Cụ thể, số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 10/2 công bố cho biết, chỉ số CPI, được dùng để đo lạm phát tại nước này, trong tháng 1/2020 đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự đoán của nhiều chuyên gia thuộc Bloomberg.
Nguyên nhân CPI tại ‘quốc gia tỷ dân’ tăng cao được lý giải là do giá thịt lợn đã tăng 116% so với cùng kỳ năm trước, cũng như việc nhiều thành phố tại tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa và hạn chế đi lại đã khiến nguồn cung và cầu tại Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề.
Dịch viêm phổi corona góp phần khiến chỉ số lạm phát tại TQ tăng nhanh. Ảnh: THX |
“Việc bùng phát dịch viêm phổi corona đã ‘viết lại’ toàn bộ hệ thống cung và cầu tại Trung Quốc, khi nguồn cung cấp hàng hóa luôn ở mức thấp trừ lĩnh vực y tế, cũng như nhu cầu mua sắm cũng giảm. Giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục tăng, kéo theo đó là nguồn cung cấp yếu”, SCMP trích lời nhà kinh tế học Tommy Xie thuộc chi nhánh Ngân hàng Hoa kiều (OCBC) ở Singapore nói.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ còn tiếp tục đối mặt với áp lực từ việc dịch viêm phổi hiện đang hoành hành tại nước này, khi nhiều nhà máy sẽ buộc phải ngừng hoạt động cũng như hàng triệu công nhân phải ở nhà tránh dịch.
Riêng tại tỉnh Hồ Bắc, với 17 thành phố buộc phải phong tỏa ngằm ngăn virus corona phát tán, chỉ số CPI tăng thêm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù chỉ số lạm phát tại đây cao hơn chỉ số toàn quốc, nhưng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc lại cho rằng đây là một tín hiệu ‘tích cực’, bởi tỉnh này chịu nhiều thiệt hại do virus corona hơn bất kỳ nơi đâu ở Trung Quốc.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1/2020 của Trung Quốc, vốn dùng để phản ánh xu hướng và đo lường mức độ biến động giá bán của các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu trên thị trường, lại chỉ tăng thêm 0,1% so với một năm về trước, và chỉ số này tích cực hơn mức các nhà phân tích dự đoán.
Dịch viêm phổi corona đã ‘viết lại’ toàn bộ hệ thống cung và cầu hàng hóa tại TQ. Ảnh: THX |
“Dĩ nhiên hiện vẫn còn quá sớm để thấy tác động của giá cả thị trường khi các nhà máy vẫn đóng cửa từ cuối tháng Một do nghỉ Tết. Những động thái gần đây về giá cả hàng hóa sẽ cho chúng ta thấy nhiều hơn về chỉ số giá sản xuất của các nhà máy trong tháng Hai này”, nhà kinh tế học Julian Evans-Pritchard thuộc Tập đoàn Capital Economics cho biết.
Chuyên gia kinh tế Ding Shuang thuộc Tập đoàn đa quốc gia Anh chuyên về ngân hàng và tài chính Standard Chartered lại cho rằng, áp lực lên chỉ số giá cả tiêu dùng Trung Quốc do dịch viêm phổi corona gây ra có tăng hay không còn tùy thuộc việc tới bao giờ chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng hóa được nối lại.
“Nếu các ca nhiễm virus corona đạt đỉnh trong tháng này, và dịch bệnh được khống chế trong tháng Ba tới, thì tác động của nó đối với giá tiêu dùng trong năm 2020 sẽ không rõ rệt. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh lên chỉ số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là đáng kể, khi tập đoàn Standard Chartered ước tính chỉ số tăng trưởng kinh tế của ‘quốc gia tỷ dân' trong quý 1/2020 sẽ chỉ ở mức 4,5%, so với mức 6% trong quý 4/2019”, ông Ding nhận định.
Tuấn Trần