Sáng 18/1, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ và giải pháp cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp năm 2022.
Tại hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, 2021 là năm khởi động và năm 2022 phải là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp. Đột phá trong năm nay sẽ là chuyển đổi số toàn ngành; lấy chuyển đổi số để xoay chuyển tình hình.
Cũng theo Bộ trưởng, việc kết nối doanh nghiệp với giáo dục nghề đã có sự chuyển biến rõ rệt nhưng chưa đáp ứng tốt được yêu cầu của xã hội. Do đó, giáo dục nghề nghiệp cần phải gắn kết hơn với thị trường lao động, gắn với yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Muốn thực hiện được những phương hướng đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH lưu ý, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện toàn bộ nội dung thể chế: quy hoạch hệ thống, các kế hoạch chuyển đổi số, đầu tư về con người, cơ sở vật chất; chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng các đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thị trường.
Đồng thời, cần đổi mới phương thức đào tạo, tập trung vào đào tạo mới và đào tạo lại, trong đó lấy đào tạo lại làm nền tảng phát triển. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo theo nhu cầu thị trường, đơn đặt hàng để cung - cầu gặp nhau. Cùng đó, cần quan tâm đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm khung đầu ra.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ tại hội nghị. |
Về phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng xác định phương hướng năm 2022, tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo thích ứng với sự tác động của dịch bệnh; tăng cường chuyển đổi số; tăng cường đào tạo mới, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cùng đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu trình độ đào tạo, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập đáp ứng sự thiếu hụt nhân lực cho các doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể được Tổng cục đặt ra là tăng tuyển sinh 10% so với năm 2021; tốt nghiệp 2.249.500 người (trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là 501.500 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.748.000 người).
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương.
Dự kiến, năm 2022, có khoảng 1.877 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó 409 trường cao đẳng; 438 trường trung cấp và 1.030 trung tâm), số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.184, giảm 4% so với năm 2021 và số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập sẽ chiếm khoảng 37%.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ tại hội nghị. |
Các nhiệm vụ trọng tâm là triển khai đồng bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung cao nhất việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các bộ, ngành, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm đầu mối và số lượng nhưng không giảm năng lực đào tạo,...; Gắn kết chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp nhằm hình thành hệ sinh thái truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đổi mới phương thức tuyển sinh, đào tạo để duy trì quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế; chú trọng các chương trình đào tạo chất lượng cao theo cơ chế đặt hàng; đẩy nhanh triển khai đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực,...; Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Để đảm bảo việc phân luồng, liên thông trong hệ thống, thực hiện các giải pháp để tăng cường tuyển sinh đào tạo, Tổng cục cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thực hiện đột phá chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương đẩy mạnh việc thực hiện hướng nghiệp phân luồng; chỉ đạo Bộ GD-ĐT chia sẻ cơ sở dữ liệu tuyển sinh, tốt nghiệp THCS, THPT, CĐ, ĐH hàng năm để các cơ sở giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp khai thác, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn lực xã hội,...
Hải Nguyên
5 điểm nhấn của giáo dục nghề nghiệp năm 2021
Năm 2021, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều hoạt động nổi bật và đạt được những thành tựu quan trọng.