Còn một chút của tin nơi thôn dã mà chúng ta đang gìn giữ trong lòng, là chúng ta còn đủ sức bước đi qua mọi sóng cả cuộc đời.

Ở xóm Đông, sát vách nhà bác Cường là sân kho hợp tác. Những năm bao cấp, ông Vượng làm đội trưởng đội 10, giáp Tết, đội thường đụng lợn, chia phần ngay ở sân kho.

Từ nhà tôi ra đến nơi chia thịt phải đi qua một góc ao ken đầy dứa dại, hóp và những bụi thèn đen lá xanh hoa đỏ đầy ma mị. Chỗ này là nơi đổ vỏ ốc, mảnh thủy tinh, bát vỡ của cả xóm Đông. Bà tôi bảo, nơi ấy, đã từng là cửa Phủ.
Con cò bay lả bay la. Bay từ cửa Phủ, bay ra cánh đồng. Cửa phủ trong câu hát ru của mẹ chẳng giống cái bãi chứa mảnh chai, vỏ ốc của làng.

Năm nay, rục rịch chuẩn bị ăn Tết, mấy thanh niên xa quê lại hẹn nhau đụng lợn, gói bánh luộc chung. Nhưng cái sân kho thì không còn nữa. Niềm tự hào của xóm năm nao, giờ đã biến thành một vườn chuối xanh um. Tiếng tùng dinh dinh tập đội hình đội ngũ đã đi vào dĩ vãng. Góc ao cửa Phủ bây giờ là một mái đền thật đẹp, phía trước là một hồ nước hình bán nguyệt, tuy chưa cổ kính, nhưng đã rêu phong, và lối cầu bến cũng có một cây đại thả bông trắng cả một góc hồ. Cây đại cổ thụ này còn sót lại sau trận cuồng nhiệt phản phong. Có lẽ ai đó đã cố ý để lại, làm dấu cho một nơi từng là cửa Phủ.

Bác Ngạo thợ cắt tóc vụng về của đội những năm bao cấp... giờ trở thành ông thủ nhang khăn đóng, áo dài. Đêm ba mươi, sau bữa chiều trừ tịch, cả xóm đội xôi, gà lên đền lễ thánh, là những điệu hát văn lại khoan nhặt phát ra từ cửa Phủ sân đền.

Cũng giống như rất nhiều làng quê khác ở Bắc Bộ, quê tôi đã có bao phong vân trong gần một trăm năm qua thổi qua lũy tre làng. Cửa Phủ phá rồi xây, sân kho còn rồi lại mất… nhưng cái hồn cốt của làng, của người làng dường như vẫn ẩn khuất ở khắp nơi. 

{keywords}

“Làng tôi”. Ảnh: Vũ Đức Phương/ Phongsuanh-vapa/ Tuoitre.vn

Sự trường tồn của làng xã sau bao cuộc bể dâu từ đó trở thành một câu hỏi khiến tôi luôn day dứt. Những lý thuyết bòn gọt trên ghế nhà trường không đủ để lý giải, những trải nghiệm thực tế trong suốt 20 năm xuôi nam, ngược bắc cuối cùng đã̃ giúp tôi nhận ra rằng, căn cốt ấy trường tồn, bởi vì làng quê có đạo.

Cùng với nhiều người khác, ông Đặng Kim Sơn là một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu đã rất chính xác khi đưa ra nhận định: nông nghiệp trong suốt chiều dài của đất nước luôn là bệ đỡ của nền kinh tế, và nông thôn, cũng vì thế luôn là chốn nghỉ của người Việt mỗi lúc gian lao.

Người Việt quan niệm “vạn vật hữu linh”, bởi vậy những người đi ra từ làng đều thân thuộc với tuổi thơ được Nguyễn Duy tả trong Đò Lèn: “Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị / chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng/ mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm / điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”. Nói đến hồn cốt của làng, không thể không nói tới tín ngưỡng thờ đa thần trong đó́ có tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ.

Cuộc hành trình từ những cửa phủ sân đình đến Etiopia để được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ cũng giống như những giá trị của thôn dã, đã trải qua không ít phong ba.

…Ở Nam Định tôi đã chứng kiến những canh hầu chui, những đêm lễ vội, những ông đồng bà cốt lắt lay trong ánh mắt xa lạ của dân làng. Có những lúc đức tin đã phải lưu lạc đâu đó.

Thời thế là vậy. Đến lúc thanh bình và không còn phải được bữa nay, lo bữa mai, người ta mới sực nhớ ra, là cuộc sống dù vật chất đủ đầy, nhưng con người vẫn thiếu mất phần hồn vía. Người thị thành quanh năm cuốn theo cơn lốc thị  trường, sáp tết bỗng trong tâm tưởng lại cuộn lên một nỗi nhớ mông lung. Đó là lúc tiếng nói thôn dã từ rất sâu trong tâm tưởng, gọi họ sớm quay về.

Dù gần, dù xa, không có ai không từ quê mà ra. Dẫu nghèo túng bần hàn, hay phong hoa phú quý, ai cũng muốn có một quê hương để đi về. Sự gắn bó giữa con người với thôn quê, giống như sự gắn kết của thôn quê với tín ngưỡng, đôi khi cả đời quên lãng mà lắm lúc lại bất chợt hiện ra.

Không phải ngẫu hiên mà tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ lại có sức lan tỏa lớn trong các cộng đồng người Việt Nam từ Bắc chí Nam. Tín ngưỡng này, nói như bà Katherine Muller-Marin - Nguyên Giám đốc Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, đó là mối quan hệ cộng sinh, khăng khít của con người với thiên nhiên. Mẹ Trời, Mẹ Cây, Mẹ Nước đều là những bà mẹ thiên nhiên gắn kết với nền văn minh hài hòa với tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam.

Bình tĩnh lọc bỏ hết những biến tướng dị đoan, buôn thần bán thánh… vẻ đẹp của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ hiện lên như một viên ngọc long lanh trong văn hóa các miền quê.

Giáp Tết, tiếng chuông ngân, trống giục, câu hát văn khoan nhặt gọi chúng ta về. Để rồi sau những ngày tề tựu bên gia đình trong mâm cơm sum vầy ngày Tết, ai về việc nấy, trở lại với tất bật thị thành mà trong lòng vẫn âm vang một khúc hát quê hương.

Thôn quê, sau bao phong vân bão tố… cuối cùng vẫn là nơi bao dung nhất, làm bệ đỡ cho những phồn hoa bát nháo thị thành. Còn một chút của tin nơi thôn dã mà chúng ta đang gìn giữ trong lòng, là chúng ta còn đủ sức bước đi qua mọi sóng cả cuộc đời. 

Lại Trọng Tình