Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, dự kiến nếu được thông qua sẽ thay thế cho Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng GD-ĐT với nhiều điểm mới đáng chú ý (xem toàn văn dự thảo TẠI ĐÂY)

Để hiểu rõ hơn, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) về vấn đề này:

PV: - Thưa ông, nếu so với Thông tư 17 hiện hành, dự thảo thông tư mới có vẻ đã bỏ đi nhiều quy định về các trường hợp không được phép dạy thêm. Phải chăng Bộ GD-ĐT đang muốn nới việc quản lý dạy thêm, học thêm? 

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên, học sinh. Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT cũng chưa bao giờ cấm việc dạy thêm, học thêm. Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo thông tư lần này nhằm quản lý, hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực đối với dạy thêm, học thêm. Vấn đề khiến dư luận bức xúc hiện nay là việc giáo viên dạy học sinh ở trường rồi lại bằng cách này, cách kia “ép” các em học thêm lớp do chính mình dạy ở bên ngoài, dù các em không muốn. Những trường hợp này học sinh và phụ huynh phải “tự nguyện một cách bắt buộc”, miễn cưỡng. Đây là vấn đề mà ngành GD-ĐT phải nhìn thẳng và tìm cách quản lý, khắc phục. 

Dự thảo cũng quy định giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng thay vì phải xin phép hiệu trưởng để được dạy thêm học sinh của mình ngoài nhà trường như quy định hiện hành. Giáo viên có thể dạy, nhưng phải lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm. Đồng thời, giáo viên phải cam kết không được sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Đây là những giải pháp quản lý để hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra, toàn dân có thể giám sát.

nguyen xuan thanh 2 1.jpg
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Qua thời gian theo dõi việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, chúng tôi cũng thấy có tình trạng gây ra sự phân biệt “môn chính”, “môn phụ”, giữa giáo viên này với giáo viên kia… Vì vậy, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo hướng tới là làm sao để quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh...

Việc dạy thêm trong nhà trường phải được tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với hiệu trưởng đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm thì phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp. Căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn, hiệu trưởng sẽ tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. 

- Có thể thấy, thay đổi đáng chú ý so với quy định hiện hành là việc dự thảo đã bỏ quy định không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đối với giáo viên trường công lập. Ông có thể lý giải điều này?

Thực tế, trong Luật Viên chức đã nêu rất rõ quy định viên chức không được tổ chức kinh doanh. Do đó, giáo viên trường công lập không được tổ chức kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Vì luật đã nêu, nên trong dự thảo thông tư này, Bộ GD-ĐT hiện không nhắc lại quy định. Tuy nhiên, qua nhiều trao đổi, thấy rằng điều này không được ghi trong dự thảo khiến dư luận hiểu nhầm. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu bổ sung lại để tránh hiểu nhầm.

- Nếu theo quy định hiện hành, dự thảo thông tư mới đã bỏ đi quy định các trường không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Phải chăng Bộ GD-ĐT đang “bật đèn xanh” cho việc dạy thêm trong nhà trường?

Theo thông tư 17 hiện hành, trong các trường hợp không được dạy thêm, có quy định không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Nhưng thực tế chúng ta cũng không quản lý được việc này ngoài nhà trường. Bởi nhu cầu là có thật và việc cấm như thế có lẽ cũng không công bằng với học sinh tiểu học.

giao duc 3.JPG
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Tuy nhiên, trong nhà trường, không đồng nghĩa việc này được “bật đèn xanh”. Điều 3 về nguyên tắc dạy thêm, học thêm trong dự thảo thông tư mới nêu rõ, không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Theo chương trình phổ thông mới, học sinh tiểu học được thiết kế học 2 buổi/ngày và hầu hết các trường đã thực hiện việc này, đồng nghĩa cũng không tổ chức dạy thêm trong trường đối với cấp tiểu học. Do đó về bản chất, dự thảo thông tư mới không thay đổi so với hiện nay. Chưa kể, dự thảo thông tư mới cũng quy định tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT. Những điều này không được đề cập trong quy định hiện hành.

- Dự thảo thông tư mới đã không còn quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài trường đối với học sinh đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của hiệu trưởng. Điều này liệu có dễ làm nảy sinh những tiêu cực và làm sao kiểm soát được việc giáo viên ép buộc học sinh học thêm, rồi “giữ kiến thức để ra ngoài dạy thêm”, thưa ông?

Đối với giáo viên công lập, nếu dạy thêm ngoài trường, đầu tiên phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm nguyên tắc dạy thêm. Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài trường có học sinh của lớp mà mình đang dạy trong trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm. Cùng đó, phải cam kết không đưa những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm vào bài kiểm tra, đánh giá trên lớp.

Như vậy, nếu giáo viên có biểu hiện tiêu cực, thì học sinh và phụ huynh có thể phát hiện ngay từ trong lớp, trong trường. Chưa kể, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường còn là phải đảm bảo yêu cầu của chương trình, giáo viên dạy thiếu sẽ phải chịu trách nhiệm. Bộ GD-ĐT ra khuôn khổ pháp lý để quy định, các nhà trường thực thi nên bản thân các trường và toàn dân cũng có trách nhiệm giám sát.

- Xin cảm ơn ông!

Dạy thêm: Quản, nới hay cấm?

Dạy thêm: Quản, nới hay cấm?

Một số thay đổi về quy định dạy thêm do Bộ GD-ĐT vừa đưa ra đã thu hút dư luận và tạo nên nhiều luồng ý kiến. Không ít người phản đối việc này nhưng cũng có quan điểm cho rằng đó là nhu cầu chính đáng, cấm cũng không được.