- Chiến dịch xoá xổ sim "rác" sẽ không dừng lại ở con số 12,2 triệu sim mà sẽ còn mở rộng, liên tục và quyết liệt. Đây không phải là làm phong trào. Cục trưởng Cục Viễn thông, ông Nguyễn Đức Trung và Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Hữu Trí chia sẻ với Góc nhìn thẳng. 

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

10,7 triệu sim "rác", được kích hoạt sẵn, đăng ký sai thông tin đã bị khóa dịch vụ chỉ sau 3 tuần Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát trên toàn quốc lời cam kết dẹp bỏ sim "rác" của 5 nhà mạng. Đây cũng là số lượng sim "rác" lớn nhất từ trước tới nay bị thu hồi, xử lý so với các đợt thanh kiểm tra trước đó. 

Điều đó cho thấy quyết tâm của Bộ trong việc lành mạnh thị trường thông tin viễn thông, ngăn chặn vấn nạn tin nhắn "rác", đề cao tinh thần trách nhiệm của các nhà mạng đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu tích cực này, liệu rằng 5 nhà mạng có thực hiện cam kết xoá sổ sim "rác", chặn tin nhắn "rác" một cách nghiêm túc và lâu dài? Liệu có giải pháp nào để sau cao điểm kiểm tra giám sát trên, vấn nạn sim "rác" không bùng phát trở lại?

Để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về vấn đề thời sự này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet mời bạn đọc cùng theo dõi cuộc trò chuyện trực tuyến với hai đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông- những người đã trực tiếp thực hiện chiến dịch trên. 

Đó là ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông và ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện tại 2 video dưới đây:

Video phần 1:

Video phần 2:


Sim "rác" quấy rối, "chúng ta đã để quá lâu rồi"

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các vị khách mời, vấn đề sim "rác", tin nhắn "rác" đã tồn tại rất lâu nhưng dường như trong thời gian vừa qua, chúng ta vẫn chưa xử lý được triệt để. Vậy vì sao tình trạng này lại kéo dài như vậy? 

Thêm nữa đến ngày 1/11 vừa rồi, dư luận lại nhìn thấy một động thái rất mới là đồng loạt 5 nhà mạng ký cam kết với Bộ TT&TT về việc dọn dẹp sim "rác" này. Vậy theo các ông, đây là sự tự nguyện hay chỉ là các nhà mạng ký cam kết một cách đối phó?

Mối quan tâm đầu tiên này của bạn đọc, mong ông Trung có thể giải thích rõ?

Ông Nguyễn Đức Trung: Trước vấn nạn tin nhắn "rác", chúng ta thấy rằng bản thân người dân rất bức xúc, thậm chí bên lề Quốc hội, nhiều Đại biểu cũng đặt ra vấn đề này là cần có biện pháp giải quyết. 

Sim "rác" trên thực tế đã được Bộ TT&TT đặt vấn đề quản lý từ lâu. Bộ cũng đã có rất nhiều đợt thanh tra diện rộng về vấn đề quản lý thông tin thuê bao ở trên toàn quốc để làm hạn chế tình hình này. 

Vừa qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo và về phía Bộ TT&TT, trực tiếp là Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nêu vấn đề, đưa ra giải pháp xóa tình trạng tin nhắn "rác". Bản thân đồng chí Bộ trưởng đã triệu tập những người đứng đầu của 5 doanh nghiệp di động, quán triệt việc thực hiện việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, 5 nhà mạng đã ký cam kết với Bộ TT&TT là thực hiện chiến dịch thu hồi những sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối như hiện nay. 

Nhà báo Phạm Huyền: Chúng ta cũng nhìn thấy có vấn đề ở đây, người đứng đầu Bộ TT&TT có động thái chỉ đạo hết sức quyết liệt thì bắt buộc các doanh nghiệp phải ký cam kết thực hiện. 

Thưa ông Trí, từ góc độ là người làm trong công tác thanh tra, kiểm tra, ông có lo ngại thế nào nếu như tình trạng sim "rác" hay tin nhắn "rác" không được xử lý triệt để? Có lẽ, hệ lụy ở đây không chỉ là sự bất tiện, phiền toái đối với người tiêu dùng? 

