Không tự chủ nguyên vật liệu

Tháng 10 vừa qua lại ghi nhận tình trạng nhập siêu, phản ánh tình trạng mất cân bằng lâu nay trong việc tự chủ nguyên vật liệu sản xuất cho nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô, xuất siêu 21,28 tỷ USD. 

Cũng trong 10 tháng, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 45,2 tỷ USD, tăng hơn 63%; nhập siêu từ Hàn Quốc gần 28 tỷ USD, hơn tăng 29%; nhập siêu từ ASEAN 10 tỷ USD, tăng gần 81%.

Tình trạng nhập siêu là đáng cảnh báo trong bối cảnh cùng kỳ năm trước, các DN xuất siêu gần 20 tỷ USD.

Cơ quan thống kê cho biết, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt hơn 252 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 94% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt hơn 128 tỷ USD, tăng hơn 35 và chiếm gần 48%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt hơn 17 tỷ USD, tăng gần 23% và chiếm 6,4%.

Các số liệu trên một lần nữa phản ánh tình trạng nền sản xuất trong nước không tự chủ được nguyên vật liệu mà phải nhập khẩu để gia công, lắp ráp mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng cảnh báo: “Chúng ta phải nhập khẩu đến tận cái tăm”. Vì lẽ đó, DN sản xuất của Việt Nam rất khó vươn lên trong chuỗi giá trị.

{keywords}
Mối liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và FDI còn lỏng lẻo

Theo Bộ Công thương, nội lực và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp còn yếu, thể hiện qua số lượng DN công nghiệp: Cả nước chỉ có gần 80.000 DN trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khả năng tài chính và công nghệ hạn chế.

DN công nghiệp chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, chủ yếu tham gia vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa phát triển được thương hiệu. Mối liên kết giữa DN nội địa và FDI lỏng lẻo do trình độ DN trong nước còn hạn chế.

Điều này phản ánh ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển.

Khó cạnh tranh quốc tế

TS Trần Đình Thiên nhận xét, lãi suất của Việt Nam cao gấp 2-3, thậm chí 4 lần các nước trong khu vực. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân khoảng 8-10%, trong khi các nước khác bình quân khủng hoảng xuống 1% và cao nhất chỉ 4-5%.

Trên nền tảng lãi suất như vậy, DN và sản phẩm của Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Một tính toán của Bộ Công thương cho biết thêm, các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thường vay vốn từ công ty mẹ hoặc từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ từ 1-3%, trong khi các DN trong nước phải vay với lãi suất 8-10%.

Sự chênh lệch lớn này đã làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các DN trong nước. Hơn nữa, dù chịu mức lãi suất cao hơn các DN FDI, các DN công nghiệp hỗ trợ cũng không dễ dàng để tiếp cận với các khoản vay dài hạn để mở rộng sản xuất, đầu tư tiếp nhận công nghệ mới.

Trong khi đó, một giám đốc DN công nghiệp cho biết, các DN đòi hỏi vốn lớn để đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ, vật liệu và nhân lực kỹ thuật trình độ cao.

“Sản xuất công nghiệp hỗ trợ là tạo ra các bán thành phẩm, phụ thuộc hầu hết vào khách hàng là nhà sản xuất các sản phẩm cuối cùng. Do đó, DN khó có được các chiến lược thị trường rõ ràng như đối với sản xuất hàng hóa thông thường”, ông nói.

Vị giám đốc than phiền, do DN không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng…, các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân, rào cản chính khiến các DN công nghiệp hỗ trợ khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, dẫn đến việc cản sản phẩm của DN trong nước khó tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do thiếu máy móc, công nghệ, nhiều nhà máy vẫn sử dụng lao động chân tay là chính. Vấn đề là chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp còn thiếu và yếu.

Năng suất lao động trong các ngành công nghiệp chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của cả nước giai đoạn 2011-2020 ước tăng 5,1% (trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 4,35%; giai đoạn 2016-2020 ước tăng 5,85%).

Tốc độ tăng năng suất lao động trong công nghiệp giai đoạn này chỉ đạt 2,71%, trong đó, giai đoạn 2016-2020 ước chỉ tăng 1,5%, tăng thấp nhất so với các ngành kinh tế và so với cả giai đoạn 2011-2015 (tăng 3,92%). Điều đáng quan ngại là năng suất lao động của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn rất nhiều so với các phân ngành công nghiệp khác cũng như thấp hơn mức năng suất lao động chung của nền kinh tế.

Tháng 8/2020, Chính phủ đã công nhận tình trạng yếu kém của công nghiệp hỗ trợ. Trong nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ cho rằng, sản phẩm trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm còn nhiều bất cập.

{keywords}
Năng suất lao động trong các ngành công nghiệp chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Các DN còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đây là điều rất đáng lo ngại theo nghĩa đảm bảo một nền kinh tế tự chủ trong bối cảnh Covid-19 đã tác động sâu sắc đến các chuỗi giá trị và sản xuất trên thế giới.

Tầm nhìn xa, hành động gần

Theo Bộ Công thương, nước ta đang ở cuối giai đoạn đầu của công nghiệp hóa và bước đầu chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. 

Nếu không có những đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nâng cao năng suất, tăng tỷ trọng ngành công nghệ cao đi kèm với giá trị gia tăng cao, cùng với yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nước ta cần ít nhất 20 năm nữa mới có thể đạt mức bình quân đầu người về giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo theo ngưỡng của các nước công nghiệp hóa mới theo phân loại của UNIDO.

Yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, mà trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, theo hướng tập trung vào các nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển, đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề CNH, HĐH - do đó là cần thiết hơn bao giờ hết.

Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã nêu rõ về đường lối CNH, HĐH, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, trong đó xác định đến năm 2025 “tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.

Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá”.

Đó là những chủ trương, đường lối phát triển rất tham vọng và có tầm nhìn. Vấn đề là làm sao đưa được vào cuộc sống.

* Kỳ tới: Người Việt cần vươn lên làm chủ nhìn từ bất lợi thâm dụng lao động

Lan Anh

Kéo dài giấc mơ hiện đại hóa

Bài 1: Kéo dài giấc mơ hiện đại hóa

Những gì thế giới nhìn nhận về tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật ở Việt Nam chẳng dễ chịu gì cho các nhà hoạch định chính sách công nghiệp hóa.