Giải thích về quyết định đột ngột của mình, ông Trump hôm 18/8 chỉ đơn giản cho biết: "Tôi không muốn đối thoại với Trung Quốc lúc này". Theo truyền thông Mỹ, lãnh đạo Nhà Trắng tiếp tục than phiền về Trung Quốc, đặc biệt là về sự lây lan của Covid-19. Ông nói những gì Bắc Kinh đã làm với thế giới là "không thể tưởng tượng được".
Ẩn ý sau quyết định bất ngờ
Câu trả lời của lãnh đạo Nhà Trắng đã phần nào giải đáp thắc mắc của dư luận khi một số hãng thông tấn đưa tin hồi cuối tuần trước rằng, cuộc điện đàm video dự kiến vào ngày 15/8 giữa Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhằm đánh giá những tiến triển trong 6 tháng sau ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã bị hoãn vô thời hạn. Vào thời điểm đó, Reuters trích dẫn một nguồn thạo tin quả quyết, điều này bắt nguồn từ việc hai bên không sắp xếp được lịch làm việc.
Tuy nhiên, Mai Tân Dục, nhà nghiên cứu đang làm việc tại một cơ quan cố vấn cho Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định, những biện pháp trừng phạt của Mỹ gần đây nhằm vào các công ty Trung Quốc nhiều khả năng đã ảnh hưởng đến đàm phán. Ông Mai ám chỉ đến việc chính quyền Trump ngày 6/8 đã công bố hai sắc lệnh hành pháp, viện dẫn các quan ngại an ninh quốc gia để cấm mọi tổ chức và cá nhân tại Mỹ giao dịch với ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng TikTok và Tencent, tập đoàn công nghệ sở hữu ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí đông người dùng WeChat.
Thêm vào đó, hôm 17/8, Bộ Thương mại Mỹ đã siết chặt lệnh trừng phạt với Huawei khi bổ sung 38 chi nhánh của hãng vào "danh sách đen", hạn chế tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ thông qua bên thứ ba.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay sau đó đã lên tiếng chỉ trích động thái của chính quyền Trump, cáo buộc Washington "lạm dụng quyền lực quốc gia", "vi phạm các quy tắc kinh tế thị trường cũng như các nguyên tắc mở cửa, minh bạch và không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)" để ngăn chặn sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc.
"Các cuộc thương lượng có thể diễn ra thế nào nếu Mỹ tiếp tục tạo nên những vấn đề mới? Dù Mỹ muốn tạo lập một môi trường ổn định hay sóng gió cho các doanh nghiệp, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào họ", chuyên gia Mai chia sẻ.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, ông Trump rõ ràng không hài lòng với những gì đạt được trong chiến dịch gia tăng áp lực tối đa với Bắc Kinh, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đã cận kề. Để tăng cơ hội tái cử, lãnh đạo Nhà Trắng muốn chứng tỏ chính sách cứng rắn của ông đối với Trung Quốc phát huy hiệu quả, buộc nước này phải triển khai các cam kết với Washington một cách thực chất, thay vì chỉ tiếp tục đàm phán kiểu "nói nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu".
Bản thân ông Trump cũng đang đối mặt với sức ép rất lớn khi các kết quả thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy đối thủ Dân chủ - cựu Phó tổng thống Joe Biden đang tạm dẫn trước về tỉ lệ ủng hộ của cử tri. Ông Biden và phe Dân chủ nhiều lần công kích cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do ông Trump phát động, đổ lỗi lãnh đạo Nhà Trắng đang gây tổn hại lớn cho các nhà sản xuất, nông dân và người tiêu dùng Mỹ, trong khi không thay đổi được chính sách kinh tế bị tố bất công bằng của đại lục, ví dụ như trợ cấp chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước.
Nguy cơ đổ vỡ
Tất nhiên, ông Trump đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc trên. Những người bênh vực ông quả quyết, suốt nhiều tháng qua, Washington đã gia tăng sức ép với Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ thương mại, cách ứng phó với đại dịch Covid-19, các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông cho đến việc cân nhắc hủy thị thực với một số du học sinh đến từ đại lục, giới hạn số phóng viên Trung Quốc thường trú trên đất Mỹ và áp lệnh trừng phạt với các ông lớn công nghệ Trung Quốc...