Ông Đỗ Hữu Trí: Theo tôi, hệ lụy của tin nhắn "rác" mà chúng ta có thể thấy rất rõ là tin nhắn "rác" làm phiền, quấy rối, rồi tin nhắn "rác" lừa đảo, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Nó ảnh hưởng tới vấn đề an ninh xã hội khi mà có những tổ chức cá nhân cố tình dùng những sim "rác" để gửi những tin nhắn bôi nhọ người khác hay quấy rối để ẩn danh mà không thể phát hiện ra. Đó là tình trạng gây mất trật tự xã hội. 

Tin nhắn "rác" cũng gây ảnh hưởng tới an ninh, ví dụ như nói xấu các cán bộ, lãnh đạo hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Thậm chí ở một số nước, các sim "rác" cũng dùng vào mục đích gây mất an toàn xã hội như là đánh bom chẳng hạn. Việc sử dụng một chiếc điện thoại rồi lắp sim "rác" vào để điều khiển từ xa cho một vụ phá hoại thì chúng ta đã thấy, tại các nước đã xảy ra rồi. 

Vấn nạn về sim "rác" và tin nhắn "rác" đi kèm với nhiều hệ luỵ như vậy, chúng ta thấy rõ là cần phải giải quyết. Chúng ta để lâu quá rồi!

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng, trong thời điểm hiện nay, việc sở hữu một số sim và có chính danh xác thực, cũng chính là gắn với trách nhiệm trước pháp luật của người sử dụng số sim đó. 

Thưa ông Trung, về vấn đề này ông có ý kiến gì không? Tôi thì tôi nghĩ với con số 12,2 triệu sim "rác" đã được xác định thì có lẽ đó là số lượng rất lớn, một tài nguyên số rất lớn.  Nếu như chỉ tồn tại ở dạng sim "rác", tức đăng kí rồi mà không hoạt động thì cũng là một sự lãng phí. Ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Đức Trung: Tôi nghĩ rằng, việc thu hồi, khoá những sim đã kích hoạt sẵn hiện nay chứng tỏ một điều quan trọng, chúng ta tiến tới nâng cao hiệu quả sử dụng kho số. 

Về lâu dài, trong khi nhiều phương tiện có sử dụng môi trường thông tin di động thì việc này sẽ rất quan trọng. 

 Nhà mạng đã cố tình buông lỏng việc xử sim "rác"

Nhà báo Phạm Huyền: Trong việc để bùng nổ sim "rác", các nhà mạng có thu lời bất chính gì ở đây không, thưa hai ông?

{keywords}
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra, Bộ TT&TT đang trao đổi
trong chương trình Góc nhìn thẳng

Ông Đỗ Hữu Trí: Chắc chắn, các nhà mạng cũng có lợi. Thứ nhất, đó là lợi ích về mặt kinh tế. Đó là điều chắc chắn. Vì các doanh  nghiệp đều muốn phát triển thị phần của mình, số lượng thuê bao của mình càng nhiều càng tốt. 

Doanh nghiệp cũng cần thành tích. Ví dụ như các giải thưởng cũng căn cứ vào tiêu chí phát triển doanh thu. Tôi nghĩ, nguyên nhân chủ yếu ở đây, trước mắt là về kinh tế, do sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.  

Nhà báo Phạm Huyền: Còn ông Trung, ông nghĩ thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Đức Trung: Ở đây có hai câu chuyện! Một tôi đồng ý với ý kiến của anh Trí. Các doanh nghiệp đua nhau để giành thị phần bằng các chiêu khuyến mại, kết hợp với việc người dân có thói quen muốn mua cái gì có sẵn, không cần chính danh. Các doanh nghiệp hưởng lợi ở đây, đúng như anh Trí nói là việc chiếm được thi phần. 

