Dẫn lời giới chuyên gia phương Tây và Ukraine, trang tin Top War của Nga cho hay cuộc thử nghiệm của chiến đấu cơ đa năng Su-30SM2 trang bị tên lửa siêu vượt âm tầm xa R-37 là để chuẩn bị cho sự xuất hiện của F-16 trên bầu trời Ukraine.

“Các phi công quân sự Nga cho thấy, họ đã khá sẵn sàng đón nhận sự xuất hiện của các máy bay NATO”, Top War viết. 

Theo Newsweek, hôm 22/5, các blogger quân sự Ukraine cho hay Su-30SM2 của Nga còn được trang bị tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar chủ động R-77. Còn một blogger quân sự nổi tiếng của Nga nhận định, đoạn video mới xuất hiện trên mạng xã hội là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tên lửa phóng từ trên không tầm xa R-37 đã được tích hợp trên chiến đấu cơ Su-30SM2 thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đoạn video ghi lại cảnh tiêm kích Su-30SM chứ không phải Su-30SM2 tấn công xuồng không người lái (USV) của Hải quân Ukraine ở Biển Đen. Song thông tin về hệ thống vũ khí mà Su-30SM mang theo lại không được tiết lộ.

Su-30SM2 là phiên bản nâng cấp của tiêm kích Su-30. Truyền thông Nga từng mô tả máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không "tinh vi" bao gồm radar để tăng cường khả năng phát hiện và xác định mục tiêu ở tầm xa hơn. Máy bay có khả năng thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu trên không, trên mặt đất, và trên biển bằng vũ khí thông minh mới từ khoảng cách vài trăm km.

Vào tháng 11/2022, hãng thông tấn Tass đưa tin Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được lô chiến đấu cơ Su-30SM2 mới với năng lực triển khai "kho vũ khí lớn hơn" gồm các loại tên lửa tầm xa, không đối không, và không đối đất.

Còn vào tháng 4/2023, truyền thông Nga đưa tin Hạm đội Baltic của Nga ở phía tây Kaliningrad đã hoàn thành các cuộc tập trận với sự tham gia của các chiến đấu cơ đa năng Su-30SM và Su-30SM2.

Theo thông tin mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Nga hiện sở hữu 4 chiếc Su-30SM2 có khả năng chiến đấu.

Các trang tin Ukraine cũng nhận định, cuộc thử nghiệm Su-30SM2 của Nga giữa lúc Kiev sắp nhận F-16 không phải là ngẫu nhiên.

Một số nước phương Tây ủng hộ Ukraine đã cam kết cung cấp F-16, nhưng mốc thời gian cụ thể bàn giao chưa rõ ràng. Theo đó, Đan Mạch tuyên bố bắt đầu chuyển giao F-16 cho Ukraine vào mùa hè năm nay. Na Uy và Bỉ cũng đã cam kết cung cấp F-16 cho Kiev. Trong khi đó, Đan Mạch, Mỹ, Anh, Pháp và Romania đang giúp đào tạo cho phi công Ukraine.

Giới chuyên gia cho rằng một khi có F-16, các phi công Ukraine sẽ có thể hoạt động từ khoảng cách xa hơn, tấn công các hệ thống phòng thủ trên mặt đất của Nga dễ dàng hơn, và đưa máy bay quân sự Nga vào tầm bắn. Dù F-16 không phải là viên đạn bạc, nhưng nó sẽ khiến các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine trở nên khó khăn hơn, gây nguy hiểm cho tài sản của Nga, và ngăn Nga chiếm ưu thế trên không.

Hôm 22/5, phát ngôn viên Không quân Ukraine Ilya Yevlash tuyên bố các phi công lái F-16 đầu tiên của Ukraine đã trở về nước sau khóa huấn luyện ở nước ngoài. F-16 được kỳ vọng giúp nâng cấp đáng kể năng lực cho phi đội máy bay quân sự già cỗi của Ukraine.