Đến nay, khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam đã thành lập công ty, mở các chi nhánh, văn phòng tại Nhật Bản, dùng sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” để giải các bài toán về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở nhiều thành phố trên đất nước mặt trời mọc.
Riêng năm 2023, doanh số của các công ty Việt Nam tại Nhật Bản đã đạt gần 1 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã tạo được uy tín, trở thành những đối tác tin cậy, nhà cung cấp hàng đầu tại Nhật Bản, như FPT, CMC, Rikkeisoft, Luvina, VTI, Kaopiz . Đây là những doanh nghiệp đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhân dịp này.
Trước đó, ngày 2/8/2024, tại Diễn đàn số Việt Nam – Hàn Quốc 2024 được tổ chức tại thành phố Seoul, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi gặp gỡ, trao đổi động viên, khích lệ các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư, kinh doanh tại Hàn Quốc.
Cũng như Nhật Bản, thị trường công nghệ của Hàn Quốc có tính cạnh tranh rất cao. Việc các doanh nghiệp Việt Nam chứng minh được năng lực, cung cấp dịch vụ cho các đối tác tại đây là bước tiến then chốt, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục tiến ra các nước, khu vực khác trên thế giới. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Bằng khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu đã đầu tư kinh doanh tại Hàn Quốc gồm FPT, CMC, NTQ.
Cùng với sự phát triển về năng lực công nghệ, phát huy các thế mạnh về nguồn nhân lực công nghệ cao, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng tự tin hơn khi mở rộng thị trường, đi ra thế giới, như tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam".