt đầu lắng xuống gần đây khi các tàu cá Trung Quốc rút dần.

Việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông đã khiến ông Duterte cho phép Ngoại trưởng Locsin gửi nhiều công hàm ngoại giao phản đối. Ông Duterte cũng đã nhượng bộ trước lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana về việc duy trì quan hệ gần gũi với quân đội Mỹ thông qua các hoạt động huấn luyện kết hợp, chẳng hạn như cuộc tập trận Balikatan thường niên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh.

Thực tế, cả hai Bộ trưởng trên đều có liên hệ chặt chẽ và thường xuyên với những người đồng cấp ở Washington - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong suốt vụ đá Ba Đầu. 

Bản thân ông Duterte không thể xoa dịu lo ngại của những người nhất quyết ủng hộ hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines ngay trong Thượng viện Philippines.

Derek Grossman, cựu báo cáo viên tình báo hàng ngày cho Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương hiện là chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu tư vấn phi lợi nhuận RAND đánh giá, Tổng thống Philippines hiện không còn mấy lựa chọn. Cách tiếp cận hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm suy yếu nghiêm trọng độ tin cậy trong các chính sách thân Trung Quốc của ông.

Do đó, nhiều khả năng từ nay cho đến khi người kế nhiệm ông nhậm chức, ông Duterte sẽ thực thi đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Và nhiều khả năng Mỹ và Philippines sẽ sớm đạt được thỏa thuận VFA mới.

Quỳnh Anh (Theo Foreign Policy)

Tung đội tàu áp đảo Ba Đầu, Trung Quốc tạo quyền kiểm soát thực tế

Tung đội tàu áp đảo Ba Đầu, Trung Quốc tạo quyền kiểm soát thực tế

Khi 1 tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Biển Đông và 1 nhóm tấn công viễn chinh của Hải quân Mỹ kết thúc tập trận, vùng biển này trở nên “bận rộn” khác thường.