Tẩy rửa những vết nhơ tham nhũng

Tham nhũng từ “một bộ phận nhỏ” đã loang ra những bè mảng lớn làm ô nhiễm và cản trở dòng chảy Việt Nam đã trên một thập kỷ tới ngày nay.

Để gạn đục vết nhơ tham nhũng, cả hệ thống chính trị đã không ít lần được huy động vào cuộc nhưng kết quả không được bao nhiêu. Sau Đại hội 12, cuộc tẩy rửa này đã có thêm một đại quân mới xuất kích, đó là “kỷ luật Đảng”.

Chỉ sau 2 năm có thêm đại quân này, nhất là năm 2018, cuộc tẩy rửa vết nhơ tham nhũng đã dành được những kết quả mà nhiều nhiệm kỳ 5 năm trước không làm được, điển hình là có tới hơn 60 người nguyên là cán bộ cấp cao đã bị xử lý về kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước.

Một kết quả không kém khác, đó là bọn muốn tham nhũng cũng đã bắt đầu chịu chùn bước hoặc lui vào hậu trường, không dám tung hoành như trước đây.

Mô hình “nhốt quyền lực vào lồng thể chế”, theo đó lò nhốt quyền lực đã được thiết lập, đã được đốt nóng và tiếp tục tăng nhiệt đủ để tẩy rửa hết vết nhơ tham nhũng trong những năm tới.

Khơi thông những bế tắc trong phát triển kinh tế lãnh thổ

Đất nước đã có thời kỳ thành lập một Ủy ban nhà nước về phân vùng kinh tế. Cả nước được phân định thành 6 vùng lớn, mỗi vùng lớn gồm một số tỉnh, mỗi tỉnh lại chia thành nhiều vùng huyện, mỗi huyện chia thành nhiều vùng xã.

{keywords}
Dòng chảy Việt Nam đang được gạn đục khơi trong ở qui mô tổng thể, đặc biệt là tẩy rửa những vết nhơ tham nhũng, khơi thông những bế tắc trong phát triển kinh tế lãnh thổ, dọn dẹp những ngổn ngang của bộ máy hệ thống chính trị. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vùng lớn được xác định là vùng chiến lược, mỗi vùng tỉnh là mỗi vùng tổng hợp, mỗi vùng huyện là mỗi pháo đài kinh tế tập thể, mỗi vùng xã là mỗi tổ hợp kinh tế hộ. Theo sự phân định đó, 6 vùng chiến lược được giữ nguyên cho tới hiện nay.

Nhưng vùng tỉnh, vùng huyện, vùng xã đã không ít lần được nhập vào, tách ra để cuối cùng còn 63 đơn vị sau hợp nhất Hà Tây - Hà Nội năm 2008 cho đến nay.

Sau 33 năm Đổi Mới, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng khoảng cách phát triển lại càng doãng ra so với các quốc gia thuộc tốp đầu Đông Nam Á.

Thực trạng này không ở đâu rõ bằng nhìn vào tất cả các vùng kinh tế, trong đó: vùng xã vẫn là kinh tế hộ; vùng huyện đã mất đi kinh tế hợp tác nhưng chưa có gì thay thế; vùng tỉnh tuy có nhiều ngành kinh tế nhưng rất hiếm ngành mũi nhọn; vùng chiến lược lại rất thiếu những kết nối chiến lược.

Những bế tắc trong phát triển kinh tế lãnh thổ đã kéo dài, nay đã nhận ra. Năm 2019 và những năm tiếp theo đang hứa hẹn có thêm chủ trương, chính sách, biện pháp hữu hiệu để khơi thông những bế tắc này.

