Theo The Drive, trong ngày 12/12 (giờ địa phương), không quân Mỹ đã thông báo về việc thử thành công nguyên mẫu hoàn chỉnh của "Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không" (ARRW) AGM-183A từ máy bay ném bom B-52H Stratofortress.

Trong cuộc thử nghiệm diễn ra ở vùng biển phía nam California, tên lửa AGM-183A được thả rơi tự do từ máy bay ném bom như bình thường, sau đó, động cơ đẩy được kích hoạt để tên lửa đạt vận tốc hơn 6.000 km/h (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Khi đạt được tốc độ cần thiết, một thiết bị lượn siêu vượt âm chứa đầu đạn sẽ bung ra khỏi tên lửa, lao về phía mục tiêu chỉ định.

"Đầu đạn của tên lửa phát nổ ở khu vực mục tiêu, dữ liệu cho thấy mọi yêu cầu của cuộc thử nghiệm đều được hoàn thành. Sau 5 năm, dự án phát triển ARRW đã hoàn tất, tên lửa này sẽ đem lại năng lực thiết yếu cho binh lính của chúng ta", Tướng Jason Bartolomei, Giám đốc chương trình vũ khí của không quân Mỹ chia sẻ.

Hình ảnh miêu tả quỹ đạo bay của thiết bị lượn siêu vượt âm so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Ảnh: GAO

Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, thiết bi lượn siêu vượt âm của AGM-183A mang lại cho tên lửa này khả năng thay đổi quỹ đạo trong khi hướng về mục tiêu chỉ định. Cơ chế này khiến cho các radar của đối phương rất khó theo dõi và đưa ra phương án đánh chặn hiệu quả.

Là vũ khí được chế tạo để tấn công các mục tiêu có giá trị cao, AGM-183A giúp cho không quân Mỹ có thể nhanh chóng tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt trên mặt đất. Một máy bay ném bom B-52H có thể mang theo tối đa 4 quả tên lửa kiểu này, tạo ra khả năng công kích mạnh mẽ từ trên không.

Cuộc thử nghiệm thành công lần này là một cột mốc lớn của Không quân Mỹ, khi các đợt phóng thử trước đó đều thất bại vì nhiều lý do khác nhau. Kể từ đầu năm 2022, Lầu Năm Góc đã đẩy mạnh tiến độ phát triển và thử nghiệm vũ siêu vượt âm để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.

Việt Dũng