Trong cuộc thử nghiệm gần đây, vũ khí “vi sóng phản hồi hiệu suất cao chiến thuật” (THOR) của Lực lượng Không quân Mỹ đã cho thấy khả năng mạnh mẽ khi dễ dàng vô hiệu hoá “bầy máy bay không người lái”.

Adrian Lucero, Giám đốc chương trình THOR thuộc Phòng thí nghiệm không quân Mỹ (AFRL) cho hay, thử nghiệm tiến hành tại căn cứ Kirtland (Albuquerque, New Mexico), mô phỏng một cuộc tấn công bầy đàn của drone. Trong đó, hệ thống mới sử dụng các xung vi sóng hiệu suất cao (HPM) để vô hiệu hoá mục tiêu.

 “THOR đặc biệt hiệu quả trong việc vô hiệu hóa bầy đàn drone nhờ chùm tia rộng, công suất cực đại cao, linh hoạt khoá góc và vô hiệu hóa đối thủ”, Lucero nói.

Tổ hợp điện từ THOR có kích thước nhỏ gọn nhưng hiệu suất cao, dễ dàng bố trí và thiết lập phòng thủ trước UAV/drone 

Dự án THOR đã được quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm rộng rãi trong hơn 2 năm qua, cho thấy tiềm năng đặc biệt đối phó với những chiếc UAV/drone đang “làm mưa, làm gió” trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

Đại úy Tylar Hanson, Phó Giám đốc Chương trình THOR, cho hay hệ thống điện từ này được thiết kế để vô hiệu hoá những vũ khí khai hoả liên tục, từng đạt giải thưởng danh giá “Tính năng mới trong lĩnh vực quốc phòng” năm 2021 của Mỹ.

Với nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ không quân, THOR tạo ra tác động đáng kể trong công nghệ quốc phòng. Hệ thống sử dụng năng lượng thông qua phích cắm tường đơn giản, cung cấp giải pháp phòng thủ phi động học hiệu quả đối với các mục tiêu máy bay không người lái.

THOR có thiết kế nhỏ gọn, đặt vừa vặn trong một container 2,2 tấn, từ đó dễ dàng vận chuyển bằng các loại máy bay vận tải như C-130. Trong khi đó, quy trình thiết lập và đưa hệ thống đi vào vận hành có thể hoàn thành trong vòng ba giờ. Giao diện người dùng cũng được chủ ý thiết kế tối giản và dễ dàng đào tạo.

Thách thức trong đối phó chiến thuật drone "bầy đàn"

Cuộc chiến tại Ukraine cho thấy máy bay không người lái đang dần trở thành yếu tố chiến thuật làm thay đổi chiến tranh hiện đại trong tương lai. Nhiều quốc gia đã đầu tư đáng kể nhằm nhằm đối phó với bản chất phức tạp từ các mối đe dọa của những phương tiện này.

Trong đó, Mỹ là một trong những quốc gia tích cực nghiên cứu các công nghệ mới để phòng thủ drone, không loại trừ khả năng sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống như vậy để thử nghiệm trên thực địa.

UAV đang trở thành thách thức không dễ hoá giải cho bất kỳ hệ thống phòng không nào hiện nay

Mặc dù UAV đơn lẻ có thể mang lại tác động chiến đấu hiệu quả như tấn công động học, giám sát hoặc phát hiện pháo binh, song các chỉ huy tại Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt lo ngại về chiến thuật “bầy đàn” khi đối phương sử dụng một số lượng lớn drone, rẻ tiền, tấn công cùng lúc vào lực lượng mặt đất hay các mục tiêu cố định.

Với sự phát triển của các thuật toán trí tuệ nhân tạo, các bầy đàn hàng chục chiếc drone bốn cánh thương mại, được điều khiển bởi một người lính duy nhất, có thể trở thành mối đe doạ tấn công đáng gờm.

Trong khi đó, các hệ thống phòng không và chống UAV truyền thống sử dụng đạn dẫn đường bị thách thức bởi kích thước nhỏ của quadcopters và số lượng lớn các mục tiêu tiềm năng mà chúng hiện diện cùng lúc.

Những hệ thống như THOR sử dụng vi sóng can thiệp vào hệ thống điện tử của UAV, khiến chúng trở nên vô dụng trên chiến trường. Mặc dù không quân Mỹ không tiết lộ chi tiết vũ khí mới đã hạ tổng cộng bao nhiêu UAV cùng lúc, song họ khẳng định đã tìm ra “lời giải” cho chiến thuật drone bầy đàn.

Bên cạnh hệ thống THOR, quân đội Mỹ cũng đang có kế hoạch triển khai một loại vũ khí vi sóng hiệu suất cao khác có tên Leonidas với cơ chế tương tự nhằm vô hiệu hoá những phương tiện bay không người lái. Ngoài ra, các phương tiện của lục quân nước này dự kiến sẽ được trang bị súng laser 20 kilowatt chống drone trong thời gian tới.

(Theo EurAsian Times)