Tết Dương lịch năm nay, tôi được đón giao thừa tại Berlin ở gia đình một người Việt đã định cư tại đây từ lâu. Trong cái giá lạnh tê tái của đêm đông, được ngồi bên mâm cơm tất niên ấm áp, lắng nghe tiếng pháo lác đác vọng đến từ những góc phố mới thấy thật trân quý tình đồng hương khi xa xứ.

“Bản sắc Việt”

Trong gia đình, bác trai là người qua Đức sớm nhất. Ông đã làm việc ở đây từ những năm 1980 sau đó đưa cả gia đình sang định cư. Để ý một chút, tôi thấy một điểm chung của những người Việt sống ở nước ngoài quá lâu. Đó là giọng nói, ngữ điệu của họ lên xuống, ngắt nghỉ theo một kiểu rất lạ tai, không còn “thuần Việt” nữa. Thế nhưng, có một điều nguyên vẹn là không khí gia đình Việt vẫn tràn đầy trong căn hộ nhỏ.

Từ những món ăn trên mâm cơm, cho tới cách bài trí nhà cửa và cách mọi người chăm sóc lẫn nhau, tất cả vẫn toát lên một tính cách Việt gần gũi và ấm áp. Cứ như thế, giá trị gia đình Việt thiêng liêng sẽ được gìn giữ bền bỉ qua thời gian bởi những người con nơi xứ người.

Song, tôi còn muốn nhắc tới một sự “gìn giữ bền bỉ” những “giá trị” khác mà mỗi khi nghĩ đến thật dễ… chạnh lòng. Trên một diễn đàn lớn chia sẻ về hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài, có những câu chuyện chưa vui vẫn cứ được kể từ năm này qua năm khác. Đành rằng thông tin nào cũng phải nghe từ hai phía trước khi kết luận đúng sai.

{keywords}
Ảnh minh họa: Zing

Việc thanh tra, kiểm tra sai phạm sẽ còn dài và có thể sẽ chẳng dẫn đến đâu. Song nghĩ rộng ra khỏi vấn đề sai phạm là một điều đáng buồn hơn. Dường như dù có đi ra nước ngoài, cung cách hành xử của rất nhiều cán bộ, công chức; ngay cả khi họ sống và công tác tại những đất nước văn minh nơi có nền hành chính phục vụ tốt nhất thế giới, vẫn chưa thay đổi.

Mới đây, người viết có dịp hỗ trợ một đoàn cán bộ được cử sang tham dự một khóa học ngắn bằng kinh phí của phía Châu Âu. Khóa học rất hay, được giảng dạy bởi các giáo sư, chuyên gia hàng đầu và hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đáng ngạc nhiên là trong đoàn, có một số cán bộ đã đứng tuổi, không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh chứ chưa nói tới việc hiểu những nội dung chuyên môn. Với các cán bộ này, việc ngồi học không khác gì… cực hình nên không ít người đã ngủ gật, dán mắt vào điện thoại, thậm chí nghỉ học để đi mua sắm trước sự ngỡ ngàng của ban tổ chức.

Tiếp xúc với các cán bộ này bên ngoài, họ đều là những người dễ mến. Có người cho biết công việc hàng ngày của họ không liên quan tới khóa đào tạo nên có nghe cũng chỉ để biết. Thành thật mà nói, ở VN, việc được cơ quan cử đi học ngắn hạn biến thành một cơ hội du lịch bằng “tiền chùa” không phải là điều mới mẻ. Người được cử đi đa số là theo “tiêu chuẩn” chứ không phải cần được đào tạo. Do đó, xét cho cùng, không thể trách họ hoàn toàn mà một lần nữa đó là vấn đề văn hóa “chia lộc” của các cơ quan nhà nước.

Đó là một đặc trưng của văn hóa làng xã đã ngấm vào cơ quan công quyền thời hiện đại, nên lối tư duy “ai cũng đến lượt”, “có lộc cùng hưởng” ngày càng sâu rễ bền gốc.

Làm sao có thể bền vững?

Những chuyến du học ngắn như vậy, dù là tiền của “Tây”, dù sao vẫn là một sự lãng phí ghê gớm. Giá như cơ hội đó được trao cho đúng người thì sẽ hiệu quả hơn biết bao nhiêu. Nếu vẫn giữ gìn thứ văn hóa làng xã đó, thì dù có cử bao nhiêu đoàn đi tham quan, học tập liệu có lợi ích gì?

Một giáo sư kinh tế từng đến VN từ những năm 1995, đã chia sẻ tại khóa học rằng sự thay đổi của VN trong 20 năm qua là rất rõ ràng. Ông vui mừng vì mỗi lần trở lại VN là một lần thấy đất nước ta thay da đổi thịt. Nhưng ông đưa ra một nhận định đáng nghĩ rằng đa số thay đổi tích cực của VN đều do áp lực bên ngoài.

Phải có sức ép hội nhập thì quá trình đổi mới, phát triển của VN mới diễn ra. Việc hoàn thiện luật pháp để gia nhập WTO và TPP là thí dụ của những áp lực bên ngoài như vậy. Điều đó đồng nghĩa rằng nếu không có ai thúc ép, VN sẽ lại cứ dậm chân tại chỗ. Một khi sự phát triển không đến từ bên trong, nó sẽ là sự phát triển nhát gừng và bị động, làm sao có thể bền vững?

Đúng là người Việt gìn giữ truyền thống của mình rất tốt. Những giá trị tốt đẹp của chúng ta vẫn tỏa sáng ở xứ người là một minh chứng rõ ràng. Nhưng ở mặt trái của nó, dường như sự “kiên trì” gìn giữ những truyền thống và tư duy lỗi thời của bộ máy công quyền đã và đang khiến chúng ta trở nên hụt bước trên con đường phát triển.

Có lẽ vì thế, tại Đại hội XII của Đảng, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn phát biểu rằng, trong những năm qua dù kinh tế có đổi mới nhưng bộ máy nhà nước, thể chế chính trị vẫn không có gì thay đổi? Đó chính là sự đổi mới tự thân mà Việt Nam đang rất thiếu.

Sau Đại hội, bộ máy nhà nước của nhiệm kỳ mới sẽ được kiện toàn. Mong rằng nhiệm kỳ mới sẽ đến cùng sự mạnh dạn loại bỏ những tư duy cũ kỹ, lỗi thời đang cản trở sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Và với ý nghĩa đó, xuân mới đang còn đâu đây…

Khương Duy