Vụ tấn công nhà mạng chấn động nước Mỹ

AT&T – nhà mạng di động lớn thứ hai và nhà mạng cố định lớn nhất nước Mỹ - vừa tiết lộ sự cố tấn công mạng nghiêm trọng.

AT&T cho biết, dữ liệu bị xâm phạm bao gồm số điện thoại của “gần như tất cả” khách hàng di động và khách hàng của các nhà cung cấp không dây sử dụng mạng của họ trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2022 đến ngày 31/10/2022.

Nhật ký bị đánh cắp cũng chứa hồ sơ về mọi số điện thoại mà khách hàng AT&T đã gọi điện hoặc nhắn tin – bất kể nội mạng hay ngoại mạng – số lần họ tương tác, độ dài cuộc gọi. Tuy nhiên, nhà mạng nhấn mạnh dữ liệu này không gồm nội dung cuộc gọi, tin nhắn hay thời điểm liên lạc. “Một số lượng rất nhỏ” khách hàng cũng bị ảnh hưởng vào ngày 2/1/2023.

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) cho biết, đang điều tra sự cố rò rỉ tại AT&T và đang phối hợp với các nhà hành pháp.

Theo hồ sơ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), AT&T phát hiện vụ tấn công vào ngày 19/4 sau khi dữ liệu khách hàng bị tải xuống bất hợp pháp từ một workspace (không gian làm việc) trên nền tảng đám mây Snowflake. Hồi tháng 3, nhà mạng cũng chia sẻ là nạn nhân của một vụ tấn công, làm 73 triệu khách hàng bị lộ thông tin cá nhân như mã số an sinh xã hội. Người phát ngôn khẳng định sự cố tháng 4 không có liên quan gì đến sự cố tháng 3.

Trên blog, nhà mạng Mỹ nói chưa có dấu hiệu kẻ tấn công phát tán dữ liệu lấy được và đang hợp tác với nhà chức trách để giải quyết vấn đề.

Microsoft gặp sự cố toàn cầu

WSJ đưa tin, dịch vụ đám mây và Microsoft 365 đang gặp gián đoạn, ảnh hưởng tới hàng nghìn người dùng trên khắp thế giới.

Việc không thể truy cập vào nền tảng điện toán đám mây do Microsoft cung cấp khiến các hãng hàng không phải huỷ nhiều chuyến bay.

Theo trang theo dõi sự cố Downdetector.com, hàng nghìn người dùng đang báo cáo sự cố truy cập liên quan ứng dụng và dịch vụ Microsoft 365.

loi micrisoft.jpg
Quầy tự phục vụ tại các siêu thị Woolworths ngừng hoạt động do sự cố máy tính Windows. Ảnh: Archie Staines

Trên mạng xã hội X, tài khoản Microsoft 365 Status xác nhận “một sự cố đã ảnh hưởng đến truy cập ứng dụng và dịch vụ” của công ty.

Trong khi đó, trên website trạng thái của Azure - nền tảng điện toán đám mây, Microsoft cho hay sự cố bắt đầu từ khoảng gần nửa đêm giờ miền tây ngày 18/7 (khoảng 10h sáng tại Việt Nam ngày 19/7), ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống trên khắp miền trung nước Mỹ.

Trong thông báo cập nhật, "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ nói đã xác định được nguyên nhân sự cố và đang nỗ lực khôi phục quyền truy cập cho người dùng.

Trong 1 diễn biến khác cùng thời điểm, theo ABC.net.au, một sự cố kỹ thuật được cho là liên quan đến hãng bảo mật CrowdStrike khiến nhiều máy tính Microsoft tại Australia và toàn cầu gặp lỗi vào chiều ngày 19/7.

Sự cố ảnh hưởng đến hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ của Australia khi các laptop tự khởi động lại và hiển thị “màn hình xanh chết chóc”.

Sự cố gián đoạn dịch vụ cũng được ghi nhận tại Mỹ và New Zealand.

Google sắp có thương vụ lớn nhất lịch sử

Theo WSJ, Google đang tiến gần tới một thoả thuận mua lại công ty khởi nghiệp giải pháp an ninh mạng 4 năm tuổi - Wiz, có giá trị lên tới 23 tỷ USD.

Các nguồn tin cho biết, gã khổng lồ tìm kiếm đã bước vào giai đoạn thảo luận sâu hơn và một thoả thuận có thể xảy ra nếu mọi chuyện tiến triển thuận lợi.

The New York Times cho biết, Wiz sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất của Google, nếu thương vụ này thành công.

Được thành lập vào tháng 3/2020, Wiz là công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp bảo mật cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây, chẳng hạn như từ Amazon Web Services.

Trong vòng chưa đầy một năm, giá trị của startup này đã đạt mức 1,7 tỷ USD và nhanh chóng nhận được nhiều khoản đầu tư từ những công ty bao gồm Salesforce, Blackstone và Algae - đưa Wiz trở thành một trong những công ty khởi nghiệp phát triển nhanh nhất vào thời điểm đó.

Trung Quốc đạt bước tiến quan trọng trong mạng 6G

Theo Tân Hoa Xã, một nhóm kỹ sư viễn thông Trung Quốc đã thiết lập mạng thử nghiệm thực địa 6G đầu tiên trên thế giới.

Các kỹ sư viễn thông đến từ Đại học Bưu chính Viễn thông Trung Quốc đã thiết lập mạng thử nghiệm thực địa, có thể đạt năng lực truyền dẫn 6G trên cơ sở hạ tầng 4G có sẵn.

Nhóm trình bày những phát hiện ban đầu về hoạt động của mạng thử nghiệm tại một hội nghị tổ chức ở Bắc Kinh ngày 10/7.

Mạng sử dụng kỹ thuật có tên “giao tiếp ngữ nghĩa” (semantic communication), cải thiện gấp 10 lần các thước đo truyền thông quan trọng, bao gồm dung lượng, phạm vi phủ sóng và tính hiệu quả.

Theo Tân Hoa Xã, mạng phục vụ như nền tảng để các viện tiến hành nghiên cứu lý thuyết và xác minh ban đầu công nghệ quan trọng của 6G.

Theo nhóm nghiên cứu, là mạng thử nghiệm thực địa 6G “đầu tiên trên thế giới”, nó hạ thấp rào cản đầu vào đối với nghiên cứu 6G, giúp dễ tiếp cận hơn và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Mạng tích hợp sâu giữa truyền thông và AI, là “hướng đi quan trọng” trong sự phát triển của công nghệ truyền thông.

Trung Quốc đặt mục tiêu thương mại hóa 6G vào năm 2030 và dự kiến thiết lập tiêu chuẩn cho công nghệ này vào năm 2025, theo Wang Zhiqin, trưởng nhóm thúc đẩy 6G tại Trung Quốc.