XEM CLIP:

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định nhiều trường hợp chỉ định thầu giúp đẩy nhanh các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế.

ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết các quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế của dự thảo luật còn chưa đủ căn cứ thực hiện, cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý đầy đủ.

Điểm a khoản 1 điều 53 quy định "trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh".

ĐB Lã Thanh Tân. Ảnh: QH

Theo ĐB, hiện nay điểm hạn chế lớn nhất của mua sắm tập trung là mất nhiều thời gian chờ đợi. Mua sắm tập trung thường làm theo đợt, được tổng hợp từ nhiều cơ quan, đơn vị.

Do đó, ông Tân cho rằng, nếu thuốc hiếm có số lượng ít mà mua sắm tập trung là không hợp lý, không thể đảm bảo được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, ông đề nghị bỏ nội dung này.

Tranh luận sau đó, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt lại vấn đề: "Một câu hỏi vậy thì lấy thuốc đâu để điều trị cho bệnh nhân bệnh hiếm, một thực tiễn đã hàng chục năm ở nhiều bệnh viện và cá nhân tôi cũng thấy rất thấm thía điều đó.

Khi tôi hỏi những bác sĩ ở dưới là tại sao không điều trị cho bệnh nhân thì họ bảo bọn em không có thuốc. Hỏi tại sao không mua cho bệnh nhân, trả lời là đấu thầu ít quá, 3 lọ, 5 lọ người ta không bán. Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu chung cho cả nước, 3 lọ, 5 lọ, 50 lọ, 100 lọ,... cộng lại được một gói thầu lớn thì mới có nhà cung cấp".

Từ thực tế trên, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị giữ quy định "trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh" trong luật.

Chỉ định đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cấp cứu bệnh nhân

ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết điểm c, Khoản 1 có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế chỉ được chỉ định thầu để mua, cấp cứu người bệnh.

Tuy nhiên, nữ ĐB nhận thấy trong Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này. Hiện nay dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lại nêu thực hiện theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Do vậy ĐB đề nghị thay thế cụm từ "cấp cứu người bệnh" thành "trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách". Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách.

Nói về giá gói thầu, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) chia sẻ: "Trong thời gian qua những vi phạm chủ yếu trong mua sắm, đấu thầu cũng chính từ giá gói thầu. Giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu".

ĐB cho biết, hiện nay việc xác định giá gói thầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính và đang tồn tại nhiều bất cập.

 ĐB Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: QH

Một trong những phương thức xác định giá gói thầu là sử dụng "3 báo giá" - phương thức này đang mâu thuẫn với quy định tại dự thảo Luật Giá.

ĐB Nhị Hà phân tích, phương pháp "lấy 3 báo giá" mà nhiều đơn vị sử dụng không đảm bảo giá hàng hóa là giá thị trường trong một khoảng thời gian, không gian nhất định. Vì vậy, không phải là giá giao dịch thành công, hợp pháp, công khai và cạnh tranh nên không thể sử dụng làm căn cứ xác định giá gói thầu.

Trong dự thảo không có hướng dẫn về việc xác định giá gói thầu. Nghị quyết 30 của Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn về giá gói thầu, trang thiết bị y tế, tuy nhiên nhiều nội dung trong dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn còn vướng mắc. 

ĐB đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.

Tuổi thọ các dự án luật ngày càng được ‘trẻ hoá’

Tuổi thọ các dự án luật ngày càng được ‘trẻ hoá’

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, có tình trạng làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Điều đó dẫn đến tuổi thọ của các dự án luật ngày càng ‘trẻ hóa’. Một số dự án luật mới ban hành 2 - 3 năm lại sửa đổi, bổ sung.