Cách tiếp cận mới trong bồi dưỡng kỹ năng

Bộ TT&TT đã xác định phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trên diễn đàn Quốc hội hồi tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ nhận thức mới trong phát triển nhân lực số, đó là ngoài chuyện đào tạo đại học, cao đẳng thì mỗi một người Việt Nam đều cần có kỹ năng về chuyển đổi số. Giải pháp đột phá là phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn hướng tới các đối tượng người học khác nhau.

Với nhận thức trên, Bộ TT&TT đã có cách tiếp cận mới trong bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số. Thay vì tổ chức trực tiếp các khóa bồi dưỡng, tập huấn với số lượng tham gia hạn chế như trước đây, cách làm mới là xây dựng tài liệu số bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu phổ cập kỹ năng và tổ chức các khóa học trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs).

one-touch-1-1-1.jpg
OneTouch là 1 trong 2 nền tảng học trực tuyến mở đại trà được Bộ TT&TT công nhận đạt tiêu chí nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia. (Ảnh: T.Hiền)

Nền tảng MOOCs cũng đã được đưa vào danh mục nền tảng quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tính đến tháng 12/2023, 2 nền tảng học trực tuyến mở đại trà gồm OneTouch của VTC và MobiEdu của MobiFone đã được Bộ TT&TT công nhận đạt tiêu chí nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia.

Theo báo cáo chuyển đổi số quốc gia năm 2023, qua 2 nền tảng OneTouch và MobiEdu, Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức 60 khóa học về chuyển đổi số cho 305.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan nhà nước; 20 khóa phổ cập kỹ năng số cho người dân với 23 triệu lượt người truy cập học trên các nền tảng; 2 khóa tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng.

Bộ TT&TT cũng đã hỗ trợ 11 bộ, ngành và 43 địa phương sử dụng miễn phí nền tảng MOOCs để triển khai đào tạo kiến thức, kỹ năng số cho các đối tượng người học tại địa phương. Theo thống kê, năm vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã sử dụng nền tảng do Bộ TT&TT hỗ trợ để tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 140.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Mô hình đào tạo trực tuyến mang nét riêng của Thừa Thiên Huế

Theo đơn vị phát triển nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch, để tham gia các khóa học trực tuyến trên nền tảng này, học viên cần đăng ký tài khoản hoặc các địa phương có thể tự lập danh sách và kết nối với đơn vị vận hành nền tảng để tạo tài khoản cho các cá nhân. Và dù sử dụng hình thức nào, người học cũng cần khai báo nhiều trường thông tin gây mất thời gian, thậm chí có trường hợp không thao tác đúng, khai báo chưa chính xác sẽ không thể tạo tài khoản thành công.

Từ đặc thù riêng của Thừa Thiên Huế với ứng dụng Hue-S đã được phổ biến rộng rãi đến hầu hết người dân trên địa bàn, tại buổi làm việc ngày 21/4/2023, Bộ TT&TT và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất triển khai, hoàn thiện chương trình bồi dưỡng và đánh giá kỹ năng số cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà và tích hợp vào ứng dụng Hue-S.

Yêu cầu trên đã được VTC, đơn vị phát triển nền tảng OneTouch phối hợp cùng Sở TT&TT Thừa Thiên Huế trực tiếp thực hiện. Từ ngày 20/12/2023, thay vì phải đăng ký tài khoản trên nền tảng OneTouch, những người dân Huế đã cài Hue-S đều có thể dễ dàng tham gia các khóa học kỹ năng số ngay trên ứng dụng này.

W-hoc-truc-tuyen-tren-hue-s-1-1.jpg
Tính năng học trực tuyến trên Hue-S đang cung cấp 4 khóa học theo phương châm ‘cầm tay chỉ việc’, trong đó có khóa "Kỹ năng làm chủ điện thoại thông minh". (Ảnh: V.Sỹ)

Kết quả là, chỉ sau 10 ngày triển khai, đã có hơn 20.000 người dân Huế tham gia học tập kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số thông qua hình thức học tập trực tuyến, với OneTouch được tích hợp trên ứng dụng Hue-S.

Trao đổi với VietNamNet, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài việc tạo thuận tiện cho người học khi tích hợp, cộng hưởng được thế mạnh của nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch và ứng dụng chuyển đổi số đặc thù của địa phương Hue-S, thành công bước đầu kể trên còn đến từ khâu phối hợp xây dựng nội dung, tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng.

Quá trình triển khai các khóa bồi dưỡng, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế và đơn vị vận hành nền tảng One Touch cũng luôn đồng hành, giải đáp các thắc mắc của người học để hiệu quả học tập đạt mức cao nhất, từ đó góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tăng xếp hạng chỉ số DTI của địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại diện đơn vị vận hành nền tảng OneTouch cho rằng, việc tích hợp nền tảng học trực tuyến vào ứng dụng Hue-S sẽ tạo hiệu quả lâu dài, góp phần từng bước hình thành thói quen học tập, nghiên cứu tài liệu trực tuyến cho người dân địa phương.

Mặt khác, từ việc phân loại các nhóm đối tượng qua các trường thông tin có sẵn trên Hue-S, Thừa Thiên Huế sẽ thuận tiện hơn trong việc đưa ra định hướng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng số phù hợp cho từng nhóm người học. Mục tiêu hướng tới là tất cả người dân, tùy vào khả năng của mình có thể đồng hành cùng chính quyền trong công cuộc chuyển đổi số.

Quá trình triển khai các khóa học, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế và đơn vị vận hành nền tảng One Touch cũng luôn đồng hành, giải đáp các thắc mắc của người học để hiệu quả học tập đạt mức cao nhất, từ đó góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tăng xếp hạng chỉ số DTI của địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ mô hình phổ cập kỹ năng số đang được Thừa Thiên Huế triển khai, những địa phương đã có ứng dụng riêng có thể xem xét áp dụng mô hình này nhằm đổi mới cách thức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thành phố mình. Thành công bước đầu của Thừa Thiên Huế trong đào tạo trực tuyến cũng củng cố thêm niềm tin cho các địa phương khác vào cách tiếp cận mới trong hành trình xây dựng lực lượng công dân số.