Theo hãng tin Bloomberg, WTO ngày 15/9 đã ra phán quyết về khiếu nại của Trung Quốc liên quan các mức thuế bổ sung do Mỹ triển khai đối với lượng hàng hóa trị giá 400 tỷ USD của nước này. Hội đồng gồm 3 chuyên gia thương mại WTO tuyên bố, Mỹ đã vi phạm các quy định quốc tế khi áp thuế như vậy năm 2018 và "không chứng minh được biện pháp đó là hợp lý".
Mặc dù phán quyết có lợi cho Bắc Kinh, nhưng Washington có thể phủ quyết bằng cách nộp đơn kháng cáo vào bất kỳ thời điểm nào trong vòng 60 ngày tới.
Ngay sau phán quyết, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã lên án WTO thiên vị Trung Quốc. Theo quan chức này, WTO đã không xem xét các bằng chứng mở rộng do Mỹ đệ trình về nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ của Trung Quốc và cũng không đưa ra được giải pháp cho vấn đề. Ông Lighthizer nói thêm, phán quyết không ảnh hưởng đến thỏa thuận giai đoạn 1 giữa hai nước.
Tranh cãi xoay quanh việc chính quyền Trump vận dụng Mục 301 trong Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974, cho phép tổng thống áp thuế và các biện pháp giới hạn nhập khẩu khác bất cứ khi nào một quốc gia bên ngoài có hành vi thương mại bất công bằng, ảnh hưởng đến thương mại Mỹ. Washington cho biết, việc áp thuế là cần thiết nhằm chống lại các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan cũng như chính sách cưỡng ép chuyển giao công nghệ của Trung Quốc.
Chad Bown, một chuyên gia cấp cao thuộc Viện Kinh tế học quốc tế Peterson lưu ý, việc Trung Quốc áp thuế trả đũa Mỹ trước khi WTO ra phán quyết cũng vi phạm các quy định thương mại quốc tế. Ông nói, không bên nào giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung.
Tuấn Anh
Lý do Mỹ - Trung không đối đầu quân sự
Trung Quốc được tin đang dùng tuyệt chiêu của đô vật Nhật Antonio Inoki trong trận đấu với nhà vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới Mohammed Ali để ứng phó với Mỹ, nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới hiện nay.
Ông Trump mạnh tay, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung lâm nguy?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã cho hủy các cuộc đàm phán cuối tuần trước với Trung Quốc đang làm dấy lên nghi ngại về tương lai của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.