Nhưng vấn đề thứ hai là liên quan đến vấn đề các khuyến mại "khủng". Thường những sim "rác" mà nhắn tin "rác" cho chúng ta, họ thường dùng dựa vào giá trị khuyến mại nhiều hơn, chứ không phải dựa vào tài khoản có tiền thật trong đó. Vì vậy, khi họ gửi các tin nhắn từ tài khoản khuyến mại như vậy, bản thân doanh nghiệp cũng không được lợi. 

Tôi có họp với các doanh nghiệp, họ cũng nhìn thấy rằng, việc tăng cường khuyến mại mạnh như vậy thì cũng đều gây thiệt cho các nhà mạng. 

Nhà báo Phạm Huyền: Nhưng quay trở lại thời gian vừa qua, các ông có đánh giá như thế nào về khả năng có sự tiếp tay của các nhà mạng khi để bùng nổ phát triển sim "rác" tự do như vậy?

Ông Nguyễn Đức Trung: Đúng là, ở đây, để dẫn tới bùng nổ sim "rác" tự do như vậy là có trách nhiệm trước tiên của các nhà mạng. Vì lợi ích kinh tế, họ đã không hoàn toàn nghiêm túc tuân thủ các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Đặc biệt, họ đã buông lỏng quản lý các đại lý được trao quyền phân phối các sim. Trong đó, tất nhiên có một nguyên nhân từ phía các khách hàng. Bản thân, người dân muốn mua một cái sim mà không cần phải đăng ký, vì sự tiện lợi và có khi, cũng muốn ẩn danh. 

Tôi nghĩ rằng, trong đợt thu hồi sim kích hoạt sẵn này, qua dư luận, tôi thấy công luận, người dân rất ủng hộ. Tôi cũng mong rằng, trong thời gian tới, bản thân người dân khi đăng ký thông tin thuê bao, đặc biệt sắp tới khi các nhà mạng phát triển dịch vụ trên mạng 4G, người dân sẽ buộc phải đổi sim từ 3G sang 4G. Vì lúc này, sim 3G sẽ không dùng được nữa. Tôi cũng mong tới lúc đó, các thuê bao đến đăng ký chính chủ. 

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục Viễn thông đã có văn bản yêu cầu các công ty viễn thông chỉ được kích hoạt các sim 4G với thuê bao có chứng minh thông tin chính xác. 

Lượng sim thu hồi lớn nhất từ trước tới nay

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa hai vị khách mời, trở lại một vấn đề thời sự hiện nay, đó là chiến dịch kiểm tra và giám sát việc thu hồi sim "rác" của các nhà mạng. Thưa ông Trí, được biết ông là Trưởng đoàn công tác này, ông có nhận định sơ bộ nào như thế nào về kết quả kiểm tra trong 3 tuần vừa qua?

{keywords}
Thời hoàng kim của sim "rác" sắp chấm dứt (ảnh: theo Zing)


Ông Đỗ Hữu Trí: Công tác ngăn chặn sim "rác", tin nhắn "rác" đã được triển khai từ lâu nhưng tôi đánh giá, ở đợt giám sát vừa rồi, rất hiệu quả. Bởi vì chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã thu hồi được một số lượng sim rất lớn, 10,7 triệu sim "rác". Đây là một kết quả rất tốt mà trước đây, chưa bao giờ làm được.

Điều đó cho thấy, đây là một giải pháp hiệu quả, nhất là có sự phối hợp tốt giữa các doanh nghiệp thông tin di động.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông có thể nói thêm, ông đánh giá như thế nào về việc chấp hành kiểm tra, giám sát để thu dọn sim "rác" của các nhà mạng? Có trường hợp nhà mạng nào cố tình trì hoãn việc này hay không, không thực hiện nghiêm túc hay không?

Ông Đỗ Hữu Trí: Tôi nghĩ rằng, việc thực hiện thu hồi này có công tác giám sát chéo giữa các doanh nghiệp với nhau. Đây là sự giám sát rất chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cam kết thu hồi sim, nếu giám sát không tốt, chỉ cần một doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại về kinh tế. Khi thu hồi sim, bản thân doanh nghiệp đó sẽ bị giảm số lượng thuê bao, giảm doanh thu, giảm thị phần.

Cho nên, tôi đánh giá các cán bộ kỹ thuật, kinh doanh đã có những thao tác kiểm soát và thực hiện trên tổng đài rất chặt chẽ, cẩn thận. Giữa các cán bộ đã tranh luận rất sôi nổi để có được kết quả tối ưu nhất.

Triển khai trên thực tế, cũng có một số phát sinh. Ví dụ hệ thống tổng đài, hệ thống kỹ thuật của các doanh nghiệp không hoàn toàn giống nhau. Có mạng thì do năng lực, vào giờ cao điểm, có những hạn chế. Tuy nhiên, sau khi xử lý thì đã hoạt động bình thường.

Hoặc có những mạng, do không hiểu hết vấn đề nên việc khóa sim trên vô tuyến chưa làm hết. Sau khi thống nhất lại, bản thân các doanh nghiệp thống nhất lại với nhau dưới sự giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông thì những vấn đề phát sinh tồn đọng đó đã được loại bỏ và bắt buộc phải loại bỏ. 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, như vừa rồi ông Trung có chia sẻ, tình trạng tồn tại sim "rác" là có phần trách nhiệm của các nhà mạng. Vậy thưa ông Trí, cho tới thời điểm này, các nhà mạng có phải chịu một chế tài nào cho việc họ đã tiếp tay cho sim "rác" phát triển hay không? Ngoài việc, họ phải tự thu dọn sim "rác"?

Ông Đỗ Hữu Trí: Chế tài xử phạt thì vẫn có. Ví dụ, Nghị định số 174 về xử phạt các hành vi về bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các mức phạt ở Nghị định này không còn là mức cao, khả năng răn đe hạn chế. 

Chế tài xử phạt cũng chỉ là một giải pháp chứ không phải giải quyết được hết tất cả vấn đề. Tôi rất đồng tình với ý kiến của anh Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông. Bởi vì, nhà mạng có trong tay hệ thống, thiết bị, tổng đài, có mọi phương tiện. Họ có thể biết được thuê bao hay nhóm thuê bao nào đang làm việc phát tán tin "rác", thông tin thuê bao nào có thông tin bất hợp lý, nhà mạng có thể tự phát hiện được. 

Cho nên ở đây, tôi nghĩ tinh thần tự giác của doanh nghiệp phải là chính. 

Người dân cần kiểm tra ngay thông tin tài khoản và đăng ký chính chủ

Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông nói thêm, trong 10,7 triệu sim "rác" bị khoá dịch vụ vừa qua, liệu có trường hợp nào sai sót xảy ra không? 

Ông Đỗ Hữu Trí: Đến thời điểm này, đánh giá về sai sót thì không hẳn. Khi xác định sim nào đang tồn trên kênh phân phối, bản thân doanh nghiệp cũng xác định tiêu chí hết sức chặt chẽ, như thế nào là sim đang không hoạt động, còn nguyên trên khay.  

Tuy nhiên, vẫn có thể có một tỷ lệ nào đó được bán đến tay người sử dụng, đó là điều không tránh khỏi. Nhưng các doanh nghiệp đã để cho người dân sử dụng một khoảng thời gian để đi đăng ký chính chủ lại, sau khi thông báo nhiều lần, để người dân nhận được thông tin, kiểm chứng lại thuê bao, đi đăng ký lại. Nhà mạng cũng có thông báo rõ ràng, nếu không đăng ký lại thì sim sẽ bị khoá. Việc này rất minh bạch. 

Cho nên, khách hàng thấy đúng là mình sử dụng dịch vụ đàng hoàng. Chẳng qua là, do thói quen mua sim, mình đi ra điểm đăng ký lại, chứng minh mình là chính chủ thì mình lại sử dụng lại sim bình thường. Những trường hợp sử dụng giấy tờ giả để đăng ký lại là điều hoàn toàn không thể xảy ra nữa. 

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi được biết, 12,2 triệu sim "rác" xác định tồn đọng là ở trên các kênh phân phối thôi. Sau kênh phân phối, có thể có những người đã sử dụng sim không chính chủ. Tại sao Cục Viễn thông không mở rộng phạm vi thu hồi sim rác ở ngay đợt này? 

Tôi nghĩ số sim "rác", không chính chủ có thể không phải là 12,2 mà còn có thể là con số lớn hơn nhiều. Xin ông Trung có thể giải thích thêm về điều này?

{keywords}
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung chia sẻ với Góc nhìn thẳng về sim "rác"


Ông Nguyễn Đức Trung: Việc đưa quản lý thông tin thuê bao đi vào nề nếp diễn ra trong 2 giai đoạn. Giai đoạn mà chúng ta đang trao đổi là tập trung vào sim trên kênh phân phối, cho nên các tiêu chí xác định chủ yếu gắn trên kênh phân phối. 

Còn về giải pháp lâu dài, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa ra những quy định để người dân sử dụng hiện nay có thể đăng ký lại dễ dàng thông tin thuê bao của mình. Điều đó thể hiện rõ trong dự thảo sửa đổi Nghị định 25 hướng dẫn một số điều của Luật Viễn thông đang được Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo để trình Chính phủ ban hành. 

Trong dự thảo này, có những biện pháp rất cụ thể như tăng cường thêm điểm đăng ký thông tin thuê bao, sẽ có những điểm lưu động để người dân dễ dàng đăng ký lại thông tin của mình. Thậm chí, trong dự thảo, chúng tôi cũng đưa ra quy định làm sao người dân ít động tác nhất, khai báo đơn giản nhất... và còn có nhiều biện pháp được. 

Bộ giám sát công bằng, doanh nghiệp sẽ thực hiện nghiêm

Nhà báo Phạm Huyền: Có thể nói, những kết quả bước đầu của chiến dịch thu hồi, xoá sổ sim "rác" đã thấy rõ. Nhưng xin hỏi các ông, làm thế nào để những lời cam kết của các nhà mạng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông được thực hiện nghiêm túc, lâu dài, không phải là nhất thời? Làm thế nào để không tái diễn tình trạng sim "rác", tin nhắn "rác".

Ông Đỗ Hữu Trí: Đây là bước đầu để giải quyết vấn nạn sim "rác" chứ chưa phải là giải quyết triệt để. Ví dụ, đợt thu hồi vừa rồi chỉ là áp dụng đối với số sim đã kích hoạt trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9. 

Còn từ những sim kích hoạt trong tháng 10, chúng ta chưa rà soát, chưa thu hồi nên có thể, hiện nay, người dân vẫn có thể mua được sim không chính chủ. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ giảm bớt đi. Công tác rà soát sim "rác" vẫn được tiếp tục để cắt dịch vụ. Chúng tôi sẽ làm nhiều lần nữa. 

Việc này sẽ phải làm thường xuyên thôi. Ban đầu sẽ có một lượng lớn thuê bao không chính chủ trên thị trường tồn tại, rồi số này sẽ giảm dần, giảm dần cho đến khi đạt mức tối ưu. Còn để đảm bảo công tác này hiệu quả, triệt để thì giám sát phải sát sao từ Bộ cũng như từ doanh nghiệp. 

Bất kể doanh nghiệp nào thực hiện không nghiêm túc công tác này thì lập tức bị xử phạt, công bố trên báo chí. 

Một yếu tố nữa, tôi đánh giá là do sự cạnh tranh của doanh nghiệp nữa. Một doanh nghiệp không nghiêm túc thì sẽ bị thiệt, các doanh nghiệp khác lại có lợi nên đòi hỏi phải có sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Để tạo ra sự công bằng, cần phải có sự điều tiết của Nhà nước. 

Nghĩa là, ở đợt thu hồi sim "rác" này, Bộ có vai trò rất lớn, rất quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác này. Tôi nghĩ như vậy. 

Nhà báo Phạm Huyền: Về vấn đề này, ý kiến của ông Trung như thế nào? Nếu trong 5 nhà mạng, nếu có nhà mạng vẫn để tình trạng sim "rác" sai quy định thì có phải chịu hình thức xử phạt cao nhất không?

Ông Nguyễn Đức Trung: Nói về quyết tâm, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo chúng tôi, đây không phải là làm phong trào. Đây là đợt đầu tiên làm và việc này phải được duy trì thường xuyên. Do vậy, chúng ta có  niềm tin là vấn nạn sim "rác" sẽ có xu hướng giảm. 

Trong thời gian tới, thể hiện trong việc sửa đổi Nghị định 25, có việc tăng cường chế tài các doanh nghiệp vi phạm. Ngoài việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, chủ yếu áp dụng đối với doanh nghiệp thì dự thảo Nghị định còn đưa ra chế tài phạt người đứng đầu doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp mà người đứng đầu doanh nghiệp cũng bị phạt. 

Tôi nghĩ đó là một trong những giải pháp quan trọng. Thứ hai, kết hợp với việc đưa ra các quy định mang tính chất khuyến khích về mặt kinh tế đối với người tiêu dùng. Đó là biện pháp có tính chất ảnh hưởng lâu dài. 

Đối với khách hàng trung thành, chính danh, ký hợp đồng với nhà mạng thì được hưởng lợi hơn thì sẽ tạo động lực để tự người dân đăng ký thông tin chính xác và sẽ là khách hàng trung thành của từng nhà mạng. 

Điểm thứ hai, khi họp với những người đứng đầu doanh nghiệp, tất cả lãnh đạo doanh nghiệp đều khẳng định rằng, nếu Bộ chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch thì người đứng dầu doanh nghiệp sẽ nghiêm túc thực hiện các quy định của Bộ. 

Những quyết tâm chính trị của người đứng đầu ngành kết hợp với quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp thì tôi tin là, công tác này sẽ được tiếp tục triển khai nghiêm túc, thường xuyên. Bởi lẽ, như chúng ta đều biết, toàn bộ thông tin thuê báo, doanh nghiệp biết cả. Người đứng đầu doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc thì các đại lý sẽ không có cơ để có thể đưa sim kích hoạt sẵn vào kênh phân phối. 

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn các ông!

Rõ ràng, với động thái quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, thời gian tới sẽ không còn phổ biến tình trạng sim "rác", tin nhắc "rác" nữa. 

Chuyên mục Góc nhìn thẳng xin tạm khép lại và hẹn gặp quý vị bạn đọc ở các chương trình tiếp theo!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền- Bình Minh

Clip: Huy Phúc, Xuân Quý, Bạt Tuấn

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Các tin khác cùng chuyên mục:

Giám đốc Sở nói về "lẩu âm nhạc" phố đi bộ Hồ Gươm

Nói về "lẩu âm nhạc" phố đi bộ Hồ Gươm trong chương trình Góc nhìn thẳng, Giám đốc sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định đã khắc phục kịp thời và mong cư dân Hồ Gươm chia sẻ vì cái chung.

Việt Nam đừng coi thường, Malaysia rất giỏi "phá" lối chơi!

Malaysia có quá trình chuẩn bị không tốt nhưng không vì thế mà tuyển Việt Nam được phép xem thường đối thủ ở cuộc chạm trán then chốt lúc 15h30 hôm nay (ngày 23/11).

Nhận trách nhiệm vụ Formosa không bằng tự chỉ ra khuyết điểm

 GS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận như vậy về việc nguyên Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang nhận trách nhiệm trong vụ Formosa với Góc nhìn thẳng.

Thời gian quá ngắn, bốn bộ trưởng khó làm thoả mãn ĐBQH

Bốn bộ trưởng đều cầu thị, khiêm tốn và cũng muốn đi thẳng vấn đề nhưng do thời gian quá ngắn, vấn đề quá rộng lớn nên rất khó làm thoả mãn các đại biểu Quốc hội, ông Vũ Mão trả lời Góc nhìn thẳng. 

Dự án đắp chiếu: Không thể nói dừng là dừng ngay được

TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng vẫn có thể có phương án tối ưu cho 5 dự án nghìn tỷ bị đắp chiếu khi trao đổi với Góc nhìn thẳng. Đây cũng là một trong những nội dung ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương hôm nay 15/11.