- Hôm qua, một nhà kinh tế hàng đầu nhắn cho tôi: “Nếu họ xử cho Vinasun thắng kiện Grab tức là bắn tín hiệu để chúng ta, đất nước chúng tiếp tục thua dài trong đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng khoa học công nghệ".

Ông nhắn tiếp: "Chúng ta đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử, cho tiền nhân; nhưng lần này mà bỏ lỡ cách mạng 4.0 là do chính chúng ta, do tư duy, hành xử của chúng ta chứ không thể đổ lỗi cho bất kỳ lý do nào khác”.

Cũng có thêm vài ý kiến khác gửi cho tôi để thấy, vụ kiện này thu hút dư luận như thế nào. Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng cho Vinasun. Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào chiều 29/10.

Tôi không theo dõi trực tiếp phiên tòa nên không rõ những tình tiết cụ thể. Tôi cũng không rõ những nhận xét của nhà kinh tế trên có quá đi không khi thời gian tuyên án của tòa cho vụ kiện còn vài ngày nữa.

Tuy nhiên, ở góc độ rộng lớn hơn của kỷ nguyên số đang lan tràn trên toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi góc của cuộc sống của chúng ta ở đây, có lẽ lo ngại của vị chuyên gia là đáng quan tâm: chúng ta thuận theo và hòa nhập trào lưu của kỷ nguyên số hay chống lại nó, tẩy chay nó?

{keywords}
Kết quả của phiên tòa tới đây sẽ đưa ra tín hiệu rất rõ về xu hướng ứng dụng khoa học công nghệ.

Ở Mỹ, Sears Holdings, hãng bán lẻ từng lớn nhất quốc gia này, vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Công ty 125 tuổi này đã không theo kịp sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng trước làn sóng mua sắm trực tuyến nay đã thuộc về những doanh nghiệp như Amazon có thời gian ngắn ngủi hơn nhiều.

Kỷ nguyên số hay cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam hay gọi đã lan tràn đến mức không thể cưỡng nổi. Ở các nước phát triển 90% các giao dịch thanh toán và 80% các giao dịch mua bán đã thanh toán và mua bán online.

Ở Việt Nam trào lưu này cũng đang được đẩy đi với tốc độ cực mạnh mẽ. Thương mại truyền thống đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi thương mại điện tử và các trang bán hàng bằng công nghệ như Lazada, Alibaba...

Báo in đang đứng trước sự cáo chung vì đang bị báo điện tử lấn át; báo điện tử đang bị Facebook đe dọa; truyền hình đang bị Youtube lấy dần người xem. Taxi truyền thống, như Vinasun thì bị thách thức bởi Grab.

Các trào lưu đó chứng tỏ, kinh tế số đang mang lại sự hủy diệt mạnh mẽ nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội hơn cho người dân, cho các doanh nghiệp mà thế giới gọn là “sự hủy diệt sáng tạo”.

Trở lại vụ kiện, đây là lần đầu tiên trên thế giới có vụ một công ty taxi truyền thống khởi kiện một công ty công nghệ với lý do bị sụt giảm doanh thu.

Không bàn về lý do trên có xác đáng hay không vì có quá nhiều yếu tố chủ quan và khách quan đến mức gần như không đo đếm, ước tính được, tôi chỉ muốn đề cập đến hệ lụy của nó.

Chẳng hạn, nhân đà này hàng loạt các hãng xe taxi truyền thống khác sẽ thay nhu khởi kiện Grab. Cũng như vậy, báo điện tử cũng khởi kiện Facebook đã chiếm tới 233 triệu đô la, tức phần lớn trong miếng bánh quảng cáo online ở Việt Nam năm 2017, theo Forbles.

Giả sử, đến ngày 29/10 tới Vinasun sẽ thắng kiện và Grab buộc phải trả chi phí cho số tiền bị quy là thiệt hại, điều này sẽ phát ra tín hiệu gì?

Điều đầu tiên, có lẽ Grab sẽ bị định danh là công ty taxi, như dự thảo thay thế Nghị định 86 đang muốn. Có nghĩa, họ sẽ phải thuê tài xế, sở hữu xe, xe gắn mào thay vì được coi là công ty công nghệ cung cấp nền tảng platform cho các doanh nghiệp, người dân hoạt động. Cái gọi là kinh tế chia sẻ coi như chấm dứt.

Các công ty taxi truyền thống chưa sẵn sàng cho đổi mới sáng tạo và tiếp tục trì hoãn việc ứng dụng công nghệ để phát triển hoạt động kinh doanh.

Dù thế nào thì tín hiệu đó cũng thách thức những cam kết, nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế số mà Việt Nam đang theo đuổi. Nó cũng ngăn cản những cá nhân hay doanh nghiệp muốn mang những phát minh, sáng chế, đổi mới, sáng tạo đến đây nhằm cải thiện chất lượng của người tiêu dùng.

Còn trong trường hợp Grab không phải trả tiền, tín hiệu đó sẽ có màu tươi sáng hơn cho đổi mới, sáng tạo ở đất nước này. Công nghệ và đổi mới sáng tạo thắng thế có nghĩa mọi doanh nghiệp trên thị trường phải biết cải tiến để duy trì ưu thế cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhất.

Tôi chợt nhớ đến một khẩu hiệu của hãng máy tính khổng lồ IBM khi đến Việt Nam hơn hai thập kỷ trước: “phải biết linh hoạt và thích nghi”. Hãng này lấy ví dụ loài khủng long từng thống trị thế giới nhưng rồi bị tuyệt diệt vì không biết thích nghi để cổ vũ cho ứng dụng công nghệ mới chỉ sơ khai lúc đó ở Việt Nam. Song, ngay cả hãng này cũng không thành công và phải bán một phần cho Lenovo.

Tôi lại chợt nhớ đến lời nhắn của vị chuyên gia nọ: “… Lần này mà bỏ lỡ cách mạng 4.0 là do chính chúng ta, do tư duy và hành xử của chúng ta chứ không thể đổ lỗi cho bất kỳ lý do nào khác được”.

Lẽ nào cảnh báo của ông lại đúng?

Tư Giang 

Khi người ta cố gắn mào cho xe Grab

Khi người ta cố gắn mào cho xe Grab

Các phần mềm ứng dụng gọi xe điện tử sẽ phải đáp ứng tất cả các quy định kinh doanh như một hãng taxi truyền thống.    

Chủ tịch WEF: cách mạng 4.0 thay đổi căn bản chúng ta

Chủ tịch WEF: cách mạng 4.0 thay đổi căn bản chúng ta

Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab khẳng định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ ảnh hưởng tới cách sống của con người mà còn định nghĩa lại chúng ta là ai.