Phe ủng hộ chỉ ra rằng, một trong những mục tiêu chính của đương kim Tổng thống Mỹ đối với thỏa thuận thương mại song phương là làm giảm thâm hụt thương mại của nước này trước Trung Quốc. Theo các điều khoản của thỏa thuận giai đoạn 1 đã ký ngày 15/1, Bắc Kinh cam kết trong vòng 2 năm sẽ mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với năm 2017, bao gồm cả lượng nông sản trị giá 40 tỷ USD để đổi lấy việc Washington chấp nhận ngưng các kế hoạch áp thuế mới lên hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.
Theo giới quan sát, mặc dù Trung Quốc đang xúc tiến nhiều thay đổi như đã hứa, kể cả về vấn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng mức thu mua hàng hóa Mỹ vẫn thấp hơn các mục tiêu đã đề ra. Ngay cả khi Bắc Kinh có thể mua đủ số lượng đậu nành, ngô hoặc thịt lợn để đáp ứng các cam kết về nông nghiệp, họ cũng không thể mua đủ dầu và khí đốt như thỏa thuận về năng lượng. Ngoài ra, sự khủng hoảng của hệ thống hàng không, vận tải quốc tế vì đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến nhu cầu mua mới máy bay Mỹ của Trung Quốc, ngăn cản hàng trăm nghìn công dân đại lục đến xứ sở cờ hoa để du học hoặc du lịch, làm suy giảm hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Mỹ.
Hiện gần như không có cơ hội để Bắc Kinh hoàn thành các cam kết với Washington trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục hoành hành, làm suy yếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Michael Hirson, chuyên gia về Trung Quốc và Đông Bắc Á thuộc công ty tư vấn chính trị Eurasia Group (Mỹ) tin, thực trạng đang khiến ông Trump tức giận và việc leo thang căng thẳng địa chính trị hiện làm triển vọng hợp tác giữa hai nước ngày càng phai nhạt.
Nhiều người lo ngại, sự sụp đổ của thỏa thuận giai đoạn 1 có nguy cơ dẫn đến việc tái diễn cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, gây tổn hại đến thương mại và các doanh nghiệp trên toàn cầu. Tuy nhiên, Charles Freeman, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á tại Phòng Thương mại Mỹ không bi quan đến như vậy.
"Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là điểm sáng trong mối quan hệ giữa hai cường quốc. Tôi chắc chắn Tổng thống Trump đang xem xét cuộc bầu cử và các thị trường chứng khoán, đồng thời nhận ra thách thức mà Trung Quốc có thể gặp phải khi thực hiện các cam kết với Washington cũng như việc hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận có thể khiến mọi chuyện tồi tệ hơn", ông Freeman bình luận trên trang Bloomberg.
Thực tế, việc chấm dứt thỏa thuận đòi hỏi phải có thông báo bằng văn bản và quyết định sẽ chính thức có hiệu lực 60 ngày sau đó, trừ phi cả hai bên nhất trí một thời điểm khác. Bản thân ông Trump khi được hỏi liệu Mỹ có xé bỏ thỏa thuận hay không đã trả lời rằng: "Chúng ta hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra".
Dư luận vẫn hy vọng vào một kết cục tốt đẹp khi chính ông Trump hôm 15/8 đã lên tiếng tán dương việc Trung Quốc thu mua các mặt hàng nông sản Mỹ. Trước đó, Peter Navarro, cố vấn thương mại cho Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố thỏa thuận giai đoạn 1 đang tiến triển đúng hướng.
Dù thế nào, tương lai của thỏa thuận song phương hiện hoàn toàn phụ thuộc vào tính toán chiến lược của chính quyền Trump và Bắc Kinh khi chỉ còn 10 tuần nữa, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo Nhà Trắng.
Tuấn Anh
Ông Trump chơi rắn, Mỹ - Trung ngày càng xa rời
Cả Washington và Bắc Kinh đều cáo buộc bên kia bắt đầu hành động thù địch trước. Trong đó, Trung Quốc nhấn mạnh việc Tổng thống Mỹ đơn phương áp thuế nhập khẩu chống nước này.
Ông Trump giáng đòn hiểm, Trung Quốc bị dồn vào thế bí?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lệnh "cấm cửa" hai ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc là WeChat và TikTok cùng các công ty mẹ của chúng được coi là đòn giáng mạnh với Bắc Kinh.