Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo của công tác tư pháp. ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) trao đổi với Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình về phát biểu mà bà đã nói trong phiên thảo luận sáng hôm qua khi xác định giá trị tài sản của 2 vụ án liên quan đến Vũ "nhôm".

ĐB Thúy nêu điểm chung của hai vụ án đều được TAND TP Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử, đều liên quan đến 3 tài sản Nhà nước tại Đà Nẵng, nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản.

Theo đó, một vụ trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, còn một vụ trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

211120230218 z4901460665667 e2891a9b9c4299f45fa75e1ed867b845.jpg
ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý phát biểu chiều nay.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý cho biết Chánh án đã khẳng định về hành lang pháp lý, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có Nghị quyết hướng dẫn xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Ngoài ra theo Chánh án, những vụ án xảy ra trước khi có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mà trái với Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, không đúng thì sẽ xem xét lại.

"Tôi tin chắc rằng tất cả cử tri được nghe những lời khẳng định của Chánh án sẽ giải tỏa được bức xúc bấy lâu nay, thêm tin tưởng vào sự công minh, khách quan trong xét xử", bà Thuý bày tỏ. Tuy nhiên, ĐB Thuý chia sẻ sau giải đáp của Chánh án, cử tri có thắc mắc và bản thân bà cũng không thể hiểu ý Chánh án trong phần cuối của lời giải đáp.

Trong phần trả lời ĐB Thuý ngày 20/11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "ĐB có đưa ra vụ án, trình tự xem xét lại những vụ án đã được xác định không đúng thời điểm gây hậu quả của hành vi phạm tội thì theo trình tự của luật định, ĐB có đề nghị là toà án phải làm cái này, làm cái khác. Xem xét lại một vụ án có điều kiện của nó và điều kiện đó được ghi trong luật. Muốn xem xét lại đề nghị ĐB làm đúng quy định như vậy, còn chúng tôi không thể căn cứ vào ý kiến phát biểu tại hội trường hay là của ai đó mà xem xét lại, việc này không đúng trình tự tố tụng".

ĐB Kim Thúy chia sẻ: "Mỗi cán bộ đều là công bộc của dân, cần trân trọng lắng nghe ý kiến của dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".

Trong phần phát biểu ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý đôi lần có cảm xúc nghẹn ngào khi chia sẻ về quan điểm.

Giải trình sau đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy có nêu 2 vụ án có thời điểm xác định thiệt hại khác nhau. Ông cho rằng hai vụ án này khó có thể bàn nếu không có hồ sơ và việc xem xét lại phải theo đúng trình tự. 

211120230300 z4901560130670 a91804a03f123d89c025cd623c0ceb8b.jpg
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

ĐB dẫn quy định là ĐB có quyền phản ánh với các cơ quan khi bản án có vấn đề. Nhưng, theo ông Bình, luật còn quy định cụ thể việc phản ánh cho ai, với mục đích gì. Phải phản ánh với cơ quan tố tụng có thẩm quyền là Viện kiểm sát, tòa án và phản ánh bằng văn bản, lời nói. Luật cũng quy định rõ cách thức phản ánh bằng văn bản, lời nói và nội dung phản ánh theo trình tự tái thẩm hay giám đốc thẩm phải đảm bảo điều kiện.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định thời hiệu có đúng không. "Khi có đủ các điều kiện này thì Viện kiểm sát hoặc tòa án sẽ kháng nghị. Trên cơ sở kháng nghị thì Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét các kháng nghị theo đúng trình tự.

Từ đây, Chánh án khẳng định nếu 2 vụ án có vấn đề thì việc xem xét sẽ theo trình tự.

Ông nhấn mạnh không chỉ ĐBQH mà toàn dân đều có quyền phát hiện và kiến nghị nhưng kiến nghị phải đúng trình tự. Ông cho biết đây là câu chuyện tố tụng cần hiểu sâu nên nếu ĐB quan tâm sẽ mời tới TAND tối cao để bàn cả trình tự tố tụng, bàn cả nội dung vụ án "để đỡ mất thời gian của ĐBQH".

"Tất cả các bản án không đúng sẽ xem xét lại đúng trình tự", ông Bình nêu rõ.