Tất cả kiệt quệ
Kể từ khi Hà Nội dỡ phong tỏa hồi đầu tháng 10, đôi lần trong tuần tôi vẫn cố gắng đi dọc các con phố thương mại để xem không khí có sôi động như trước hay không. Thật đáng tiếc, vẫn là khung cảnh buồn tẻ, ít người; nhiều tuyến phố vẫn thưa thớt; hàng ăn, quán nhậu, cửa hàng quần áo… đều vắng khách hay đóng cửa.
Ở trung tâm một vài tỉnh mà tôi có dịp đến cũng vậy; không còn cảnh sầm uất, náo nhiệt của những người trẻ như trước thời Covid-19. Cảm nhận chung là người dân trở nên thận trọng với dịch bệnh và dè dặt với chi tiêu.
Về số liệu, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng - 19,8%, - 33,7%, - 28,4% và - 19,5% lần lượt trong 4 tháng vừa qua so các tháng tương ứng năm ngoái. Đây là mức giảm rất lớn trong bối cảnh chỉ số này luôn tăng 10% trong các năm bình thường.
Nhiều tuyến phố Hà Nội vẫn thưa thớt; hàng ăn, cửa hàng quần áo… đều vắng khách hay đóng cửa |
Ở TP.HCM, nơi thực hiện phong tỏa hơn 4 tháng, sinh kế của người dân đông cứng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) “dừng lâm sàng”. Trong giai đoạn đằng đẵng đó chỉ có khoảng 2.000 DN hoạt động, chiếm 0,7% tổng số DN của thành phố, có nghĩa là 99% không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng. TP.HCM bị ảnh hưởng nặng về kinh tế với mức tăng trưởng dự báo âm 5%. Đây là điều ông Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo.
Khảo sát của một hiệp hội DN cho biết, có tới 94% DN trong cả nước đang gặp khó khăn. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% DN thiệt hại nặng nề. Ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, các DN chỉ hoạt động chừng 5-10% công suất.
Những con số đó cho thấy, chưa bao giờ sức khỏe về tài chính của DN nói chung, nền kinh tế nói riêng sa sút như bây giờ.
Thật đáng tiếc, những gói hỗ trợ, phục hồi nền kinh tế vẫn chưa được phác thảo và lộ diện, kể cả khi Quốc hội họp kỳ vừa rồi.
Trong khi đó, hàng loạt các chính phủ gần đây tiếp tục đưa ra các gói kích thích nền kinh tế. Hạ viện Mỹ thông qua dự luật An sinh xã hội trị giá 1.800 tỷ USD, và Thượng viện sẽ tiếp tục xem xét thông qua. Trước đó, ngày 15/11, Tổng thống Biden đã ký ban hành luật Cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD. Đây là gói thứ 5 của Mỹ trong vòng 2 năm qua.
Gần đây, Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế cao kỷ lục 490 tỷ USD, tức gói thứ 3 trong 2 năm, nhằm thúc đẩy đà phục hồi. Các nước ASEAN cũng lục tục đưa ra các gói kích cầu.
Với những gói kích thích đó, ngân hàng Barclays dự báo, đầu tàu tăng trưởng sẽ là các nước phát triển; GDP toàn cầu sẽ tăng 6% năm nay.
Trong khi đó, các định chế như WB và ADB đã giảm dự báo tăng trưởng cho Việt Nam còn 2%, mức rất sâu.
Giải pháp đột phá
Ở nước ta, một số gói hỗ trợ tài chính cũng đã được tung ra, chẳng hạn giảm giá điện, giảm lãi suất, giảm cước Internet và viễn thông, hay giá xăng dầu… Tất cả những gói đó đều là DN hỗ trợ DN.
Vậy, vai trò của Nhà nước ở đâu? Đâu là vai trò của chính sách tài khóa và tiền tệ trong nâng đỡ cho DN phục hồi và bứt phá, chứ không phải hỗ trợ họ tồn tại lay lắt trong khó khăn với các chính sách nửa vời hoãn, giãn thuế, phí?
Nhà nước cần có các gói hỗ trợ tăng trưởng về tài khóa và tiền tệ để giúp doanh nghiệp tồn tại |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nói: “Nhìn ra thế giới, các nước, đặc biệt là các nước phát triển đã chi ra các gói tài chính 20-40% GDP. Họ tăng chi tiêu cho y tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của DN và trợ giúp người dân”.
Ông nói thêm: “Chúng ta đang cần kích cả cung lẫn cầu, đừng đề cao tiết kiệm, đừng biện hộ phải thắt lưng buộc bụng. Càng trong hoàn cảnh khó khăn, các nhà đầu tư tư nhân ngần ngại không dám chi hoặc không có để chi, thì Nhà nước càng phải mạnh chi”.
“Vì lẽ đó, gói hỗ trợ cũng phải ở mức đột phá 10% GDP”, ông nói.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đồng tình, thậm chí còn đề nghị gói hỗ trợ tài chính cao hơn ở mức 15% GDP. “Hoàn cảnh kinh tế bất bình thường đòi hỏi các giải pháp mang tính đột phá, quyết liệt, nếu không chúng ta không thể vượt qua được”, ông Thiên nói.
