Trong Hội nghị ngày hôm nay, chúng ta đã cùng nhau lắng nghe các bài trình bày về một số kết quả, các đề xuất phát triển kinh tế số. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò ngày một quan trọng, trở thành động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, có sức chống chịu, đặc biệt là trong và sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra.
Phát triển kinh tế số (KTS) bao gồm phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT và phát triển kinh tế số các ngành, các lĩnh vực. Nhưng KTS các ngành, các lĩnh vực sẽ là chính. Việt Nam cần thúc đẩy CĐS để tạo ra KTS trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số (CNS) thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.
CĐS, phát triển KTS là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn nghiên cứu. Ứng dụng thì đặc điểm dân tộc, văn hóa, ngữ cảnh đất nước, đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực là yếu tố quyết định. Và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp CNS Việt Nam, do am hiểu bối cảnh Việt Nam.
Bài toán Việt Nam tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam, tạo ra cách tiếp cận Việt Nam. Việt Nam phải đi con đường Việt Nam. Và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta có cơ hội tiến lên đi đầu. Đi con đường người khác thì cũng mãi sẽ chỉ là người theo sau. Một lý luận về CĐS, phát triển KTS Việt Nam có ý nghĩa quyết định. Bộ TT&TT đặt mục tiêu xây dựng lý luận này.
Để phát triển KTS thì chúng ta nên có một hình dung về nó. Kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi: công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. KTS đặc trưng bởi giao dịch online, một thế giới ảo, không giấy tờ, không tiền mặt. Mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới. Người lao động có kỹ năng số để làm việc. Người dân tự tin và an toàn sử dụng các dịch vụ số. Chính phủ thì cung cấp dịch vụ công online, dễ dùng, an toàn, sử dụng dữ liệu để dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá thể hóa của người dân. Chính phủ tạo ra môi trường sống, làm việc online, tạo ra niềm tin trong nền KTS.
Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới, cần động lực mới. Không gian mới là KTS. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là ĐMST số.
Phát triển KTS Việt Nam thì phải dựa trên ĐMST số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp KTS vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số.
Sau đây, tôi xin nói rõ thêm về một số thành tố của KTS.
Về công nghiệp ICT, hay còn gọi là công nghiệp công nghệ số. Nó bao gồm viễn thông, phần mềm, dịch vụ CNTT, phần cứng, Internet (nội dung số, nền tảng số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây). Nó dẫn dắt sự phát triển KTS vì nó cung cấp hạ tầng số, công nghệ số, sản phẩm số, dịch vụ số và giải pháp số để phát triển KTS.
Về KTS các ngành, các lĩnh vực, hay còn gọi là CĐS các lĩnh vực truyền thống, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đó là ứng dụng công nghệ số vào các ngành công nghiệp truyền thống để tạo ra đầu ra mới, và đầu ra mới này đóng góp vào KTS. KTS không đứng riêng mà là một nền kinh tế tích hợp, đứng trong nền kinh tế thực, tích hợp vào nền kinh thế thực, làm cho nền kinh tế thực hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
Về tốc độ của nền kinh tế. Nền kinh tế của thế giới chúng ta đã đạt đến một trình độ mà ở đó nhiều hoạt động vật lý đã nhanh hơn các hoạt động phi vật lý. Vì thế, tốc độ của nền kinh tế bây giờ lại bị phụ thuộc vào tốc độ của các hoạt động phi vật lý. Nhưng các hoạt động phi vật lý lại này lại có thể đưa lên online. Và khi đưa lên online thì tốc độ của nó sẽ tăng lên, và vì thế mà làm cho tốc độ của cả nền kinh tế cũng sẽ tăng theo. Sản xuất, tiêu thụ thì vẫn vật lý, nhưng nhiều quyết định về sản xuất, về tiêu thụ có thể lên online, thí dụ như quyết định mua trên sàn TMĐT là online, giao hàng vẫn offline, nhưng tốc độ của hoạt động mua sắm đã tăng đáng kể.
Bởi vậy, KTS là chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online, dùng các khâu online này để tăng tốc, để thúc đẩy các khâu còn lại. Bất kỳ một khâu nào của hoạt động kinh tế được online là đã tạo ra một hệ số nhân cho toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng. Hãy suy nghĩ theo cách này để thấy một thay đổi nhỏ có thể tạo ra một kết quả lớn.
Về quản trị số, có thể coi đây như là quan hệ sản xuất. Quản trị số để đảm bảo cho sự phát triển KTS được nhanh, bền vững. Nó là thành phần quan trọng của hiện đại hóa quản trị quốc gia. Là mô hình quản trị quốc gia mới, sử dụng CNS để nâng cao chất lượng dịch vụ công, hệ thống giám sát, ra quyết định dựa trên dữ liệu, nâng cao năng lực thực thi.
Quản trị số bao gồm đổi mới mô hình quản trị, dùng công nghệ số nâng cao chất lượng hệ thống quản trị, năng lực quản trị ở tất cả các cấp. Trợ lý ảo cho cán bộ công chức là một thí dụ.
