Đó là ngày đầu tiên Bộ Tài chính tiên phong khoán xe công tới tận cấp Thứ trưởng với số tiền khoán từ 3,96 triệu đồng đến 9,9 triệu đồng/người/tháng, tùy thuộc khoảng cách từ nhà đến trụ sở. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng tiến hành quản lý tập trung xe công tại các đơn vị trực thuộc.

 6 năm trước, vào sáng ngày 3/10/2016, một thứ trưởng Bộ Tài chính bước xuống từ xe taxi để vào trụ sở làm việc.

Sáng kiến tiên phong này khi đó nhận được không ít phản hồi tích cực. Một số cơ quan, đơn vị sau đó bắt đầu noi theo và thấy tiết kiệm đáng kể tiền “nuôi” xe công.

Dấn thêm một bước, tháng 7/2017 Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định về xe công. Theo đó, có phương án “khoán xe công bắt buộc” đến tận cấp Thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Đồng thời, giảm lượng xe phục vụ công tác chung của các cơ quan, đơn vị. Theo tính toán, lượng xe công đến năm 2020 có thể giảm được tới 30-50% - một con số rất lớn.

Thế nhưng, ý định này không nhận được đồng thuận. Do vậy, đến tháng 1/2019, Nghị định 04/2019/NĐ-CP về xe công được ban hành đã giảm rất nhiều đối tượng áp dụng. Thay vì bắt buộc khoán xe công đến cấp Thứ trưởng và tương đương như mong muốn ban đầu, việc khoán xe chỉ chỉ áp dụng đối với các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25.

Sau một thời gian áp dụng khoán xe công cấp Thứ trưởng thì Bộ Tài chính cũng dừng không tiếp tục thực hiện chủ trương này nữa. Các Thứ trưởng chọn đi taxi ngày đó giờ cũng đã nghỉ hưu.

Hiện nay, Bộ Tài chính tiếp tục sửa Nghị định 04 về xe công. 

Theo số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố năm 2019, cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm. Ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm. Đến nay con số này chắc hẳn không có nhiều thay đổi. 

Xã hội ngày càng phát triển, các phương tiện giao thông ngày càng đa dạng và có nhiều lựa chọn. Hy vọng rằng, nghị định sửa đổi tới đây sẽ lại khơi dậy tinh thần của những thứ trưởng tiên phong hồi nào trong nhiều cơ quan nhà nước.

Khoán xe công, tiết kiệm ngay tiền tỷ

Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đã góp phần giảm số lượng xe công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính.