Ngày 6/11/2014, tại San Francisco (Mỹ), sau gần 10 năm kể từ lần đầu “đem chuông đi đấm xứ người”, Việt Nam lần thứ hai phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ (TPCP). Điều này ngoài giảm gánh lãi vay còn nâng uy tín Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế lên mức mới.

Đoàn công tác tham gia quảng bá phát hành (roadshow) do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung làm trưởng đoàn với các thành viên là đại diện của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xuất hành ngày 28/10.

“Trong đợt roadshow, lịch làm việc của  đoàn dày đặc với khoảng 50 buổi làm việc với hơn 100 nhà đầu tư tại 6 trung tâm tài chính lớn ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ, bao gồm Singapore, Hong Kong, London, Boston, New York và San Francisco. Các buổi họp trong đợt roadshow, đoàn gặp theo nhóm 2-5 nhà đầu tư, hoặc thuyết trình và trao đổi trong giờ ăn trưa với nhóm 15-20 nhà đầu tư. Ngoài ra, còn một số buổi làm việc trực tuyến”. - Kể chuyện với Tiền Phong, ông Hoàng Hải,  Phó cục trưởng cục quản lý nợ, Bộ Tài chính, thành viên trong đoàn đi phát hành nhớ lại.

{keywords}

“Canh” lãi suất như “canh” trứng

Điều gì nhà đầu tư ngoại quan tâm nhất? Theo ông Hải, với 22 lĩnh vực có  hàng trăm câu hỏi đặt ra và “xoáy” vào đủ dạng như: Chính phủ đã và đang làm gì để ổn định vĩ mô và cải cách kinh tế;  Nợ xấu ngân hàng chính xác là bao nhiêu ? Cải cách ngân hàng ảnh hưởng thế nào? Về DNNN, tiến trình thế nào, thoái vốn ra sao…?

Quan điểm của đoàn là phản ánh chân thực bức tranh kinh tế hiện tại Việt Nam như: lạm phát dưới 1 con số trong 3 năm qua, tỷ giá gần như không có chênh lệch giữa chính thức và chợ đen, dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục. Có chiến lược nợ công đến 2020 định hướng  năm 2030. “Thực ra, nhà đầu tư đã có đầy đủ thông tin về Việt Nam bởi họ có chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực. Tuy vậy, sự trả lời minh bạch của chúng ta tạo cho họ  sự tin tưởng lớn”- ông Hải nói.

“Ngày 1/11/2014 đoàn đi phát hành đang ở London (Anh) thì buổi trưa hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings  gửi email phản hồi dự thảo thông cáo báo chí nâng hạng 2 nấc đối với tín nhiệm của Việt Nam. 

Kể lại diễn biến của lãi suất trong những  thời điểm quyết định, một đại diện trong đoàn  ví von: “Mọi người ngồi canh như canh trứng!”. Cụ thể: Ngày 22/9, Tổ phát  hành dự kiến lãi suất khoảng 5,23% (theo các ngân hàng bảo lãnh phát hành) rồi tăng dần lên 5,34%. Khi rời khỏi Việt Nam, lãi suất  dự kiến khoảng 5,2-5,3%.

 “Chốt” sổ mở ở San Francisco, quyết định lãi suất khởi điểm là 5,125% với mục đích mua lại, hoán đổi trái phiếu 2016, 2020 và phát hành một phần trái phiếu mới. Sau 12 tiếng, lượng đặt khoảng 7,8 tỷ, hoán đổi lớn hơn 300 triệu USD. Số lượng tính ra gấp 7,8 lần so với dự kiến phát hành. Nhu cầu cao, cả đoàn Việt Nam lại họp thống nhất hạ lãi suất còn 4,85%, nhu cầu đặt giảm xuống. Cuối cùng lượng đặt mua lên 10,3 tỷ, hoán đổi khoảng 700 triệu USD, sau đó còn 300 triệu USD chia cho 10 tỷ đặt mua với nhiều đối tác mới.

Đảo nợ, giảm gánh lãi vay

Toàn bộ số tiền phát hành TPCP ngoài đảo nợ, phần dư lại,  Bộ Tài chính và Chính phủ dự kiến dùng làm gì? Đại diện Bộ Tài chính cho hay: Ngoài con số hoán nợ và một phần thanh toán lãi, sẽ  đưa về quỹ trả nợ khoảng 250 triệu USD và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Đây chính là cơ hội để tăng cường trao đổi với các nhà đầu tư quốc tế;  xây dựng tiền đề  cho đề án tiếp cận thị trường quốc tế”- Bộ Tài chính khẳng định.

Dù thành công ngoài mong đợi nhưng vẫn có thắc mắc: sao Chính  phủ không phát hành trong nước mà phải ra đấu trường quốc tế? Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế T.Ư kể: “Tôi đi tiếp xúc cử tri ở Bình Định, có người vặn vẹo tôi về chủ trương phát hành đảo nợ là  tại sao không phát hành trái phiếu USD lãi suất thấp trong dân để trả khoản nợ này?”.

Ông Huệ cho hay khi đó đã lý giải:  Đây không phải việc phát hành để đảo nợ thông thường vì “món” này đến 2016 chúng ta mới phải trả mà phát hành ra  và sử dụng khoản này mua lại nợ cũ tức chuyển từ nợ ngắn hạn, sang nợ dài hạn hơn.  Ông Huệ hào hứng nhìn nhận đây là bước xử lý nợ  rất khôn khéo. 

Khép lại, phép toán logic mà Bộ Tài chính đã tính toán và công bố cho thấy những cái “được” trong câu chuyện phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ lần này là: Đối với nghĩa vụ trả nợ gốc, giao dịch phát hành vừa qua đã góp phần làm giảm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ tập trung vào năm 2016 và 2020.

Đối với nghĩa vụ trả lãi, do trái phiếu mới phát hành có lãi suất thấp hơn hẳn so với lãi trái phiếu VN2016 và VN2020 (mức 4,8% so với mức tương ứng là 6,875% và 6,75%), việc hoán đổi trái phiếu đã làm giảm đáng kể nghĩa vụ trả lãi trái phiếu trong các năm sắp tới.

Việc phát hành sớm cho thấy sự chủ động của Chính phủ trong việc lo trả nợ. Bên lề hội nghị 4 bộ ngành ngày 17/12/2014, khi phóng viên Tiền Phong nhắc lại sự kiện này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nở nụ cười rất tươi. “Cả Chính phủ và Bộ Tài chính đều vui trước thành công này!”- Bộ trưởng Tài chính nói. 

Bộ Tài chính đang có kế hoạch sẽ phát hành thêm 1 tỷ USD TPCP ra thị trường vốn quốc tế với kỳ hạn 10 năm để tái cơ cấu nợ công. Trong lần phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD tháng 11/2014,  Bộ Tài chính tính toán, mức lãi mà Việt Nam phải trả nước ngoài ngay lập tức sẽ được giảm đi 50 triệu USD, tiết kiệm cho ngân sách 1.000 tỷ đồng.

(Theo Tiền Phong)