UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có tờ tình gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về phương án sắp xếp, xử lý xe ô tô công.

Tổng số xe ô tô công Bắc Ninh đang quản lý là 319 chiếc. Trong đó số ô tô được sử dụng theo quy định là 77 xe; số xe vượt tiêu chuẩn, định mức của Bắc Ninh là 96 xe. 

UBND tỉnh Bắc Ninh dự kiến phương án sắp xếp xe ô tô theo đúng các nguyên tắc tại Nghị định 04/2012/NĐ-CP ngày 11/01/2019.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng phương án khoán xe ô tô phục vụ công tác chung đối với các đơn vị phải thu hồi xe ô tô. Ảnh minh họa

Cụ thể, đối với Khối Văn phòng (Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh), số xe cần thu hồi do vượt tiêu chuẩn, định mức là 15 xe. Đối với các cơ quan còn lại, UBND tỉnh Bắc Ninh dự kiến thu hồi xe vượt tiêu chuẩn định mức với 81 xe.

Trong đó: Thu hồi ngay để thanh lý (lần 1) đối với các xe đã sử dụng trên 15 năm gồm 63 xe; Đề nghị được tiếp tục sử dụng đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung xe chuyên dùng và có quyết định thu hồi để thanh lý gồm 18 xe.

Tổng số lái xe dự kiến dôi dư sau sắp xếp là khoảng 41 người. UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Nội vụ tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết, chính sách cụ thể đối với lái xe dồi dư, theo phương án thực hiện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi đối với những trường hợp đủ điều kiện theo chính sách hiện hành của Nhà nước; Điều chuyển lái xe từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Đối với các đơn vị không thuộc tiêu chuẩn, định mức được trang bị xe ô tô công, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị thực hiện chấm dứt hợp đồng đối với lái xe là hợp đồng lao động.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng lên phương án khoán xe ô tô phục vụ công tác chung đối với các đơn vị phải thu hồi xe ô tô.

Đối tượng áp dụng khoán là chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô (có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25) thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Khoản 3 Điều 12 và Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 04/2014/NĐ-CP không được trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung (phải thu hồi xe sau khi sắp xếp) gồm các chức danh lãnh đạo của các đơn vị trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở, ban, ngành và tổ chức tương đương của cấp tỉnh, cấp huyện.

Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thực hiện khoán theo một trong hai phương thức.

Phương thức 1 khoán gọn đi công tác trong và ngoài tỉnh. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định phương thức khoán phù hợp với từng chức danh nhưng không vượt quá mức khoán kinh phí khi đi công tác tối đa là 6 triệu đồng (bao gồm cả đi công tác trong tỉnh và ngoài tỉnh và phí cầu đường). 

Các đơn vị được xác định mức khoán gọn cho các chức danh được sử dụng ô tô trên cơ sở tối đa bằng chi phí bình quân sử dụng ô tô của năm 2021 (bao gồm: chi phí nhiên liệu, vé cầu đường gửi xe, rửa xe, sửa chữa nhỏ, bảo dưỡng xe..) không bao gồm lương lái xe (nếu có). 

Phương thức 2 là khoán gọn công đoạn đi công tác trong tỉnh. Theo đó, đi công tác trong tỉnh mức khoán kinh phí tối đa không quá 5 triệu đồng/người/tháng. Còn đi công tác ngoài tỉnh thanh toán khoán theo công thức: Đơn giá khoán tối đa là 12.500 đồng/km (bao gồm cả phí vé cầu, đường và tiền gửi xe...) nhân với khoảng cách thực tế đi công tác.

Kinh phí khoán theo hình thức khoán gọn được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng. Riêng kinh phí khoán theo hình thức đơn giá khoán (x) nhân với khoảng cách thực tế đi công tác (km) được thanh toán cùng với việc thanh toán công tác phí.

Lương Bằng

Khoán xe công, tiết kiệm ngay tiền tỷ

Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đã góp phần giảm số lượng xe công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính.