Liệu Mỹ và các đồng minh ở châu Á đã đạt tới điểm đỉnh trong quan hệ với TQ? Câu hỏi được học giả Mỹ David Lampton đưa ra trong bài phát biểu ở Thượng Hải tháng 3 khi dự báo về hàng loạt động thái quân sự và ngoại giao diễn ra vài tuần gần đây trong khu vực.
Mỹ và Nhật đã nâng cấp liên minh quốc phòng lên mức đáng kể trong một cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington đầu tháng này. Trong khi đó, Nhật Bản lần đầu tiên đã tập trận với Philippines ở Biển Đông. Đầu tuần này, Mỹ thông báo sẽ triển khai máy bay ném bom B-1 đến phía bắc Australia như một động thái phản ứng với sự gây hấn của TQ trong khu vực.
Đội tàu TQ chiếm giữ bãi đá Subi và tiến hành nạo vét, xây dựng. Ảnh: wordpress |
Ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry tới Bắc Kinh hồi cuối tuần, Lầu Năm Góc cho biết đang cân nhắc các chọn lựa quân sự như các chuyến bay giám sát, tuần tra hải quân ở các khu vực tranh chấp Biển Đông.
Sau tất cả, vấn đề đặt ra ở đây là ‘nhà máy đảo’ của TQ - đề cập tới việc nước này cải tạo các bãi ngầm với quy mô và tốc độ lớn ở Biển Đông để củng cố yêu sách chủ quyền trong vùng biển - đang thách thức chiến lược trục xoay châu Á của Mỹ.
Các nhà phân tích tại Washington đã đưa ra hàng loạt lập luật và thúc giục chính quyền tăng tốc đẩy lùi những gì mà họ coi là hành xử hung hăng của TQ ở Biển Đông gần đây.
Robert Blackwill và Ashley Tellis tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ đã khuyến cáo chính quyền gia tăng xây dựng vị thế kinh tế, quân sự và ngoại giao ở châu Á để về ngắn hạn điều chỉnh cân bằng hơn với vị thế của TQ.
“Vì nỗ lực của Mỹ để ‘tương tác’ với TQ trong trật tự quốc tế tự do hiện nay đã tạo ra những mối đe dọa mới với ưu thế của Mỹ ở châu Á, thậm chí cuối cùng là thách thức sức mạnh Mỹ trên toàn cầu”, họ lập luận. “Washington cần một chiến lược mới với TQ tập trung vào việc cân bằng với sức mạnh đang gia tăng của Bắc Kinh”.
TQ đã tăng tốc công việc cải tạo trái phép các bãi ngầm ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực, cũng như từ phía Mỹ. Họ muốn tạo ra cái gọi là “những thực tế mới trên mặt nước” với hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông.
Cho tới gần đây, chiến lược trục xoay của Mỹ vẫn diễn ra với những bước đi nhỏ. Một số chuyến cập cảng, vài trăm lính thủy đánh bộ triển khai… nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi.
Mọi sự chú ý bây giờ sẽ là phản ứng của TQ với bất kỳ sáng kiến nào mà Mỹ đưa ra với khu vực cũng như phản ứng của các láng giềng châu Á.
Rất nhiều nước châu Á đã sẵn sàng chào đón Mỹ trở lại, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Singapore và Australia sau khi chứng kiến hàng loạt động thái gây hấn của TQ.
TQ nâng cấp hạt nhân
TQ được cho là đã bắt tay vào việc tạo ra sức mạnh lớn hơn cho các tên lửa hạt nhân của họ giữa bối cảnh tranh chấp leo thang ở Biển Đông.
Theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), TQ đã duy trì một kho dự trữ gồm “vài trăm đầu đạn” trong khoảng ba thập niên nhưng chưa thấy cần "sẵn sàng triển khai nhiệm vụ". Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, điều này có thể thay đổi khi Bắc Kinh và Washington không nhượng bộ nhau trước vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cuối tuần qua. Nhưng trong khi ông Tập nói quan hệ Mỹ-Trung “ổn định về tổng thể” thì cuộc gặp này lại diễn ra giữa bối cảnh TQ tuyên bố “có quyền thành lập vùng nhận diện phòng không”, xây dựng các sân bay quân sự trên đảo nhân tạo mà họ cải tạo trái phép từ các bãi ngầm và lần đầu tiên điều tàu ngầm qua Vịnh Ba Tư…
Theo Thời báo New York, quá trình nâng cấp tên lửa tầm xa của TQ sẽ chứng kiến khả năng nước này có số đầu đạn nhiều gấp đôi Mỹ. TQ đang nâng cấp một nửa trong tổng số 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 và mỗi tên lửa có thể mang 3 thay vì 1 đầu đạn hạt nhân. Tờ Times trích báo cáo của Lầu Năm Góc ngày 8/5 rằng, thứ vũ khí mạnh nhất của TQ lần đầu tiên có thể mang nhiều đầu đạn.
Chính quyền Obama đã từ chối bình luận về những thông tin Mỹ có thể triển khai các lực lượng quân sự tới Biển Đông. Washington luôn khẳng định đối thoại và đàm phán về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng TQ lại không muốn Mỹ can thiệp vào khu vực và muốn thương thảo trực tiếp với từng nước ASEAN - chọn lựa mà giới phân tích coi là không công bằng, là cách TQ ‘chia để trị’ nhằm giành lợi thế nước lớn khi đàm phán với nước nhỏ hơn.
Thái An (theo FT, Independent)