Tầm nhìn phát triển công nghiệp của Việt Nam được đề cập đầu tiên từ Đại hội III năm 1960 nhưng phải đến mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước vào năm 2020 được đưa ra tại Đại hội VIII năm 1996, cụm từ “công nghiệp hóa” mới được nhắc nhiều lần hơn cả.

Nhiều giai đoạn sau đó có thêm các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Chính phủ được ban hành với mong muốn thể chế hóa các mục tiêu trên.

Hàng loạt các ngành được trở thành ưu tiên như dệt may; da giầy; nhựa; chế biến nông, lâm, thủy hải sản; thép; khai thác, chế biến bauxít nhôm; hóa chất (Quyết định 55/QĐ-TTg năm 2007). Sau này, các ngành điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô lại được bố sung vào các ngành ưu tiên (Quyết định 1043/QĐ-TTg năm 2013). Trên thực tế, nhiều trong số các ngành trên không có cơ sở hay được bố trí nguồn lực để trở thành mũi nhọn.

Ví dụ, ngành dệt may, da giầy chỉ góp phần tạo công ăn việc làm ở giai đoạn gia công ở đáy của chuỗi giá trị thay vì được quan tâm để tiến lên ở các khâu khác có giá trị gia tăng cao hơn thì xác định họ làm mũi nhọn để làm gì, tạo đột phá gì cho đất nước?

Sự thất bại của Vinashin, Vinalines hay một số công ty khác – các doanh nghiệp nhà nước đầu tàu để dẫn dắt trong ngành đóng tàu đã lọt vào danh sách “ưu tiên” – chưa bao giờ được rút kinh nghiệm.

{keywords}
Nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ảnh: Lê Anh Dũng

Các ngành nghề, lĩnh vực tự dưng được trở thành “ưu tiên”, “mũi nhọn” nhiều đến mức nhiều người nói đùa rằng, chiến lược công nghiệp quả mít hay chiến lược dàn hàng ngang mà tiến. Sự chủ quan, duy ý chí trong lựa chọn thật khó mà biện minh.

Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thừa nhận thực trạng đáng buồn: nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; còn quá chú trọng vào lao động giá rẻ, chưa tận dụng tốt được lợi thế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng...

Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, muốn làm công nghiệp chế biến, chế tạo, và nhìn rộng ra, muốn công nghiệp hóa đất nước thành công, chúng ta sẽ dựa vào khu vực kinh tế nào? Khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay hay doanh nghiệp tư nhân trong nước?

Chúng ta có thể dựa vào doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả hoạt động rất thấp (Sách trắng doanh nghiệp 2020) sau những đổ vỡ của nhiều tên tuổi, đặc biệt là 12 dự án công nghiệp đắp chiếu hay không? Liệu các doanh nghiệp nhà nước lớn có trở thành “đầu tầu” để tạo liên kết cho các doanh nghiệp khác để tạo thành thành chuỗi liên kết khi bản thân họ còn chưa mang nổi mình? Vì sao nhiều dự án đắp chiếu nhưng vẫn hứa hẹn hiệu quả tiềm năng như Thái Bình 2, Tisco 2 không được tái khởi động lại?

Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng kế hoạch thí điểm phát triển 7 doanh nghiệp nhà nước lớn thành “chim đầu đàn” với hi vọng họ hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, cơ chế chính sách ưu đãi gì để các doanh nghiệp này thực hiện “sứ mệnh” thì chưa được làm rõ.

Trong khi đó, phần lớn FDI, theo nghiên cứu của WB, tập trung vào các ngành thuộc nhóm khai thác thị trường, hay các ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, như dệt may, da giày, sản phẩm từ cao su, nhựa, thực phẩm đồ uống, nội thất và gỗ, giấy, điện tử... Rất ít doanh nghiệp FDI cho rằng, tay nghề lao động cao hay chuỗi cung ứng trong nước có đủ năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam.

Điều này có nghĩa là gì nếu không phải thực tế: người Việt Nam chúng ta vẫn chỉ làm thuê, làm mướn là chính bằng chân tay trong các dây chuyền, thay vì ngoi lên được các công đoạn trên của chuỗi giá trị.

{keywords}
Nghị quyết Đại hội XIII xác định, đến năm 2025 Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Ảnh: Lê Anh Dũng

Liệu sau này, khi giá nhân công đắt đỏ lên, các đại dự án FDI có rời bỏ chúng ta để sang quốc gia khác có giá lao động rẻ hơn, giống như cách họ đã vào với chúng ta từ các quốc gia khác? Hiện nay khu vực FDI chiếm tới 76% giá trị xuất khẩu và chiếm phần lớn trong các ngành xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.

Nhìn vào ngành “công nghiệp” lắp ráp ô tô do khu vực FDI làm chủ - ngành được bế quan, tỏa cảng trong hàng chục năm trời với thuế phí cao nhất thế giới để bảo hộ - để giờ đây tỷ lệ nội địa hóa vẫn cỏn con như ngày nào – thì thấy rủi ro đến thế nào?

Nhắc đến hai khu vực trên để thấy nổi lên vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, dù hiện nay họ vẫn có quy mô nhỏ, có năng lực sản xuất yếu và có trình độ công nghệ khá lạc hậu.

Các chính sách cần được thiết kế thân thiện, tiên liệu được để có thêm nhiều nhà công nghiệp như Thaco, Hòa Phát, Vinfast,... để họ tạo ra lực lượng hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp công nghiệp dân tộc đông đảo và mạnh mẽ. Nếu Việt Nam có thế nhiều nhà công nghiệp lớn, biết kết nối, họ sẽ trở thành lực lượng dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay. Vì thế, không nên nghi kỵ để hình thành được các tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Mà hội nhập toàn diện, thuế về 0 và tỷ giá neo cứng, lãi suất cao bậc nhất khu vực, chênh lệch địa tô ở ngành bất động sản,... thì nhập khẩu hàng hoá, thiết bị về tiêu dùng/sản xuất là ngon lành hơn nhiều so với đầu tư, sản xuất. Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có được tiếp sức trong bối cảnh đó?

Lịch sử của người Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, để thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa phải có ý chí, có khát vọng và khôn ngoan. Nếu muốn có nhiều tiền qua đêm, họ đã thất bại. Muốn tự lực, tự cường thì hãy nghĩ đến nền tảng công nghiệp từ nhẹ đến nặng. Đến thức ăn gia súc, phân bón, nuôi heo mà cũng mời người nước ngoài đến làm thì chúng ta làm được gì nữa?

Nghị quyết Đại hội XIII xác định, đến năm 2025 Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại.

Nếu muốn phát triển tự cường, chúng ta sẽ phải bắt tay ngay từ bây giờ chứ không thể để đến thời điểm đó mới nhìn lại đầy nuối tiếc khi các chỉ tiêu “không đạt” và rồi chỉ được rút kinh nghiệm nhẹ nhàng như không.

Tư Giang - Lan Anh

Khởi động lại nền kinh tế

Khởi động lại nền kinh tế

Ngày 4/9 có một tin tốt lành: Chuyến bay chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Những hành khách này đã tiêm 2 liều vắc xin...