Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung sẽ đăng đàn trước Quốc hội vào tuần sau để trả lời chất vấn ĐBQH trước nhiều vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội (BHXH).... Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng LĐTB&XH đã có báo cáo một số nội dung về thực trạng BHXH và rút BHXH 1 lần.

Củng cố niềm tin của người dân vào BHXH

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong giai đoạn 2016 - 2022, BHXH tại các tỉnh, thành đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng).

 Tính đến hết tháng 5, số người tham gia BHXH khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ảnh: Hoàng Hà

Bộ trưởng nêu một số nguyên nhân của tình trạng hưởng BHXH một lần, đó là đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.

Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người
hưởng BHXH một lần.

Thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến chưa thực hiện tốt việc duy trì việc làm cho người lao động (hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp).

Một số quy định, chính sách còn chưa thật phù hợp, hấp dẫn.

Đề hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu 5 giải pháp, đó là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội,…

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già.

Củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH thông qua đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao tính hiệu quả trong thực thi chính sách.

Sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia BHXH.

Mượn hồ sơ tham gia BHXH

Đáng chú ý, theo báo cáo sơ bộ của BHXH Việt Nam (năm 2022), số người lao động mượn hồ sơ tư pháp mà cơ quan BHXH các địa phương đã phát hiện đến thời điểm hiện tại là 3.716 trường hợp.

Trong đó đã giải quyết 9.320 lượt người hưởng chế độ ốm đau với số tiền trên 5,3 tỷ đồng, 301 lượt người hưởng chế độ thai sản với số tiền trên 3,7 tỷ đồng, 102 người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền trên 2,2 tỷ đồng, 71 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe với số tiền trên 185 triệu đồng.

Hiện tại, người lao động mượn hồ sơ muốn điều chỉnh thông tin cá nhân để làm cơ sở tiếp tục tham gia và hưởng các quyền lợi BHXH. 

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho rằng, việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động (khoản 1 Điều 15 và khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động), đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ. 

Bộ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành và cơ quan BHXH, hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động ra cơ quan tòa án để thực hiện thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, sau đó cơ quan BHXH sẽ điều chỉnh thông tin tham gia BHXH của người lao động theo quyết định của tòa án.