Theo dự thảo mới về dạy thêm, học thêm (dự kiến thay thế cho quy định ban hành năm 2012) được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến từ ngày 22/8 đến hết 22/10, giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường, chỉ cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép học trò học thêm. Ngoài ra, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Những quy định mới này đã thu hút sự chú ý của đông đảo phụ huynh, giáo viên, và những người quan tâm tới giáo dục, với nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Gây thêm bất công giữa học sinh, giáo viên
Phần lớn các ý kiến thể hiện sự phản đối trước dự kiến không cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình ngoài trường vì lo ngại điều này có thể gây ra hoặc làm nặng nề thêm tình trạng bất công trong trường học.
Độc giả Dương Anh Khoa viết: Quy định cho phép giáo viên dạy thêm với học sinh của lớp mình vô tình có thể tạo ra sự thiên vị khi cho điểm giữa các học sinh cùng lớp. Học sinh nào đi học thêm thường dễ biết đáp án các đề thi, bài kiểm tra, và khỏi cần chăm chỉ, nỗ lực thì vẫn đạt điểm cao. Những học sinh còn lại dù có học chăm điểm vẫn thấp hơn.
Phụ huynh Hoàng Long chia sẻ tình huống của gia đình mình: “Con tôi không học thêm, cháu đi thi phải gồng mình lên mới được điểm 7,8. Cháu có giơ tay trong giờ học cũng chẳng mấy khi được gọi. Tóm lại sao lại tạo điều kiện cho giáo viên nhiều đặc quyền như vậy trong khi lương đã được cải thiện nhiều?".
Trước những quy định của dự thảo về việc giáo viên phải cam kết đảm bảo chất lượng dạy trên lớp và không dùng bất cứ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm, nhiều người đặt câu hỏi: "Ai sẽ kiểm soát được nếu giáo viên dạy vượt quá chương trình ở lớp học thêm hay chỉ dạy hời hợt trên lớp, để kiến thức chính cho lớp phụ đạo? Ai sẽ kiểm soát giáo viên sẽ thiên vị những học sinh đi học thêm hay trù úm những em không tham gia lớp bên ngoài?
"Trong ‘cuộc đua’ học thêm, dạy thêm, rõ ràng con em các gia đình khó khăn sẽ chịu sự thiệt thòi khi cha mẹ các em không có điều kiện cho con tham gia các lớp học thêm”, một phụ huynh tên Thanh Đào bày tỏ.
Vị này cho rằng, sẽ rất khó để kiểm soát được việc giáo viên có ép buộc học sinh học thêm hay không. Thực tế, không ít người dạy đã sử dụng “quyền lực mềm” để gây khó khăn cho học sinh bằng nhiều hình thức, khiến các em không biết phải lên tiếng thế nào.
Ngoài ra, việc thiếu công bằng không chỉ xảy ra giữa các học sinh mà ngay cả giữa giáo viên, vì không phải thầy cô nào cũng dạy thêm được - nhất là các giáo viên dạy môn phụ.
Một lý do khá phổ biến khiến nhiều người không đồng tình với quy định cho phép dạy thêm, học thêm là việc này đặt gánh nặng lên vai con trẻ, khiến các em không còn một tuổi thơ đúng nghĩa.
Chị Anh Thơ (TPHCM) chia sẻ, con chị mỗi ngày phải học hai buổi trên lớp, tối về vẫn sang nhà cô học thêm, cuối tuần cũng không nghỉ. “Nếu con không học thêm là không theo kịp các bạn. Con mới cấp một mà học nhiều tới nỗi đêm còn ngủ mơ ú ớ đọc bài. Tôi thấy mà đau lòng nhưng không biết phải làm sao”, chị bày tỏ.
Nhiều người khác cũng đồng tình rằng, áp lực về học thêm không chỉ nặng nề với học sinh mà còn với cả phụ huynh. Đôi khi, dù không ai ép, nhiều cha mẹ lo lắng con mình thua kém các bạn đi học thêm hay có thể bị thiệt thòi khi trên lớp, nên cố gắng cho con đi học. Để thực hiện việc này, nhiều gia đình không chỉ chật vật về kinh tế mà còn đau đầu xoay sở thời gian đưa đón con.
Nhìn việc dạy thêm, học thêm ở bức tranh rộng hơn, một số ý kiến cho rằng, nên cấm việc này vì nó không nâng tầm giáo dục nước nhà hay giúp học sinh nước ta giỏi giang, đạt nhiều thành tựu hơn.
