Nợ công vẫn ở trong ngưỡng an toàn, bội chi ngân sách tăng nhưng đang được siết chặt… Tuy vây, điều này vẫn liên tục được cảnh báo và thực thi các biện pháp kiểm soát nhằm tránh những tác đông tiêu cực tới bền vững tài khóa cũng như sự ổn định của thị trường tài chính-tiền tệ.
Dẫn nguồn từ báo cáo của Bộ Tài chính, trong phân tích mới đây của, GS.TS. Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW cho biết, tổng nợ công của Việt Nam đã tăng từ mức 51,7% GDP năm 2010 lên 61,3% GDP năm 2015 so với mức trần 65% GDP cho phép. Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ bội chi ngân sách đang gia tăng và mở rộng khoảng cách so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippine...
Áp lực gia tăng
Tỷ lệ chi thường xuyên đã gia tăng mạnh từ 2013 và theo dự toán 2015 có thể lên tới 80% tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN). Áp lực gia tăng chi thường xuyên đến từ việc gia tăng các khoản chi trả lãi vay, y tế, giáo dục - đào tạo.
Chẳng hạn con số dự toán 2015 cho thấy, riêng khoản chi trả lãi vay chiếm 7,7%, chi y tế chiếm 6,2%, chi giáo dục - đào tạo chiếm 17%. Tỷ lệ này đã có sự gia tăng mạnh so với giai đoạn 2010-2012 lần lượt là 4,3%, 4,3% và 13,8%.
Trong phân tích của mình, GS.TS. Nguyễn Văn Nam, cho rằng, mức độ gia tăng tỷ trọng chi thường xuyên là nguyên nhân chính gây nên bội chi ngân sách.
Chi thường xuyên quá lớn. |
Ông Nam phân tích, việc tăng mạnh tỷ trọng chi thường xuyên đã gây áp lực thu hẹp cơ cấu chi cho đầu tư phát triển. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển từ NSNN giảm từ mức bình quân 29,1% giai đoạn 2010-2013, xuống còn 19,3% giai đoạn 2014-2015. Sự sụt giảm chi đầu tư phát triển những năm gần đây, được thay thế bằng gia tăng sử dụng vốn vay ( vốn ODA, trái phiếu Chính phủ).
Đáng lưu ý là các khoản chi ngân sách từ sử dụng vốn vay có một phần để tái cơ cấu các khoản nợ của các tập đoàn, tổng công ty và bảo lãnh phát hành của các ngân hàng chính sách. Ví dụ năm 2013, Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu của DATC (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam) để tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD của Vinashin.
Để bù đắp thâm hụt ngân sách trong giai đoạn từ 2012 đến nay, Việt Nam đã gia tăng liên tục nợ công. Cụ thể, tỷ lệ nợ công đã có tốc độ gia tăng khá nhanh và đang ở mức cao hơn nhiều, so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng, trong khu vực.
Trong phân tích của mình, ông Nam cho biết, giai đoạn 2013-2014 phát hành khối lượng trái phiếu lớn đã khiến nợ công tăng mạnh. Với dự báo lạm phát ở mức 4-6% trong các năm tới và GDP hàng năm đạt 6,5%; GDP danh nghĩa tăng 10%/năm thì quy mô nợ công hàng năm thực tế sẽ tăng thêm khoảng 250 nghìn tỷ đồng.
“Điểm đáng chú ý là kể từ năm 2006 trong khi tỷ lệ nợ công có xu hướng giảm dần hoặc ổn định ở các nước khác trong khu vực thì riêng Việt Nam lại tăng khá mạnh. Chẳng hạn giai đoạn từ 2009 đến nay khoảng cách này ngày càng nới rộng. Trong nợ công thì nợ của Chính phủ chiếm tới 80%. Đặc biệt nợ Chính phủ tăng dần đều trong 5 năm trở lại đây, đạt khoảng 49% GDP vào năm 2015’, ông Nam tính toán.
Trong nợ Chính phủ thì nợ phát hành trái phiếu tăng khá nhanh giai đoạn từ 2012-2014. Diễn biến trên khiến vốn vay từ kênh này tăng lên nhiều và hiện chiếm tỷ trọng cao nhất, tới hơn 40% trong cơ cấu nợ công.
Cảnh báo hệ lụy
Theo ông Nam, tình trạng mất cân đối tài khóa như trên là mối lo ngại cho những nỗ lực về ổn định thị trường tài chính -tiền tệ. Do nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn, nên rủi ro khủng hoảng nợ công ở Việt Nam chưa đến mức nguy hiểm, nhưng cũng gây ra tác động nhất định về kinh tế.
Cụ thể, nợ công dựa nhiều vào các nguồn vay trong nước sẽ làm tăng lãi suất cho vay, gây ảnh hưởng tới công tác điều hành chính sách tiền tệ, theo hướng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, trái phiếu Chính phủ được phát hành chủ yếu ở kỳ hạn ngắn, dưới 5 năm, gây áp lực trả nợ lớn hàng năm. Trong khi thị trường trái phiếu Chính phủ chưa phát triển, có ít người tham gia, chủ yếu vẫn là các ngân hàng, vì vậy gánh nặng nợ công thực chất dồn lên vai ngân hàng.
Đặc biệt, khi đầu tư công không hiệu quả, các khoản đầu tư không sinh lời, thâm hụt ngân sách sẽ không ngừng gia tăng, trái phiếu Chính phủ phải tăng lãi suất để tăng tính hấp dẫn và ảnh hưởng tới điều hành lãi suất trên thị trường.
Đáng nói, những khoản chi tiêu không được tài trợ bởi thu thuế, hoặc các khoản thu khác, có thể góp phần dẫn đến dư thừa tổng cầu và gây lạm phát. Nếu chỉ tăng phần nhỏ, có thể không gây ra lạm phát, nhưng nếu việc tài trợ này lớn và liên tục trong nhiều năm, thì chắc chắn cuối cùng nền kinh tế sẽ phải chịu lạm phát kéo dài.
Ngoài ra, ông Nam cảnh báo, nợ công lớn sẽ làm giảm tích lũy vốn tư nhân, dẫn đến hiện tượng thoái lui đầu tư tư nhân. Khi Chính phủ tăng vay nợ trong nước, thì mức tích lũy vốn tư nhân sẽ được thay thế bởi tích lũy nợ Chính phủ.
Thay vì sở hữu cổ phiếu, trái phiếu DN, hay gửi tiết kiệm ngân hàng, dân chúng lại sở hữu trái phiếu Chính phủ, làm cho cung về vốn giảm trong khi cầu tín dụng của Chính phủ tăng lên. Từ đó đẩy lãi suất tăng, chi phí đầu tư tăng và có thể dẫn đến hiện tượng thoái lui đầu tư từ khu vực tư nhân.
Trần Thủy