LTS: Tháng 11 vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chuỗi sự kiện liên quan đến chương trình công nghiệp hóa đất nước. Nhân sự kiện này, Tuần Việt Nam giới thiệu các góc nhìn về những thuận lợi và thách thức trong các mục tiêu công nghiệp hóa đã đặt ra đến 2045.

Những con số biết nói

Theo Ngân hàng Thế giới, trong các DN thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam, 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot... Hơn 75% DN vừa và nhỏ, 2/3 DN lớn được khảo sát hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

Theo báo cáo của tổ chức Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang (CSIRO), Australia và Bộ Khoa học Công nghệ công bố tháng 11, tỷ lệ DN ở Việt Nam có nghiên cứu và phát triển trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: ngành sản xuất thiết bị điện 17%, sản xuất hóa chất 15%, sản xuất chế biến thực phẩm 9%, sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, dệt may 5%.

TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trích dẫn những báo cáo trên tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ ba và nhận xét: “Thực tế trên cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức”.

Mục tiêu CNH, HĐH đất nước đến 2020 đã được đặt ra từ Đại hội Đảng 8 năm 1996 xuyên suốt đến Đại hội 13 năm 2021.

Mục tiêu xuyên suốt hơn 3 thập kỷ

Qua hơn 25 năm kiên trì thực hiện mục tiêu này, ngành công nghiệp đã đạt được một số thành tựu nhất định. Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.

Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng CNH, HĐH, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.

{keywords}
Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực 

Tuy vậy, quá trình CNH, HĐH đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại “chưa đạt mục tiêu đề ra”.

“Hơn nữa, chúng ta chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực”, ông Hiển nói.

Nhận thức về quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chưa đầy đủ. Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững.

Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước... nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các đột phá chiến lược chưa có bứt phá. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển.

Những nhận xét đó của ông Hiển không mới nhưng toàn là các vấn đề gai góc, mang tính nền tảng cố hữu của nền kinh tế.

Những rào cản cần vượt qua

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận xét, quá trình CNH, HĐH giai đoạn vừa qua vẫn còn gặp những khó khăn, trở ngại cần tháo gỡ.

Theo ông, nội lực của nền công nghiệp còn yếu, năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu…

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các DN công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả.

{keywords}
Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với một tư duy mới và cách tiếp cận mới. Ảnh: Lê Anh Dũng

Khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy, đa số DN Việt Nam vẫn đang đứng ngoài cuộc cách mạng này, DN công nghiệp tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.

Ông cho biết, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.

Bô Công Thương cho rằng, nguyên nhân của những điểm nghẽn trên trước hết là do thiếu khung pháp lý, cơ chế chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ và hấp dẫn để có thể hỗ trợ các DN công nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, lớn mạnh để trở thành động lực quan trong cho phát triển đất nước.

Hơn nữa, khu vực DN trong nước thiếu liên kết với khu vực FDI và thị trường thế giới để có thể tận dụng cơ hội tiếp cận chuyển giao công nghệ, tiếp cận với các phương pháp quản trị sản xuất hiện đại, hiệu quả; thiếu tính định hướng về phân bổ nguồn lực xã hội từ Trung ương đến địa phương và khu vực tư nhân khiến các dòng vốn đầu tư không đi vào khu vực sản xuất, không tạo ra được của cải vật chất, mang lại sự thịnh vượng cho đất nước. 

Mục tiêu kéo dài

Nghị quyết Đại hội 13 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25%, và đặt ra nhiệm vụ “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, và “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu”.

Thứ trưởng Hải nói, mục tiêu đặt ra cho 2025 khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, để trong 5 năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng từ 16,7% năm 2020 lên 25% năm 2025.

Trong giai đoạn chiến lược tới, CNH, HĐH được đặt trong bối cảnh mới: Trên thế giới, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng dịch chuyển các dòng đầu tư và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi sâu sắc, toàn diện phương thức sản xuất trên toàn thế giới.

Ở trong nước, xu hướng thay đổi về cơ cấu dân số với quy mô thị trường năng động 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng và cơ cấu dân số vàng vẫn duy trì trong vòng 20 năm tới. Trong khi đó, chi phí lao động và đất đai ngày càng kém cạnh tranh so với các nước mới nổi, cạnh tranh ngay tại sân nhà ngày càng gia tăng do nền kinh tế đã hội nhập sâu với toàn cầu, độ mở nền kinh tế lớn.

“Bối cảnh mới này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải thực hiện CNH, HĐH với một tư duy mới và cách tiếp cận mới”, ông nói.

* Kỳ tới: Khi mọi thứ đều phải nhập khẩu 

Lan Anh

Tình thế bất thường đòi giải pháp phi thường

Tình thế bất thường đòi giải pháp phi thường

Tăng trưởng quý 3 thấp nhất trong lịch sử; số người mất việc, hoãn việc, giảm thu nhập cao nhất lịch sử; nguy cơ không hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng hiện hữu… Tình huống đó đòi hỏi những nỗ lực và giải pháp phi thường.