Về dữ liệu. Dữ liệu là yếu tố sản xuất mới. Tạo ra giá trị từ dữ liệu là quan trọng nhất. Tạo ra giá trị từ dữ liệu bao gồm thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, xác định quyền dữ liệu, gán nhãn dữ liệu, định giá dữ liệu, trao đổi dữ liệu, tạo ra thị trường dữ liệu, bảo vệ dữ liệu.
Về ứng dụng mạnh mẽ AI trong mọi lĩnh vực. AI, nhất là học sâu, đã qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, đã bước vào giai đoạn ứng dụng. Nghiên cứu, khám phá thì cần giới tinh hoa, bỏ ra công sức vài chục năm mới có một đột phá. Mỹ và một số nước phát triển vẫn đang là người đóng vai chính trong giai đoạn nghiên cứu, khám phá. Việt Nam chưa tham gia được nhiều trong giai đoạn này. Nhưng giai đoạn ứng dụng thì chỉ cần mức kỹ sư, cần nhiều kỹ sư mức ứng dụng, ai nhanh chân ứng dụng thì sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
AI đã trở thành như điện của CMCN lần thứ 2, như động cơ hơi nước của CMCN lần thứ nhất, nó cần được phổ cập, thâm nhập vào mọi lĩnh vực, mọi nơi, mọi chốn, mọi công việc hàng ngày, của mọi người, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức. Nhanh chóng phổ cập hóa ứng dụng AI, nhưng phải là AI do chúng ta phát triển, do chúng ta “nuôi dạy” (dữ liệu, mục tiêu, lựa chọn thuật toán, huấn luyện là của chúng ta). Muốn phổ cập AI thì phải biến nó thành dịch vụ và cung cấp qua mạng viễn thông đến mọi người dân, doanh nghiệp như là dịch vụ điện thoại di dộng vậy, và giá cũng phải rẻ.
Để AI phát triển lành mạnh thì Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành một bộ quy tắc ứng dụng AI, bởi vì AI được coi là tạo ra nguy cơ còn lớn hơn cả năng lượng hạt nhân. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta hạn chế ứng dụng AI mà ngược lại, cần đẩy nhanh ứng dụng mặt tích cực của nó.
Bộ TT&TT cũng sẽ trình Chính phủ một chương trình hành động quốc gia về ứng dụng AI trong CĐS, trong chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. AI sẽ giúp tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tạo ra các giá trị mới. AI sẽ đóng vai trò chính trong phát triển KTS.
Muốn quản lý và thúc đẩy cái gì thì phải đo lường được cái đó. Bộ TT&TT đặc biệt coi trọng việc đo lường KTS, không chỉ ở tầm quốc gia mà cả ở mức các địa phương, các ngành, các lĩnh vực, không chỉ hàng năm mà là hàng tháng, hàng quý, không phải bằng tay mà là tự động. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia đi đầu về đo lường KTS. Hãy cứ làm đi và sẽ trở thành dẫn đầu.
CĐS, phát triển KTS là mới đối với cả nhân loại. Không ai dám cho mình là người biết tất cả. Học hỏi lẫn nhau vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Bộ TT&TT sẽ tổng hợp các kinh nghiệm hay về KTS của các tỉnh, các ngành, các nước để chia sẻ. Bản tin này sẽ là hàng tháng.
Cuối cùng, tôi xin nói một chút về văn hóa thời CĐS, KTS.
CĐS là thời thay đổi. Thời ổn định thì sức mạnh là “Tôi biết”. Thời thay đổi thì sức mạnh là “Tôi không biết”. Bởi vậy mà xuất hiện sức mạnh của của việc nói “Tôi không biết”. Nói “Tôi không biết” thì não ta mới mở ra, nói “Tôi biết” là nó đóng lại. Nói “Tôi biết” thì người đối diện cũng sẽ không nói gì nữa. Nói “Tôi không biết” thì họ lại sẵn sàng chia sẻ, và khi đó, chúng ta có thể tiếp cận tới hàng triệu kho tri thức.
Chúng ta phải thay đổi. Thay vì tự hào nói “Tôi biết” thì hãy nhìn thấy cái hay, cái hiệu quả, cái giá trị của câu nói “Tôi không biết”. Thời CĐS, ĐMST này thì nói “Tôi không biết” là một sức mạnh. Hãy mang cái không biết của mình đi hỏi.
Câu hỏi đúng về vấn đề của mình thì đã là 70% lời giải cho vấn đề của mình. Vấn đề với ta thì khó nhưng với người khác ở ngoài kia thì lại không khó, mà có thể là rất dễ. Vậy hãy mang đi hỏi, nhưng phải biết đặt câu hỏi đúng cho vấn đề của mình. Xác định được đúng vấn đề và hỏi đúng câu hỏi. Đó là việc quan trọng nhất.
Cái khó nhất của CĐS, KTS lại là một việc rất đơn giản, đó là đặt câu hỏi đúng và mang đi hỏi. Nhưng để hỏi được thì đầu tiên lại phải bắt đầu từ làm. Vậy hãy bắt tay vào sử dụng CNS để làm việc của mình một cách khác đi.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố kết thúc Phiên họp chuyên đề của UBQG về CĐS với nội dung phát triển kinh tế số các ngành, các lĩnh vực.