Bất cập được nêu tại hội thảo khoa học: “Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam” do Khoa Nghệ thuật, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 21/8.

PGS.TS Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, đối với môn học Âm nhạc và Mỹ thuật ở bậc phổ thông, hiện nay thách thức không chỉ nằm ở trình độ giáo viên mà ngay ở số lượng.

“Trên toàn quốc, số lượng giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở cấp tiểu học cơ bản đáp ứng được. Ở cấp THCS, có thiếu dù không nhiều. Nhưng cấp THPT gần như không có giáo viên dạy 2 môn học này, ngoại trừ một số trường THPT ngoài công lập hoặc có yếu tố nước ngoài”, bà Thu nói.

Bà Thu cho hay, theo thống kê đến năm học 2023-2024, số lượng trường THPT trên toàn quốc khoảng gần 2.400. “Nếu chỉ tính mỗi trường cần ít nhất 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật, chúng ta đang thiếu khoảng 4.800 giáo viên ở các trường THPT, chưa tính số thiếu ở 2 cấp THCS và tiểu học”, bà Thu nói.

pgsts trinh hoai thu 3093.jpg
PGS.TS Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT chia sẻ tại hội thảo.

Đáng nói hơn, việc thừa thiếu giáo viên mang tính cục bộ, không đồng đều.

“Ở các thành phố lớn, chúng ta có đủ giáo viên, thậm chí thừa. Như một số trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội có đến 7 giáo viên Âm nhạc. Có nghĩa rằng số giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật đang tập trung ở những nơi có điều kiện; còn ở vùng miền núi, khó khăn thiếu và thiếu rất nhiều”.

Chính vì vậy, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng nhu cầu đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật của xã hội đối với trường phổ thông là hết sức cấp bách.

Song, theo bà Thu, qua số liệu mà Bộ GD-ĐT thống kê, trên thực tế, số lượng sinh viên sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật ở trình độ đại học được đào tạo khá nhiều trên toàn quốc. 

“Thống kê số lượng sinh viên mà các cơ sở đào tạo ra trường là hơn 6.000 người, tính đến năm học vừa qua. Tuy nhiên, các em ra trường có làm nghề dạy học không - đó là một vấn đề”. 

Vấn đề khác theo bà Thu cũng cần đặt ra là trình độ của giáo viên nghệ thuật hiện nay chưa đồng đều. “Nếu nhìn vào chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục hiện nay, có rất nhiều điểm khác nhau, nhiều môn học khác nhau và số tín chỉ cũng vênh nhau khá nhiều. Điều này đang dẫn đến một thực trạng là năng lực sư phạm và năng lực nghệ thuật khi ra trường của giáo viên được đào tạo ở các cơ sở khác nhau là không đồng đều”.

PGS.TS Hà Hoa, Trưởng khoa Nghệ thuật và Thiết kế của Trường ĐH Đại Nam cũng cho rằng, chương trình đào tạo giáo viên Âm nhạc ở một số trường đại học rất chênh lệch.

Bà Hoa nêu thực trạng: “Khảo sát nhanh, nhiều sinh viên sư phạm Âm nhạc ra trường dạy phổ thông nhưng không nhận diện được thế nào là ca trù, xẩm, chèo, quan họ. Sự nhầm lẫn xảy ra rất nhiều. Thế nhưng, một số trường cũng không cho các em học và không được học sẽ không biết. Như thế, khi ra dạy, nhận diện đã sai, giáo viên dạy sao được?”. 

Theo bà Hoa, khi không được học trong quá trình đào tạo, các giáo viên tương lai dễ nói sai. Trong khi, nếu giáo viên ở trường phổ thông dạy Âm nhạc tốt có thể truyền cảm hứng, tâm thức dân tộc cho học sinh.

Ngoài ra, theo bà Hoa, khi các trường đào tạo dạy quá hàn lâm, các em cũng “bê” những điều hàn lâm đó ra dạy cho học sinh, gây khó hiểu. Bà Hoa cho rằng, việc người thầy biết truyền cảm hứng cho sinh viên. Những sinh viên khi trở thành giáo viên sau này cũng tương tự vậy, mới khơi dậy sáng tạo cho người học.

pgsts ha hoa 3094.jpg
PGS.TS Hà Hoa chia sẻ tại hội thảo.

Bà Trịnh Hoài Thu cho rằng, cần có chương trình bồi dưỡng đào tạo cho các giáo viên để có thể đáp ứng, có khả năng dạy học phù hợp ở các trường phổ thông.

Nhiều chương trình đào tạo giáo viên của các cơ sở giáo dục còn nặng về tính hàn lâm, nặng về dạy theo kiểu đào tạo chuyên nghiệp, chưa thật sát với nhu cầu trường phổ thông. “Chúng tôi mong muốn giáo viên ra trường dạy phải thực hành được với những yêu cầu của chương trình phổ thông, chứ không phải để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn. Chúng ta cần một giáo viên, có thể không phải là một nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc, nhưng phải biết cách sử dụng các nhạc cụ, có khả năng truyền đạt kiến thức cho học sinh hiểu và làm được. Chúng tôi cũng đề nghị các nhà trường đừng chỉ dạy cái mình có, hãy dạy cái mà xã hội cần. Cụ thể, các trường và giảng viên hãy rà soát lại chương trình đào tạo của mình để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới”, bà Thu nói.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, cần nâng cao tầm quan trọng, vị trí của người thầy dạy bộ môn nghệ thuật. Có như vậy giáo viên mới nỗ lực, sáng tạo ở mức cao nhất để đáp ứng dạy và học trong điều kiện có nhiều thay đổi, mặc cho nhiều sự tác động ở bên ngoài như áp lực công việc, sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, sự thay đổi của người học và thái độ xã hội đối với giáo viên. 

Bà Hà cho rằng, để tạo động lực cho giáo viên dạy bộ môn nghệ thuật, cần tạo cho họ những cơ hội để khẳng định mình qua những cuộc thi, ví dụ thi giáo viên dạy giỏi các cấp, giúp họ có cơ hội phát triển bằng chính chuyên môn, tìm cách nâng cao thu nhập và giúp họ khẳng định chỗ đứng của mình...

Nói về môi trường dạy học của giáo viên bộ môn nghệ thuật, bà Hà cho hay, hầu hết được triển khai trong nhà trường mà không có hoạt động mở, do không có kinh phí, thời gian. Điều này cũng là nguyên nhân giảm hưng phấn cho người học.

“Việc học sinh chỉ được học trong sách vở mà ít có kiến thức thực tế, khiến định kiến môn học ngày càng lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học môn nghệ thuật”, bà Hà nói.

‘Khó tuyển giáo viên do lương quá thấp’

‘Khó tuyển giáo viên do lương quá thấp’

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, hiện nay nhóm giáo viên các môn Tin học, tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc ở TPHCM rất khó tuyển dụng do lương quá thấp.