Ông Tuấn Phạm, một người Việt đang sống tại Mỹ cho rằng, nhiều nước có nền giáo dục phát triển cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình. “Cháu tôi học cấp 1 ở Australia, giáo viên tại trường cháu không được phép dạy thêm cho học sinh của mình, ngoại trừ môn âm nhạc. Tôi sang thăm con thứ ở Canada cũng thấy tình hình tương tự. Giáo viên sẽ dạy kèm miễn phí cho các học sinh có sức học kém hơn hay các em nhập cư chưa hòa nhập tốt, ngôn ngữ chưa thạo. Ở Mỹ, tôi biết, học sinh nếu đi học thêm cũng chỉ theo các lớp về âm nhạc và thể thao”, ông chia sẻ.
Bổ sung ý kiến này, anh Thanh Hải (Hà Nội) cho rằng, nhìn gần hơn, ngay ở nhiều nước châu Á thì hầu như cũng không cho phép giáo viên mở lớp bên ngoài dạy phụ đạo học sinh của mình. Chẳng hạn, ở Nhật, giáo viên toàn thời gian ở trường công sẽ không được phép dạy thêm. Trẻ cần học thêm thường tìm tới hệ thống trung tâm độc lập.
Tương tự, tại Hàn Quốc, hầu hết học sinh đi học thêm tại các trung tâm gọi là hagwon - nơi chủ yếu luyện thi tuyển sinh đại học, hay đăng ký các dịch vụ học thêm các chương trình bổ trợ kiến thức…
Tại Singapore, giáo viên biên chế ở các trường do Bộ Giáo dục quản lý được phép dạy thêm ngoài giờ học, nhưng không quá 6h/tuần và phải đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giảng dạy chính tại trường.
Một vấn đề nữa được nhiều người đưa ra khi không ủng hộ việc cho phép dạy thêm là: Tại sao, hiện nay chương trình học đã rất nặng, chiếm hầu hết thời gian nghỉ ngơi, giải trí của trẻ nhưng các em vẫn phải đi học thêm, hay Bộ GD-ĐT đã áp dụng chương trình mới, tại sao những vấn đề cũ vẫn không chuyển biến?
Một cựu giáo viên thẳng thắn đặt câu hỏi trên trang cá nhân rằng: "Tại sao đã có một chương trình giáo dục mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) với mục tiêu giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời, mà vẫn phải dạy thêm, học thêm nhiều? Phải chăng, chương trình mới này không mang lại hiệu quả hay vì nó còn thiếu nên cần bù đắp bằng việc học thêm?".
'Học thêm là nhu cầu chính đáng - tại sao phải cấm'
Bên cạnh nhiều ý kiến phản đối việc nới lỏng quy định cấm dạy thêm, học thêm, một số người ủng hộ dự kiến này vì cho rằng, đó là nhu cầu thực tế cần đáp ứng, và dù có cấm nó vẫn diễn ra như tình hình hiện nay.
Một độc giả có tài khoản Đỗ Văn bày tỏ, nhu cầu học thêm - dạy thêm tới từ cả 2 phía. Thầy cô muốn tăng thu nhập và truyền tải kiến thức, cách thức thi cử. Cha mẹ muốn con được bồi dưỡng và đôi khi vì không có ai giúp trông giữ con.
“Vợ chồng tôi đi làm từ sáng đến tối. Con thì 4-5h chiều đã tan học. Cho con đi học thêm, cháu vừa được củng cố kiến thức trên lớp, làm bài tập để tối đỡ phải thức khuya, chúng tôi yên tâm vì con ở nơi an toàn. Cô giáo bỏ công sức, chất xám thì nhận được thù lao, đỡ gánh nặng kinh tế. Như vậy chẳng phải tốt cho tất cả?”, phụ huynh này bày tỏ.
Đồng ý với việc không nên cấm dạy thêm, học thêm, anh Hoàng Công (Hưng Yên) thẳng thắn: Bản chất việc dạy thêm, học thêm không hề xấu và đó là nhu cầu của xã hội. Theo anh, việc học thêm có nhiều ý nghĩa tích cực như giúp bồi dưỡng cho học sinh giỏi, hỗ trợ và củng cố kiến thức cho học sinh yếu. Việc này chỉ tiêu cực khi giáo viên dạy hời hợt trên lớp, để dành những kiến thức quan trọng cho lớp học thêm và đối xử thiếu công bằng giữa các em có hoặc không tham gia lớp này.
