Sau màn gọi vốn thành công với số tiền lên tới 200 triệu USD, startup “kỳ lân” mới MoMo đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm củng cố vị thế và gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm. 

Mới đây nhất, công ty này đã quy tụ được một nhóm các nhà khoa học hàng đầu về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo với tên gọi chung là Hội đồng AI (AI Committee). 

Đây là nhóm làm việc được lập ra nhằm cụ thể hóa các chiến lược về ứng dụng trí tuệ nhân tạo của MoMo. Nhóm làm việc này cũng có trách nhiệm tìm kiếm, bổ sung đội ngũ, tích lũy về mặt sản phẩm, công nghệ. 

{keywords}
"Kỳ lân" công nghệ MoMo đang "chiêu hiền đãi sĩ" để quy tụ các nhân tài người Việt về AI. 

Chính thức thành lập vào 6/2021, đến nay AI Committee của MoMo có 7 thành viên. Trong đó, nhiều chuyên gia từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. 

Có thể kế đến Đặng Hoàng Vũ - Tiến sĩ Đại học Cambridge, cựu chuyên gia của Hewlett Packard. Trước khi về nước, ông Vũ từng làm việc trong bộ phận bảo vệ người dùng tại Facebook. Từ tháng 5/2021 ông Vũ trở thành người phụ trách việc phát triển các nền tảng ứng dụng dữ liệu và AI trong các mảng kinh doanh của MoMo.

Một Giám đốc Khoa học Dữ liệu khác của MoMo là bà Trần Thị Lạc Thanh. Bà Thanh là Tiến sỹ Khoa học máy tính tại trường UMass (Amherst, Mỹ). Tiến sĩ Trần Thị Lạc Thanh từng có nhiều năm làm việc trong mảng khoa học dữ liệu tại Twitter và LinkedIn ở thung lũng Silicon.

Đáng chú ý, trong Hội đồng AI của MoMo còn có ông Phạm Kim Long - tác giả của UniKey, phần mềm gõ tiếng Việt phổ biến nhất trên máy tính và các thiết bị di động của người Việt.

Sau khi rời khỏi vị trí Giám đốc của Zalo AI, ông Long giờ đây đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển AI của MoMo. Tại đây, ông Long phụ trách các nhóm nghiên cứu công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính.

{keywords}
"Cha đẻ" Unikey Phạm Kim Long chia sẻ về lý do khiến ông bất ngờ từ bỏ vị trí lãnh đạo mảng AI của Zalo để gia nhập MoMo. Ảnh: Trọng Đạt 

Trong một cuộc hội thảo về AI vừa được tổ chức mới đây, giải thích lý do về việc đầu quân cho startup công nghệ này, ông Phạm Kim Long cho biết đây là một cơ duyên do cảm thấy cần thay đổi để có thêm những thách thức mới. 

“Momo có tầm nhìn dài hơn về AI và gắn với những mục tiêu thiết thực. Điều quan trọng là không đòi hỏi kết quả ngay. Anh Tường (TGĐ MoMo) cũng đặt ra cho tôi một đề bài rất cụ thể khi muốn sử dụng AI để xử lý bài toán dùng chatbot chăm sóc khách hàng.”, ông Phạm Kim Long nói. 

Chia sẻ thêm về công việc của mình, “cha đẻ” phần mềm Unikey cho biết mục tiêu của ông trong thời gian tới là tìm ra giải pháp ứng dụng AI vào việc đem đến những trải nghiệm người dùng thân thiện và tường minh hơn. 

Tham vọng của chuyên gia này là muốn sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt vào việc thanh toán, đồng thời đưa trợ lý ảo bằng giọng nói lên ứng dụng. 

Bắt đầu đầu tư mạnh vào AI/Data từ năm 2019, MoMo đã ứng dụng AI vào nhiều cấu phần của ứng dụng MoMo như giải pháp eKYC, hệ thống khuyến nghị sản phẩm, phân phối ưu đãi, bảo vệ người dùng… 

Hiện “kỳ lân” công nghệ này có gần 600 kỹ sư công nghệ, trong đó các chuyên gia về AI chiếm khoảng 20% số lượng nhân sự.

Trọng Đạt

Người Việt giỏi toán: Lợi thế để phát triển công nghệ AI

Người Việt giỏi toán: Lợi thế để phát triển công nghệ AI

Với những lợi thế nhất định về xã hội và con người, Việt Nam có cơ hội để thu hẹp khoảng cách về công nghệ AI với thế giới.