Sáng 6/6, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trước Quốc hội trả lời nhiều vấn đề liên quan đến nhân lực, lao động bị mất việc, bảo hiểm xã hội, rút bảo hiểm xã hội một lần.

Nêu câu hỏi tại hội trường, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) phản ánh thực trạng thời gian qua, nhiều người lao động mất việc làm. Trong bối cảnh đó nhiều người lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì cần tiền để chi tiêu trang trải trong cuộc sống.

Theo đại biểu, tình trạng trên tạo sức ép đến hệ thống an sinh xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. “Để giúp lao động bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, có ý kiến đề xuất lập quỹ từ nguồn ngân sách để hỗ trợ họ. Cách làm này giống như chính sách trong đại dịch Covid-19”, đại biểu đoàn Hà Giang nói.

Đại biểu Tráng A Dương nêu lo ngại về việc người lao đông rút bảo hiểm xã hội một lần.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội gây hệ lụy lớn, ảnh hưởng lớn đến trăm nghìn lao động. Do vậy, bà Thuý đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, giải pháp khắc phục.

“Thời gian qua dư luận bức xúc trước tình trạng thu sai bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể. Đề nghị Bộ trưởng quan điểm về vấn đề này”, đại biểu Ma Thị Thuý nêu vấn đề.

Trả lời nhóm vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, để giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng thì phải tìm nguyên nhân, từ đó mới có giải pháp cụ thể.

“Để giảm và tiến tới không rút bảo hiểm xã hội một lần cần nhiều giải pháp, đặc biệt việc tạo công ăn việc làm, thu nhập đời sống phải tốt lên. Ngoài ra cũng cần điều chỉnh các chính sách phù hợp”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Việc thành lập quỹ hỗ trợ lao động, ông Đào Ngọc Dung cho rằng đây một căn cứ, Bộ LĐTB&XH sẽ nghiên cứu thấu đáo, có đánh giá tác động, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép.

Về câu hỏi liên quan chậm đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, đến hết 2022, tình trạng chậm đóng, trốn đóng cộng cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng (so với 2021 tăng 2,69%). Trong đó có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, ngoài ra còn có một bộ phận trốn đóng. Điều này làm ảnh hưởng tới 206.000 người lao động. Bộ LĐTB&XH đã thực hiện các giải pháp cho vấn đề này.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Đào Ngọc Dung cho biết là do doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng, thậm chí có doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Trước thực trạng trên, ông Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐTB&XH đã đưa ra các biện pháp để người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. “Vì vậy mà 206.000 trường hợp nói trên đã được giải quyết chế độ liên quan đến bảo hiểm xã hội. Với những khoản nợ còn lại, chúng tôi phải tính toán để người lao động không bị ảnh hưởng”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Ngoài ra, theo ông Đào Ngọc Dung các đơn vị, doanh nghiệp cũng phải tạo điều kiện cho người lao động đóng ở đơn vị mới hoặc bảo lưu khi thôi tham gia.

Đề cập đến giải pháp lâu dài, theo ông Dung, sẽ sửa Luật Bảo hiểm xã hội, trình kỳ họp tới vào tháng 10. Trong luật sẽ bổ sung việc xử lý hành vi trốn đóng và chậm đóng bảo hiểm xã hội.

“Hiện nay đã có quy định xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, thậm chí xử lý hình sự. Nhưng khái niệm và phạm vi không xác định rõ được nên hiện chưa xử lý được trường hợp nào”, ông Đào Ngọc Dung nói và nêu ví dụ cụ thể như TP.HCM đã chuyển hơn 80 vụ việc sang cơ quan điều tra nhưng không xử lý được.

Về thu bảo hiểm xã hội của chủ hộ kinh doanh, ông đào Ngọc Dung dẫn lại báo cáo Ban Dân nguyện, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội thu sai một tỷ lệ không nhỏ của chủ hộ kinh doanh cá thể. Việc thu sai diễn ra từ năm 2003-2016, với những đối tượng không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Và Bộ LĐTB&XH đã phát hiện và chấn chỉnh tình trạng này.

“Quan điểm của tôi là chúng ta phải đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và bị xử lý theo quy định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.