Trước hết, đó là sắp xếp lại 6 vùng chiến lược. Một dự án do Chính phủ chuẩn bị đã chủ trương: Vùng 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc nhiều thập kỷ qua được liên kết với nhau theo địa hình, lại trải ra quá rộng, đã bộc nhiều bất cập, tuy đói đã được xóa, nhưng nghèo vẫn đeo bám dai dẳng, cần được tổ chức lại; Tây Nguyên và Nam Trung bộ luôn có những liên kết phát triển đầy hiệu quả giữa cao nguyên và miền biển, nhưng lâu nay bị chia tách thành 2 vùng nên cả hai đều phát triển dưới tiềm năng, cần tổ chức lại liên kết này. Nhiều tỉnh đang nằm giáp ranh giữa hai vùng chiến lược cũng cần được điều chỉnh để có vị trí đắc địa hơn trong chiến lược phát triển của tỉnh và của toàn vùng (như: Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Long An…).

Nhìn sâu xuống cấp huyện và cấp xã, trong hơn 30 năm, hai cấp này đã âm thầm tiến hành chia nhỏ khiến số huyện tăng lên từ 431 lên 713 đơn vị, số xã tăng lên từ 9.657 lên 11.165 đơn vị, bình quân mỗi năm cả nước có thêm 50 xã mới, 9 huyện mới do được tách ra.

Trung ương đã có nghị quyết (số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018) để đến năm 2021 tiến hành sáp nhập ngay hơn chục huyện, vài trăm xã, tiến tới mốc tới năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản việc sắp xếp lại hai cấp này, trong đó xáp nhập 259 đơn vị cấp huyện, 6.191 đơn vị cấp xã chưa đạt 50% chuẩn mực về diện tích và dân số.

Song song với phần ổn định về định lượng trên đây, thì phần định tính đối với các loại vùng kinh tế xem ra vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là phát triển kinh tế doanh nghiệp ở vùng xã, chọn loại hình tổ chức kinh tế thay thế vị trí kinh tế hợp tác tại vùng huyện.

Riêng vùng tỉnh, các lãnh thổ này sẽ tiếp tục phát triển tổng hợp như một “quốc gia con” trong một quốc gia lớn, hay chọn một vài ngành mũi nhọn độc đáo trên lãnh thổ của mình. Đối với các vùng chiến lược, công việc quan trọng nhất là thiết kế cho được các liên kết chiến lược trong vùng, và tổ chức một Hội đồng vùng đủ sức điều hành các mối liên kết đó, không để như trong quá khứ.

Đã một thời sôi động tổ chức các Vùng trọng điểm, Vùng động lực, Tam giác phát triển, Đầu tàu kinh tế nhưng mấy năm gần đây không mấy khi thấy nhắc lại các tên này.

Nếu biết rằng đoàn tàu muốn đi nhanh phải có đầu tầu mạnh, và những toa cuối không bị bỏ lại phía sau, thì những phù phiếm nào đó có thể bỏ đi, nhưng nhất thiết phải thực sự có những Đầu tầu kinh tế tại mỗi vùng chiến lược đang được tổ chức lại.

Dọn dẹp những ngổn ngang của bộ máy

Nếu việc cải cách, hoàn thiện bộ máy nhà nước đã không ít lần được chú trọng, thì bộ máy của cả hệ thống chính trị lần đầu tiên mới được Trung ương đặt ra một cách đầy đủ trong những năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội 12.

Đối với bộ máy nhà nước, thực trạng ngổn ngang không chỉ người trong cuộc thấy rõ, mà người ngoài xã hội cũng đã nhận ra.

Đó là bộ máy trên nóng dưới lạnh, trên bảo dưới không nghe, chồng chéo, hiệu lực yếu, hiệu quả thấp, cán bộ lãnh đạo nhiều hơn người dưới quyền, “30% cán bộ sáng cắp ô đi tối cắp về”.

Để bộ máy công quyền thoát khỏi thực trạng trên đây, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ít lần hạ quyết tâm, nhưng ngựa quen đường cũ, bộ máy đã không nhẹ đi mà còn nặng nề thêm.