“Chúng ta phải thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tức là khi nền kinh tế ốm yếu, thu ngân sách khó khăn vẫn phải bơm tiền ra để kích thích. Sau này, khi mọi thứ khỏe mạnh hơn thì phải thắt lưng buộc bụng”, ông nói.
Những đề xuất như của hai chuyên gia kinh tế nêu trên, và nhiều người khác đều cho thấy, Nhà nước cần có các gói hỗ trợ tăng trưởng về tài khóa và tiền tệ để giúp DN tồn tại sau một thời gian dài ngủ đông.
Song, nỗi ám ảnh về bất ổn vĩ mô và lạm phát cách đây 10 năm vẫn đang lởn vởn trong đầu các nhà điều hành khi giữ ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là nhiệm vụ quan trọng nhất trong điều hành.
Nỗi ám ảnh vĩ mô
Trả lời trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng viện dẫn giá cả hàng hóa đã tăng rất cao, lạm phát ở các nước phát triển đã lên cao nhất trong lịch sử. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang dừng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, thậm chí có tới 65 lượt tăng lãi suất trên thế giới.
“Năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực rất lớn... Áp lực lạm phát cũng như áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới rất lớn”, bà nói với sự ám chỉ, giảm lãi suất để hỗ trợ DN là rất khó khăn.
Lạm phát ở Mỹ tháng 10 tăng 6,2% so cùng kỳ, cao nhất trong vòng 30 năm; lạm phát tại Anh tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua; CPI tháng 10 tăng 4,2% so cùng kỳ; lạm phát tại Canada tăng cao nhất kể từ 2003, CPI tháng 10 tăng 4,7% so cùng kỳ và CPI tháng 10 tại Eurozone tăng 4,1%.
Chi phí đẩy như vậy rõ ràng là sức ép rất lớn với nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao bậc nhất thế giới.
Chính phủ có lẽ vẫn đang thận trọng tính toán các gói hỗ trợ nhằm đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô và giúp khôi phục sức khỏe của doanh nghiệp |
Vấn đề là sức cầu trong nước đang quá yếu, cả người dân và DN vẫn đang thực sự “thắt lưng buộc bụng” sau hơn 4 tháng phong tỏa.
Ông Thiên cho rằng, cần kích cầu lên để tăng sức mua cho dân, thanh khoản cho DN chứ đừng chăm chăm quá lo lắng về lạm phát từ góc độ chi phí đẩy.
“CPI tăng chỉ 1,81%, thấp nhất từ 2016 cho thấy nền kinh tế và DN đang sống dở, chết dở. Nếu không bơm tiền ra cho dân và DN, chúng ta sẽ ốm yếu triền miên, thậm chí không hồi phục được trong khi lạm phát rõ ràng vẫn là rủi ro hiện hữu, khó tránh nhìn từ góc độ chi phí đẩy”, ông nói.
Theo ông, ổn định vĩ mô là cơ sở bảo đảm khôi phục tăng trưởng, ai cũng biết rồi. Vấn đề là giữ ổn định lúc này theo cách cân bằng động chứ không phải trong hoàn cảnh thông thường.
Rõ ràng, cân bằng giữa kích thích và giữ ổn định là bài toán nan giải, nhất là trong bối cảnh chứng khoán và bất động sản đang có dấu hiệu phình to.
Cấp cứu không thể chần chừ
Chính phủ có lẽ vẫn đang thận trọng tính toán các gói hỗ trợ nhằm đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô và giúp khôi phục sức khỏe của DN. Quy mô, liều lượng như thế nào, chẳng mấy ai có thể biết ngay được. Vấn đề là gói đó phải có sớm và được thực hiện hiệu quả, chứ nếu muộn thì còn DN nào tồn tại mà thụ hưởng. Cấp cứu mà, đâu có lần chần được!
Tăng trưởng quý 3 thấp nhất trong lịch sử; số người mất việc, hoãn việc, giảm thu nhập cao nhất lịch sử; đời sống của người dân sa sút, nhiều người rơi vào ngưỡng đói nghèo; nguy cơ không hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng là hiện hữu… Tình huống đó đòi hỏi những nỗ lực và giải pháp phi thường.
Dịch bệnh vẫn là mối lo thường trực, nhưng khi Chính phủ đã phân quyền cho dân, đã cá nhân hóa trong phòng chống dịch bệnh, mỗi người cần biết tự bảo vệ mình và người thân, các biện pháp chống dịch cực đoan phải gỡ bỏ.
Khi mỗi người dân không làm được điều này, khi không có các tài chính đủ lớn, đủ hiệu quả, thì chắc chắn các tuyến phố ở Thủ đô, TP.HCM hay bất kỳ đâu khác sẽ còn vắng vẻ kéo dài, mà đó là điều không ai mong đợi.
Tư Giang
Cái giá của mở cửa
Chỉ cần một vài địa phương đóng cửa là gây đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và lao động, tác động lớn đến nền kinh tế nói chung.