Lời tòa soạn: Năm 2022 là dịp kỷ niệm 77 ngày truyền thống ngành TT&TT (28/8), 20 năm thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông và 15 năm thành lập Bộ TT&TT. Trong những năm qua, các thế hệ ngành đã liên tục kế thừa quá khứ và mở ra tương lai để tạo thành một dòng chảy liên tục. Phát huy truyền thống “muốn đi xa thì phải về gần, muốn phát triển mở ra tương lai thì phải kế thừa quá khứ”, VietNamNet đăng tải loạt bài viết cùng nhìn lại lịch sử của ngành. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Với tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển đất nước bắt kịp với xu thế của thời đại, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số" các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng.

Đại hội XIII cũng nhấn mạnh: "phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số".

Tính đến cuối năm 2021, số lượng cơ quan báo chí tại Việt Nam có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata...

Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo…. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, VnExpress, VietNamNet, Thanh niên, Tuổi trẻ, Dân trí... 

Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ảnh: Phạm Hải

Nhìn vào Báo Nhân Dân - một tờ báo Đảng nổi tiếng nhất cả nước, có thể thấy sự thay đổi đáng kể để thích ứng trong kỷ nguyên số. Trong hội nghị tổng kết công 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022 của Bộ TT&TT, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh từng chia sẻ rằng nhiều người nói rằng Báo Nhân Dân chỉ dành cho các chi bộ, đảng viên, “nếu hỏi 10 người thì tôi nghĩ rằng tỷ lệ khá cao là ít đọc báo nhân dân hoặc gần như là không đọc. Tôi nghĩ rằng, trước khi trách cứ mọi người thì bản thân Báo chúng tôi phải nhìn lại mình, có lẽ là trong thời gian qua chúng ta đã truyền thống quá, đi theo cách thức không phù hợp với cách thức tiêu dùng, tiếp nhận thông tin của mọi người”.

Theo tìm hiểu trong những năm qua đặc biệt thời kỳ dịch Covid-19, Báo Nhân Dân thực hiện đổi mới toàn diện trên báo Nhân Dân hằng ngày, Nhân Dân điện tử, Nhân Dân cuối tuần, Thời Nay. Trên báo Nhân Dân hằng ngày, nhiều bài viết thời sự được đăng tải trên trang 1, trang 8 với nội dung và cách trình bày hấp dẫn. Với quan điểm “Digital first”, trên báo Nhân Dân điện tử đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại như E-Magazine, Longform, Mega story, Special, Shorthand...và đã mang lại hiệu quả cao, có sức hấp dẫn mới đến bạn đọc.

Trong hướng phát triển lâu dài, Báo Nhân Dân sẽ trở thành trung tâm kết nối (hub) cả về dữ liệu và công nghệ cho hệ thống báo Đảng thuộc 63 tỉnh, thành phố. 

Báo Nhân Dân cũng đã rất quan tâm đến nền tảng mạng xã hội. Trước đây, fanpage của Báo Nhân Dân chỉ có 24.000 - 25.000 người theo dõi và lượng tiếp cận cũng khá là khiêm tốn nhưng sau khi thay đổi với cách làm chuyên nghiệp hơn. Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm công tác báo chí xuất bản mới diễn ra đầu tháng 8, thì chỉ trong vòng 1 tháng, lượng tiếp cận Báo Nhân Dân trên fanpage mỗi tuần tăng thêm khoảng 5000%. 

Không chỉ trên fanpage Facebook, YouTube, báo còn hiện diện trên TikTok - một nền tảng dành cho giới trẻ thế hệ Z, đến thời điểm này đã đạt 1,1 triệu "like" và nhiều thông tin đưa trên TikTok có thể tiếp cận được khoảng 2 triệu lượt xem, trong khi trên các nền tảng truyền thống số lượng rất ít.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những người động viên Báo Nhân Dân về việc phải gắn kết công nghệ với nội dung.

Nội dung vẫn là "vua" nhưng công nghệ là vô cùng quan trọng và trên một con đường phát triển, đổi mới, CĐS và công nghệ, Báo Nhân Dân xác định các trụ cột trong thời gian tới gồm: đổi mới, phát triển theo mô hình cơ quan báo chí công nghệ. Báo chí giờ đây không thể đứng độc lập nữa mà phải kết hợp công nghệ và phải đầu tư vào công nghệ rất mạnh. 

Trên thế giới đang có xu hướng là những công ty, tập đoàn công nghệ thì sản xuất nội dung rất mạnh thì trở thành techmedia, còn các tập đoàn báo chí lớn thì phải đầu tư công nghệ mạnh để trở thành mediatech và Báo Nhân Dân cũng không nằm ngoài xu thế này.

Tiếp theo là sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện. Đa nền tảng là nơi nào có độc giả thì nơi đó báo phải hiện diện. Nếu có một nền tảng mới thì báo chí phải hiện diện trên đó.

Khi các báo Đảng địa phương lâu nay gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cách thức làm báo hiện đại - cả về hệ thống công nghệ lẫn các kỹ năng mới, vì thế có khoảng cách đáng kể về chất lượng giữa nhiều báo Đảng địa phương so các báo ở Trung ương.

Chương trình Nhân Dân trên podcast. Khi chương trình podcast xong, báo cũng ra bản tin thời sự với 2 bản tin/ngày lúc 7h30 sáng và 17h30 chiều đã được độc giả quan tâm, đón nhận. Rất nhiều báo địa phương cũng học theo cách này và cũng làm podcast rất nhanh chóng. 

Có một số báo Đảng địa phương đã chú trọng đầu tư cho báo điện tử và cũng thu hút được lượng truy cập đều đặn nhưng cách làm vẫn tương đối đơn giản, đặc biệt là các hệ thống quản trị nội dung (CMS) chỉ ở dạng cơ bản, không hỗ trợ các định dạng nội dung mới, không linh hoạt cho các phóng viên, biên tập viên, khó bổ sung khi có nhu cầu mới. Do mỗi tờ báo Đảng địa phương tự xây dựng hệ thống dữ liệu riêng nên chưa biết cách khai thác dữ liệu người dùng (first-party data) và các báo Đảng lại càng không thể tận dụng để liên thông và tạo nên một cơ sở người dùng quy mô lớn nhằm tạo thế cân bằng nhất định với các nền tảng công nghệ như Facebook, YouTube, TikTok…

Chính vì vậy, nếu kết nối được dữ liệu của tất cả các báo Đảng trong một hệ thống thì có thể cùng chia sẻ để kinh doanh quảng cáo và phục vụ chiến lược sản xuất nội dung, định hướng tuyên truyền hiệu quả.

Không chỉ báo Đảng mà các cơ quan báo chí dù lớn hay nhỏ đều có nhu cầu tự thân phải chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi ngày càng nhanh chóng của công nghệ làm báo. Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề con người và tư duy. 

Các cơ quan báo chí đều hiểu rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Tuy nhiên sự chuyển đổi từ phương thức tác nghiệp cũ sang phương thức tác nghiệp mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đã khiến cho nhiều tòa soạn nhanh chóng bắt kịp sự đổi mới của báo chí nhưng cũng khiến cho nhiều nhà báo bị tụt lại phía sau.