Ngày 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội tổ chức cho học sinh khối lớp 1 và lớp 2 đi trải nghiệm tại trang trại Cánh Buồm Xanh, Gia Lâm, Hà Nội. Khoảng 11h, học sinh ăn trưa tại trang trại. Các món ăn gồm cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh quy. Theo Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm.

Nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra ở nhiều nguồn

Đánh giá về nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong trường hợp này, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cho biết ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ món ăn nào, thậm chí cả nước uống. Vì vậy, ông đánh giá món ăn có thể không phải thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm mà do con người lúc chế biến và vận chuyển.

Theo PGS Thịnh, quá trình lựa chọn thực phẩm dù rất tốt, tươi sống, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng vẫn có thể nhiễm vi khuẩn từ nhà bếp tới bàn ăn. Qua báo cáo của Chi cục An toàn thực phẩm, chuyên gia lo ngại thức ăn bị nhiễm vi sinh vật ở khâu nấu nướng và vận chuyển.

Trẻ ngộ độc cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Thúy 

"Nhà trường nấu rồi cho thực phẩm vào các dụng cụ và vận chuyển đến trang trại với số lượng lớn như vậy nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ xảy ra. Nếu hộp đựng thức ăn không sạch sẽ, người chia phần ăn tay chưa vệ sinh, đầu tóc, quần áo không đảm bảo cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc", PGS Thịnh nhận định. 

Trong số hơn 900 học sinh tham gia dã ngoại nhưng có hơn 70 học sinh phải đi cấp cứu dù ăn cùng món. Về vấn đề này, PGS Thịnh lý giải có học sinh chỉ xuất hiện dấu hiệu nhẹ, có em lại phải vào cấp cứu là vì mức độ tiêu thụ thực phẩm khác nhau.

"Có trẻ ăn nhiều, có bé lại ăn ít. Nếu học sinh càng ăn nhiều thì lượng độc tố đi vào cơ thể càng cao. Ngoài ra, tình trạng tùy theo thể trạng sức khỏe từng người mà mức độ ngộ độc có thể khác nhau. Người có cơ thể khỏe mạnh sẽ chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn", chuyên gia này cho biết.

Học sinh có thể bị nhiễm loại vi khuẩn nào?

PGS Thịnh cho biết nếu các học sinh bị nhiễm tụ cầu hoặc khuẩn E-coli thời kỳ ủ bệnh thường ngắn từ 30 phút đến 6 giờ. Triệu chứng là đột ngột đau bụng dữ dội và nôn nhiều, thường xuất hiện sớm trước khi bị tiêu chảy. Một số trường hợp không bị tiêu chảy, không sốt hoặc sốt rất nhẹ. Biểu hiện nặng nhất có thể mất nước nhiều dẫn đến trụy tim mạch, thường gặp ở trẻ nhỏ và người già yếu, người có miễn dịch kém.

Theo vị chuyên gia này, đa phần bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do nhóm vi sinh vật ít nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc Botulinum, bệnh nhân dễ diễn biến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Để hạn chế ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể trong trường học, theo PGS.TS Thịnh, cần thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến, và bảo quản thực phẩm. 

Phụ huynh học sinh cũng cần tăng cường giám sát chuỗi thực phẩm, quy trình chế biến bởi đây là quyền lợi, giúp đảm bảo an toàn cho con. 

Cập nhật tới 12h trưa 29/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết đã có 58 trên tổng số 73 học sinh trường Tiểu học Kim Giang được xuất viện. 15 trẻ còn phải theo dõi tại viện, sức khỏe đều ổn định. Trong đó, 5 trẻ ở Bệnh viện Bạch Mai; 2 trẻ ở Bệnh viện Xây dựng; 7 trẻ ở Bệnh viện Đống Đa.