Đây là chia sẻ hôm 12/12 của chỉ huy đại đội Achilles thuộc Lữ đoàn máy bay biệt động số 92 - ông Yury Fedorenko với đài truyền hình nhà nước Ukraine Suspilne. Theo ông, “tại các khu vực tiền tuyến ưu tiên, tỷ lệ là Ukraine có 1 UAV thì Nga có 5 - 7 chiếc”.

Ông cho biết thêm, sự chênh lệch về số lượng UAV đã khiến Nga và Ukraine triển khai các chiến lược khác nhau. Trong đó, Ukraine cần phải thận trọng hơn khi sử dụng UAV. 

nga ukraine uav.jpg
Binh sĩ Ukraine triển khai UAV tại vùng xung đột Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Ông giải thích Ukraine chỉ triển khai UAV "khi có mục tiêu", nhưng Nga có thể để UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) bay lảng vảng trên không để phát hiện mục tiêu tấn công.

UAV đã trở thành vũ khí nổi bật trong xung đột ở Ukraine. Nga và Ukraine đều cho ra mắt các mẫu UAV mới, và thay đổi liên tục chiến thuật sử dụng. 

Gần đây, Ukraine đã công bố một loạt UAV mới bao gồm Backfire chống nhiễu, UAV mặt đất Ratel S, và xuồng không người lái Marichka. Hàng loạt vụ tấn công bằng UAV của Ukraine đã nhằm vào bán đảo Crưm, các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga như một số tòa nhà ở thủ đô Moscow. 

Trong khi đó, Nga cũng tăng cường sản xuất nhiều loại UAV giá rẻ, bên cạnh việc triển khai các đơn vị UAV cảm tử Italmas tầm xa, UAV Lancet và UAV Shahed-136 do Iran sản xuất. 

Hồi tháng 10, bà Melinda Haring tại tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington, Mỹ nhận định dù cả 2 bên đã có những cải thiến về công nghệ, song Ukraine vẫn tụt hậu so với Nga. Nguyên nhân là do Ukraine thiếu người điều khiển UAV, số lượng UAV hiện đại ít hơn, và chất lượng UAV cũng không bằng Nga.