Sống chung với bệnh tiểu đường loại 2 không hề dễ dàng vì cần phải giữ ở mức tối thiểu nhiều loại thực phẩm quen thuộc, tránh lượng đường trong máu tăng cao.

Đối với những người bị bệnh tiểu đường loại 2 hoặc có nguy cơ, theo dõi chế độ ăn uống là chìa khóa quan trọng. 

Chọn đúng loại thực phẩm sẽ giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu, điều chỉnh cân nặng và giảm nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường nghiêm trọng như bệnh tim.

Một số đồ ăn, thức uống có thể làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến các biến chứng lâu dài như tổn thương thần kinh và thận.

Bạn nên giảm 5 loại thực phẩm dưới đây để kiểm soát hiệu quả tình trạng và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2: 

Bánh mì trắng

Ảnh minh họa: Kfoods

Trong quá trình tiêu hóa, đường (carbohydrate đơn) và tinh bột (carbohydrate phức tạp) phân hủy thành đường trong máu.

Health Harvard giải thích: “Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, như bánh mì trắng, được tiêu hóa nhanh chóng và gây ra sự dao động đáng kể về lượng đường trong máu”. 

“Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, như yến mạch nguyên hạt, được tiêu hóa chậm hơn, khiến lượng đường trong máu tăng với tốc độ vừa phải”.

Sữa chua có hương vị

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích những người muốn giảm lượng đường trong máu ăn sữa chua nhưng nên tránh các lựa chọn có hương vị.

Loại sữa chua trên có chứa đường bổ sung, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mức đường huyết. Thay vào đó, hãy chọn sữa chua có nhiều protein và ít carbohydrate.

Cà phê thêm kem, đường, tẩm hương vị 

Cà phê có nhiều tác động tốt cho sức khỏe nhưng khi cho thêm các yếu tố khác sẽ bổ sung một lượng đường đáng kể vào cơ thể. 

Đường hòa tan với nước có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và bổ sung calo góp phần làm tăng cân.

Hạt cà phê có hương vị được tạo ra bằng cách thêm dầu hương liệu, tự nhiên hoặc tổng hợp. Khi đó, cà phê có thêm các vị hấp dẫn như chocolate, caramel, bạc hà… nhưng lại tác động xấu tới lượng đường trong máu. 

Nước hoa quả

Ảnh minh họa: Healthshots

Diabetes.co.uk cho biết: “Nước ép trái cây chứa nhiều fructose. Loại đường này cần được gan xử lý, nghiên cứu chứng minh chế độ ăn uống nhiều fructose có thể khiến gan bị quá tải". 

Một ly nước cam chưa qua chế biến chứa khoảng 26g carbohydrate, trong đó gần 21g là đường.

Đồ ăn vặt đóng gói

Các yếu tố quan trọng cần xem xét khi chọn đồ ăn nhẹ bao gồm:

- Có ít nhất 4g protein hoặc 4g chất xơ hoặc cả hai

- Chứa một số loại chất béo có nguồn gốc thực vật

- Làm từ ngũ cốc nguyên hạt

- Có chỉ số đường huyết thấp

- Được làm từ các thành phần chất lượng

- Ít đường và carbohydrate.