Nhưng năm 2018 tình hình đã khác, mở đầu là sự đột phá của Bộ Công an trong việc bỏ tất cả các Tổng cục, sáp nhập hàng chục Cục, Vụ, Viện, hàng trăm Đội, trên dưới nghìn Phòng. Sự đột phá đó đã tạo ra niềm lạc quan rằng Bộ Công an làm được thì các Bộ khác cũng sẽ làm được trong thời gian tới.

Đối với cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, việc tinh giản bộ máy một mặt sẽ được thực hiện qua việc tổ chức lại các vùng kinh tế lãnh thổ (như đề cập ở trên), đồng thời sẽ tùy thuộc vào thực hiện chủ trương “không phải trung ương có Bộ, Ngành nào thì địa phương cũng lập Sở, Ban ngành đó”. Chỉ riêng việc này, với 63 tỉnh, việc tinh giản cũng hứa hẹn sẽ giảm dược vài trăm cơ quan Sở.

Đối với cấp huyện, việc tinh giản bộ máy đã không ít lần được đặt ra ở mức quyết liệt khi tiến hành thí điểm việc bỏ Hội đồng nhân dân huyện với quan điểm coi huyện là cấp hành chính trung gian giữa tỉnh và xã. Năm 2018 Trung ương đã cho phép thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội được thí điểm về tổ chức Chính quyền đô thị.

Với hai, ba phương án thực thi được đề xuất, thi việc không tổ chức đồng thời cả 3 cấp Hội đồng nhân dân trong hệ thống chính quyền đô thị đều đã được khẳng định. Nếu thí điểm này đạt kết quả như mong đợi thì không chỉ tất cả các thành phố trực thuộc trung ương sẽ áp dụng mà đây còn là một gợi ý xác thực về việc sẽ tổ chức chính quyền khu vực nông thôn theo mấy cấp Hội đồng nhân dân.

Dù quyết định cuối cùng là như thế nào thì tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp hiện nay đang đứng trước cơ hội được đổi mới về số lượng và chất lượng chưa từng có.

Với cấp xã, trong khi Hội đồng nhân dân là tổ chức không thể thiếu của cấp này, thì tại đây lại nổi lên vấn đề về “cán bộ không chuyên trách” với biên chế bình quân mỗi xã khoảng trên dưới 20 người hiện có.

Những cán bộ này do không chuyên trách nên thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả làm việc đạt thấp, đáp ứng không đầy đủ yêu cầu phục vụ nhân dân ở cấp cơ sở, nhiều việc bị đẩy lên các cấp trên, gây tồn đọng. Vì không chuyên trách nên những cán bộ này chỉ được hưởng phụ cấp không đủ sống.

Dẫu vậy, Ngân sách nhà nước hàng năm vẫn phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho hơn một vạn xã trong cả nước về các khoản phụ cấp này. Cuối năm 2018, Bộ Công an đã đưa cán bộ công an về làm Công an xã, mở màn cho việc thay thế cán bộ không chuyên trách tại cấp xã trong những năm tới.

Tinh giản bộ máy hành chính nhà nước không phải đã là tất cả, bởi còn đó bộ máy lập pháp, bộ máy tư pháp, bộ máy các tổ chức Đảng, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc. Năm 2018, các bộ máy này cũng đã bắt tay vào quá trình tinh giảm, đưa lại những hứa hẹn nhiều hơn trong những năm sau khi đã có một số kết quả tạo động lực ban đầu.

Dòng chảy Việt Nam đang được gạn đục khơi trong ở qui mô tổng thể, đặc biệt là tẩy rửa những vết nhơ tham nhũng, khơi thông những bế tắc trong phát triển kinh tế lãnh thổ, dọn dẹp những ngổn ngang của bộ máy hệ thống chính trị.

Những gạn đục khơi trong đó vừa giải quyết những tồn đọng gốc gác, vừa giải tỏa những bất cập của phát triển, vừa loại bỏ những phát sinh không mong muốn trong lựa chọn Đổi Mới để dòng chảy Việt Nam được khơi thông.

Tiến sỹ Đinh Đức Sinh