“Vậy thì, việc cần làm không phải là cấm giáo viên dạy thêm bên ngoài mà là cần có yêu cầu cụ thể để tránh những tiêu cực. Chẳng hạn, yêu cầu giáo viên phải đạt chất lượng giảng dạy trên lớp như thế nào mới được dạy thêm ngoài trường, cam kết không ép buộc học sinh học thêm và chịu phạt nếu không tuân thủ”, anh Công góp ý.
Đứng ở góc độ một chuyên gia về kinh tế, chị Vương Thịnh (Hà Nội) cho rằng, người làm nghề nào cũng được phép và nên được tạo cơ hội gia tăng thu nhập bằng chính năng lực của mình. Với việc dạy thêm, không nên cấm mà nên có cơ chế quản lý minh bạch, phù hợp, ví dụ cơ sở dạy thêm phải được cấp phép, công khai thu chi, nộp thuế…
“Bác sĩ được khám bệnh ngoài giờ, chuyên gia tài chính được tư vấn ngoài doanh nghiệp mình làm, tại sao giáo viên lại không được dạy học ngoài trường? Rất nhiều thầy cô giỏi, kiến thức sâu rộng, nếu không dạy thêm và có cơ hội tăng thu nhập thì quá phí, cho cả họ và học sinh”, chị Vương Thịnh bày tỏ.
Đồng tình với điều này, nhưng độc giả Hải Bằng (Nam Định) bổ sung: Cần đảm bảo nguyên tắc những kiến thức thi cử được gói gọn trong chương trình trên lớp, việc học thêm chỉ củng cố và nâng cao.
Về vấn đề làm sao cho phép dạy thêm, học thêm nhưng tránh được những tiêu cực liên quan tới việc này, theo một giảng viên đại học, nên tăng lương cho giáo viên để họ đủ sống và dạy hết mình, không cần phải bươn chải tìm cách tăng thu nhập mới đảm bảo cuộc sống.
Bộ GD-ĐT: Việc cần chấn chỉnh nhất là ép học sinh học thêm bên ngoài
Trước nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan tới dự kiến không cấm giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, trả lời phỏng vấn báo Giáo Dục & Thời Đại, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định, quy định giáo viên trường công lập không được “tổ chức” dạy thêm, học thêm vẫn giữ nguyên, đúng với quy định chung về việc viên chức thì không được tổ chức kinh doanh; nhưng thầy cô vẫn được “tham gia” dạy thêm.
Nếu tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên phải làm 2 việc: Báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định về các nguyên tắc dạy thêm, học thêm; Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường có học sinh lớp mình, phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
Những báo cáo này để hiệu trưởng nhà trường có thông tin và lưu hồ sơ, trường hợp giáo viên vi phạm sẽ có minh chứng xử lý.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, để kiểm soát việc này, cơ quan quản lý giáo dục ở các địa phương phải đóng vai trò người giám sát, quản lý, bắt đầu từ trường, đến phòng và sở GD-ĐT.
“Khi xây dựng dự thảo này, điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học”, ông Thành khẳng định.
Theo ông, dạy thêm ngoài nhà trường là một hoạt động kinh doanh. Do đó, đã tổ chức thì phải đăng ký kinh doanh.
Ông nhấn mạnh, vấn đề dư luận đang bức xúc là giáo viên dạy học sinh ở trường, rồi lại bằng cách này, cách kia “ép” học sinh học thêm bên ngoài, khiến học sinh và phụ huynh phải “tự nguyện một cách bắt buộc”. "Đây là vấn đề mà ngành GD-ĐT muốn chấn chỉnh nhất", ông nói.
Liên quan tới vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng khẳng định tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 20/11/2023 rằng, đây là một nhu cầu thực tế và Bộ đã có nhiều quy định về hoạt động này.
Tuy nhiên với môi trường ngoài nhà trường, Bộ trưởng nhìn nhận còn đang thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý.
Bộ từng đề xuất bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, từ đó có cơ sở pháp lý để xử lý bên ngoài trường học, nhưng chưa được chấp thuận.
Với 53.000 trường học trên cả nước, Bộ trưởng mong muốn những gì xảy ra bên ngoài nhà trường, chính quyền địa phương phối hợp để kiểm soát việc dạy thêm học thêm.
Trong Dự thảo Thông tư quy định về Dạy thêm học thêm vừa ban hành, tại mục 1, điều 5, chương II, nêu rõ: Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.