Các chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có gì thay đổi trong năm 2015? Hãy cùng phác họa một vài dự đoán.

>> Tàu sân bay trong cuộc chiến ‘cân não’ Mỹ - Trung

>> TQ sẽ khiến Nga phụ thuộc?

>> Mỹ xoay xở thế nào khi Nga-Trung bắt tay nhau?

Các yếu tố tác động

Tuy liên tiếp thất bại trong việc ứng phó với những vấn đề nóng trên thế giới trong năm 2014, nhưng vào cuối năm 2014 tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và nội tại nước Mỹ biến động mạnh, tạo nên điều kiện thuận lợi để nước Mỹ thực hiện một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn trong năm 2015.

Về kinh tế: Năm 2014 chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ. Nước Mỹ là nước đầu tiên trong các nước phát triển thoát ra khỏi cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008. Từ mức tăng trưởng chỉ là -2,1% trong quý I/2014, kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 4,6% trong quý II và 5% trong quý III.

Chính nhờ dấu hiệu tăng trưởng tích cực đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED quyết định chấm dứt gói nới lỏng định lượng QE3 vào ngày 30/10/2014 và để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong năm 2015. Hai nguyên nhân này trực tiếp góp phần làm cho đồng USD tăng giá trong năm 2014 và xu thế tăng giá sẽ tiếp tục trong năm 2015.

Yếu tố kinh tế thứ hai là giá dầu mỏ thế giới vào cuối năm 2014 đang có xu hướng đi xuống. Đây khả năng sẽ vẫn là xu hướng trong năm 2015, khi nguồn cung dầu mỏ thế giới vẫn tăng dần đều, mà nhu cầu sẽ giảm khi các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ trên thế giới như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản đang có dấu hiệu suy trầm, và Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Về chính trị: Việc kết thúc cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ với phần thắng nằm trong tay đảng Cộng hòa sẽ tác động trực tiếp, làm thay đổi chính sách của Mỹ với các vấn đề nóng trên thế giới. Đảng Cộng hòa là đảng có truyền thống muốn bảo vệ những lợi ích, giá trị của nước Mỹ trên thế giới, nên xu thế được dự báo là họ sẽ đưa ra các chính sách cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc, Nga và với vấn đề Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

{keywords}

Từ trái qua phải: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại APEC, tháng 11/2014. Ảnh: Reuters

Dự báo chính sách đối ngoại của Mỹ năm 2015

Đối với Liên bang Nga: Thật sự đây là một khó khăn rất lớn đối với Tổng thống Barack Obama và cả đối với Quốc hội mới của Mỹ. Nước Nga không chỉ là một đối trọng với vị thế siêu cường của nước Mỹ, mà còn là một “đối tác” không thể thiếu cùng với Mỹ giải quyết những vấn đề nóng trên thế giới, như vũ khí hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, khủng hoảng chính trị ở Ukraine…

Hiện nay điểm bất đồng lớn nhất trong quan hệ giữa Nga và Mỹ là ở vấn đề khủng hoảng Ukraine. Tình hình căng thẳng tới độ nhiều chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế đã nói đến một cuộc chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ. Lịch sử đã chứng minh, khi Liên Xô cũ và Mỹ tiến hành chiến tranh Lạnh thì sẽ có những cuộc “chiến tranh nóng” ở các khu vực khác trên thế giới.

Chính vì vậy, tập trung nhất trong quan hệ quốc tế trong năm 2015 chính là cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraine, tình hình ở khu vực Trung Đông sẽ căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas của Palestine, vấn đề hạt nhân của Iran sẽ không có nhiều tiến triển tích cực.

Trong vấn đề khủng hoảng chính trị ở Ukraine thì mục tiêu chính theo tuyên bố của Mỹ là buộc Nga tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trả lại nguyên trạng bán đảo Crimea cho Ukraine. Đây chính là điều kiện tiên quyết để Mỹ rút lại những lệnh trừng phạt đối với Nga.

