Mùa hè năm ngoái, các hợp đồng mua điện trước 1 năm của Pháp và Đức được giao dịch ở mức 100 euro (tương đương 118 USD) mỗi mwh. Giờ đây, giá các hợp đồng tăng lên mức trên 1.000 euro. Giá điện tuy giảm một chút, nhưng giá khí đốt vẫn giao dịch ở mức tương đương khoảng 400 USD/thùng dầu. Ông chủ của tập đoàn dầu khí Shell đã cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng lần này sẽ kéo dài hơn một mùa đông.

Người dân châu Âu đối mặt với giá cả tăng vọt, nhất là thực phẩm và năng lượng. Ảnh: AP

Trong những tuần gần đây, giá khí đốt và điện tại châu Âu liên tục tăng. Cho đến nay, chính quyền các quốc gia đã can thiệp nhằm giảm căng thẳng cho hộ dân. Tuy nhiên, ngân sách của những nước này đang đạt đến giới hạn. Họ sẽ sớm không thể chi hàng tỷ euro để cắt giảm thuế và hỗ trợ giá năng lượng cho các doanh nghiệp và gia đình.

Sau khi một loạt lãnh đạo các nước châu Âu như ở Anh, Italia phải ra đi vì lạm phát tăng cao và tình hình kinh tế tồi tệ, ngày 3/9, hơn 70.000 người dân tại Cộng hoà Séc đã xuống đường biểu tình kêu gọi chính phủ từ chức.

Nhiều chuyên gia từ châu Âu và từ chính nước này cho biết, hầu hết những người biểu tình không thể chịu được ảnh hưởng của giá cả tăng vọt, nhất là thực phẩm và năng lượng. Họ dễ dàng chấp nhận lời kêu gọi tham gia biểu tình khi bị lạm phát tác động mạnh và những biện pháp hỗ trợ của chính phủ là không đủ.

Ăn miếng trả miếng

Nguy cơ khiến lạm phát tồi tệ ở châu Âu vẫn chưa dừng lại khi mới đây, các bộ trưởng Tài chính G7 tuyên bố đang thành lập một liên minh nhập khẩu dầu mỏ để áp trần giá dầu và khí đốt tự nhiên của Nga vào cuối năm nay.

Họ nhấn mạnh rằng, thời gian áp trần giá dầu mỏ của Nga sẽ thống nhất với các biện pháp thực hiện liên quan đến vòng trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU). Điều này đồng nghĩa G7 sẽ bắt đầu áp trần giá đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ tháng 12.  

Khoảng 95% tàu chở dầu trên toàn cầu do các công ty môi giới ở London và một số công ty ở lục địa Á - Âu bảo lãnh. Các bộ trưởng Tài chính G7 khẳng định, trừ khi giá bán dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga ở dưới ngưỡng thiết lập, nếu không các khách hàng sẽ không thể nhận được bảo hiểm vận chuyển hàng hóa đường biển và tài trợ vốn.

Lập tức, Nga tuyên bố đóng van đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 1, cắt đứt việc cung ứng khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Giá bán buôn khí đốt tự nhiên của châu Âu lập tức tăng 30%, tỷ giá hối đoái giữa đồng euro và đồng USD ghi nhận mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Phát biểu hôm 7/9 tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok, hơn 6 tháng sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Dù ai đó muốn cô lập Nga đến đâu, thì cũng khó có thể làm được điều này”. Theo ông, nền kinh tế Nga đang “vượt qua” hàng loạt các lệnh trừng phạt và mối quan hệ của điện Kremlin với phương Tây đang rơi xuống mức thấp mới. Ông Putin tuyên bố sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho bất kỳ quốc gia nào áp mức giá trần đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là nguồn thu ngân sách chủ yếu của Nga, trong khi đó châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Sau khi cuộc xung đột Nga -Ukraine bùng nổ, trong số những lệnh trừng phạt kinh tế mà các nước phương Tây nhằm vào Nga cũng như biện pháp đáp trả của Moscow, năng lượng đã trở thành công cụ chiến lược.

