Theo Eurasian Times, các nhà khoa học tới từ Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân đã thử nghiệm thành công hai mẫu UAV mới, vừa có khả năng lặn dưới nước, vừa có thể bay trên bầu trời. Hai mẫu UAV "tàu ngầm bay" này có tên là Longbow 1 và Longbow 2 (Trường Cung), điểm khác biệt nằm ở kết cấu cánh.
Trong cuộc thử nghiệm diễn ra vào cuối tháng 10, hai UAV này đã thành công trong việc lặn dưới nước 40 giây ở độ sâu 100m, trước khi trồi lên mặt nước rồi cất cánh. Cả 2 thiết kế cánh cố định của Longbow 1 và cánh gập của Longbow 2 đều thành công thực hiện thao tác chỉ định. Hai UAV cũng mang theo một vật nặng 1kg trong quá trình này.
"Nước và không khí là 2 môi trường hoàn toàn khác biệt. Khối lượng riêng của nước lớn hơn không khí khoảng 800 lần, nên vật liệu chế tạo UAV cần chịu được sức ép của nước, nhưng nếu quá nặng nó lại không thể cất cánh nhanh chóng. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi sử dụng sợi carbon làm thân máy bay và thử nghiệm 2 kiểu thiết kế cánh khác nhau", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, các nghiên cứu về "tàu ngầm bay" hay còn gọi là "tàu xuyên phương tiện" đang được đẩy mạnh trong thời gian qua. Ngoài Đại học Cáp Nhĩ Tân, Đại học Hàng không Nam Kinh cũng đã thử nghiệm thành công một mẫu "tàu ngầm bay" có khả năng di chuyển trên không ở vận tốc 120 km/h.
Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận xét, UAV "tàu ngầm bay" có thể là phương pháp rẻ và hiệu quả nhất để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của một tàu sân bay. Các UAV kiểu này có thể lặn dưới nước để tránh bị radar phòng không phát hiện, rồi bay lên khỏi mặt nước để tránh thiết bị định vị bằng sóng âm.
Việt Dũng