Về phía Nga, bán đảo Crimea và nước Ukraine chính là vùng địa chiến lược quan trọng của Nga. Chính vì mẫu thuẫn quá lớn, không thể dung hòa giữa hai nước, nên nhiều khả năng trong năm 2015, cả Nga và Mỹ khó có thể đưa ra một chính sách vẹn cả đôi đường để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong việc đề ra chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Liên bang Nga năm 2015, nước Mỹ có điều kiện thuận lợi là kinh tế đang trên đà phát triển, đồng USD lên giá và giá dầu đang có xu hướng giảm. Kinh tế Liên bang Nga từ thời Putin bắt đầu lên làm Tổng thống từ năm 2000 cho đến nay phụ thuộc rất lớn vào hai yếu tố là giá dầu mỏ thế giới tăng cao và nguồn tư bản nóng chảy vào nước Nga.

Một khi giá  dầu trong năm 2015 tiếp tục giảm thì kinh tế Nga sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng như những gì đã từng xảy ra vào năm 2009. Và tình hình có thể xấu hơn khi USD lên giá và FED có thể tăng lãi xuất trong năm 2015 thì càng làm cho đồng USD chảy khỏi thị trường Nga. Một khi kinh tế Nga khủng hoảng, thâm hụt ngân sách thì rất khó để cho Tổng thống Putin có thể vạch ra một chiến lược ngoại giao cứng rắn như đã làm trong năm 2014.

Vấn đề Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS: Năm 2015, nước Mỹ sẽ có một chính sách cứng rắn hơn đối với nhà nước Hồi giáo tự xưng IS khi Đảng Cộng hòa nắm trọn Quốc hội Mỹ. Bên cạnh những hành động không kích của Mỹ và đồng minh thì khả năng trong năm 2015, dưới áp lực của Đảng Cộng hòa, Mỹ sẽ có hành động trực tiếp hơn.

Chiến lược xoay trục của Mỹ về châu Á – Thái Bình Dương. Từ khi được công bố (năm 2011) đến nay, chính quyền của Tổng thống Obama chưa có nhiều hành động thể hiện quyết tâm “xoay trục” về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2015, khi Đảng Cộng hòa bắt đầu nắm trọn hai viện của Quốc hội Mỹ, chiến lược xoay trục của Mỹ có lẽ sẽ nhiều thay đổi hơn. Đảng Cộng hòa có xu hướng bảo vệ, tăng cường giá trị vị thế của Mỹ nên không chấp nhận được một nước Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chính vì vậy nên sẽ tạo áp lực lên Tổng thống Obama cần phải có hành động mạnh mẽ hơn trong các chính sách đối với Trung Quốc.

Về kinh tế: Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là lá bài chiến lược để thực hiện mục tiêu tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực, kìm hãm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi Mỹ tham gia vào TPP từ tháng 9/2008 cho đến nay, TPP vẫn chưa được hình thành. Nguyên nhân chính là do hai cường quốc kinh tế lớn nhất trong khối là Mỹ và Nhật Bản có những bất đồng trong chính sách bảo hộ thương mại.

Nhưng những rào cản ấy sẽ bị xóa bỏ khi Đảng Cộng hòa nắm được Quốc hội Mỹ, nó tạo điều kiện cho Tổng thống Mỹ xóa bỏ việc bảo hộ hàng hóa của Mỹ, thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa các quốc gia. Tại hội nghị APEC lần thứ 22 diễn ra tại Bắc Kinh, Tổng thống Barack Obama đã phải lên tiếng kêu gọi các nước tham gia đàm phán gia nhập TPP “càng nhanh, càng tốt”.

Về quân sự: Việc Đảng Cộng hòa nắm trọn Quốc Hội Mỹ và dấu hiệu tăng trưởng tích cực từ nền kinh tế Mỹ trong năm 2014, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho Tổng thống Obama nâng được mức chi ngân sách cho quốc phòng. Và điều quan trọng nữa là Đảng Cộng hòa khó chấp nhận sự trỗi dậy và cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc nên có thể sẽ tạo áp lực lên Tổng thống Obama thực hiện càng nhanh càng tốt chiến lược xoay trục về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Bùi Mạnh Thành (tổng hợp)