Châu Âu sắp bước vào mùa đông, khi nhu cầu năng lượng tăng cao. Việc Nga đóng van đường ống dẫn khí đốt tự nhiên sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt năng lượng của lục địa già, đồng thời đẩy cao giá năng lượng và lạm phát toàn cầu. 

Tương lai ảm đạm

Có thể thấy, G7 tìm cách thông qua việc áp trần giá dầu để làm suy yếu nguồn thu ngân sách của Nga, ép nước này sớm kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nhấn mạnh rằng việc hạn chế giá dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga là "một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để chống lạm phát”.

Tuy nhiên, các nước châu Âu phụ thuộc cao vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga. Trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Nga cung cấp 41% nhu cầu khí đốt tự nhiên, 46% nhu cầu than đá và 27% nhu cầu dầu mỏ cho EU. Tháng 7 năm nay, tỷ lệ lạm phát của các nước EU lên đến 9,8%, cao hơn nhiều so với mức 2,5% của cùng kỳ năm 2021.     

Mặc dù các nước châu Âu nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng, bao gồm quay lại sử dụng điện than và điện hạt nhân, đồng thời tăng tốc sử dụng năng lượng tái tạo, nhưng không thể giải quyết ngay vấn đề. Các lệnh trừng phạt kinh tế khiến cho chuỗi cung ứng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên bị cản trở, đẩy cao giá dầu thô và khí đốt tự nhiên, đồng thời cũng "pha loãng" thiệt hại của các biện pháp trừng phạt đối với kinh tế Nga.

Căng thẳng Nga - Ukraine đang ở trạng thái giằng co, Mỹ và các nước EU không thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Bên cạnh việc áp đặt giá dầu xuất khẩu của Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh, châu Âu cũng phải áp giá trần đối với đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga. Trong khi đó, Nga sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đáp trả cho đến khi các lệnh trừng phạt kinh tế chấm dứt.               

Vì thế, tương lai cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể tiếp tục tồi tệ hơn, giá điện cũng có thể tiếp tục gia tăng. Giá khí đốt tự nhiên và giá điện tương lai của châu Âu đã tăng 10 lần so với năm trước. Chi phí sinh hoạt tăng cao đã làm trầm trọng thêm gánh nặng của các gia đình, ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội.

Ngoài ra, việc này cũng tác động đến sản xuất công nghiệp, không ít hoạt động sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng bị buộc phải giảm sản lượng hoặc ngừng sản xuất, từ đó ảnh hưởng hơn nữa đến chuỗi cung ứng toàn cầu.   

Ngày 24/8, giá trị đồng euro đã tụt xuống thấp dưới mức tương đương với đồng USD. Với mức 1 euro đổi 99 xu USD, giá trị đồng tiền chung euro đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002. Ngoài vấn đề có tính biểu tượng, đồng euro đã giảm 13% kể từ đầu năm và điều này đang diễn ra vào thời điểm tồi tệ nhất. Theo Nicola Nobile, một chuyên gia của Oxford Economics: “Giá khí đốt tăng mạnh là một lời nhắc nhở nghiệt ngã rằng khu vực đồng euro đang phải đối mặt với một mùa đông dài lạnh giá”.

Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu làm trầm trọng thêm mâu thuẫn địa chính trị toàn cầu, đồng thời có thể khiến lạm phát toàn cầu neo ở mức cao. Điều này buộc các nền kinh tế chủ chốt phải áp dụng biện pháp tăng lãi suất mạnh mẽ, dẫn đến rủi ro suy thoái kinh tế. Do đó, không thể xem nhẹ nguy cơ đình lạm (chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao) dưới tác động cộng hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế.

Người dân châu Âu đang mong chờ các chính sách nhằm giảm thiểu sự gia tăng chi phí sinh hoạt và cung cấp mạng lưới an toàn cho các công ty đang gặp khó khăn về thanh khoản để có thể giúp giảm thiểu rủi ro đối với một cuộc suy thoái tồi tệ hơn.