- Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã bất ngờ tuyên bố từ chức, làm chao đảo hệ thống chính trị Mỹ, các đồng minh của Mỹ và Phố Wall.
Trong một biểu hiện đoàn kết hiếm thấy của lưỡng đảng, cả người Cộng hòa và Dân chủ đều đang chống lại Tổng thống Trump và các chính sách của ông. Với sự ra đi của ông Mattis, các đồng minh để mất một trong rất ít quan chức “hiểu lẽ phải” trong chính quyền Trump. Thị trường chứng khoán “lao dốc” hàng loạt. Tuy nhiên, những nhân vật “diều hâu” về quốc phòng đang ăn mừng với quyết định ra đi của ông Mattis, vì giờ đây họ phải đối phó với ít sự phản đối hơn trong nỗ lực kiểm soát ông Trump. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc có lẽ cũng hoan hỉ khi thấy ông Mattis rời khỏi Lầu Năm Góc.
Bên cạnh ông Mattis, còn có Tham mưu trưởng quân đội John Kelly, chánh Văn phòng Nhà Trắng, người từng “thuần hóa” sự “đột biến” ở đây, cũng đã từ chức. Ông Kelly và ông Mattis đều không đồng tình với các chính sách của Tổng thống Trump và cách tiếp cận chính trị đề cao cá nhân của ông, đặc biệt là những dòng Twitter đánh vào tình cảm nhằm chống lại những người đối lập.
Tháng 3/2018, ông Trump sa thải Tướng H.R. McMaster, khi đó là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, có vẻ là vì không thích ông ấy. Quan điểm của ông McMaster cũng giống với của ông Mattis và Kelly.
Michael Rogers, một phó đô đốc và là người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), gần đây cũng bắt đầu chỉ trích Tổng thống Trump một cách công khai, song vẫn đang tiếp tục đảm nhận vị trí của mình. Tuy nhiên, chẳng ai biết điều này sẽ kéo dài bao lâu nữa. Ông Rogers cho rằng ông Trump làm chưa đủ để đối phó với các vụ tấn công mạng của Nga nhằm vào Mỹ.
Ông Trump cũng đã bóng gió rằng ông muốn sa thải Bộ trưởng An ninh nội địa Kristjen Nielson. Bà là người ủng hộ John Kelly và có thiên hướng “tự do” hơn trong vấn đề an ninh nội địa, đặc biệt là nhập cư bất hợp pháp.
Nếu ông Rogers và bà Nielson ra đi, sẽ chẳng còn một cố vấn an ninh quốc gia nào chống lại phong cách ra quyết định không cần tham vấn của ông Trump.
Quyết định dễ hiểu
Trong đơn xin từ chức, vị tướng 4 sao Mattis chỉ trích quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu truyền thống thông qua việc đảm bảo an ninh quốc tế, luật lệ và hòa bình. Ông đặc biệt chỉ trích cách đối xử thiếu tôn trọng của ông Trump đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ, vốn rất quan trọng trong việc đối trọng với mối đe dọa quân sự và kinh tế của Nga và Trung Quốc. Ông Trump gần đây nói về Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng “không có nước nào dân tộc chủ nghĩa hơn Pháp, rất đáng tự hào và chính đáng”, sau đó nói thêm “Hãy làm nước Pháp vĩ đại trở lại”.
Tổng thống Trump và ông James Mattis trong một sự kiện. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Mattis cho rằng cách đối xử thân thiện của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin là thiếu thận trọng, và đi ngược lại với các lợi ích của Mỹ. Ông cho rằng ông Trump không đủ mạnh trong cách đối phó với sự bành trướng và xâm nhập về quân sự của Trung Quốc, nhất là ở Biển Đông và sự hỗ trợ mà họ dành cho Triều Tiên.
Ông Mattis đã tìm cách thuyết phục Tổng thống về quyết định rút 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria. Nhưng ông Trump đã cùng lúc thông báo rút toàn bộ quân đội khỏi nơi đây, và giảm phần lớn binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan. Khi bị ông Trump từ chối, ông Mattis đã lập tức thông báo từ chức. Ông nói: “Vì ông (Trump) có quyền có một Bộ trưởng đồng quan điểm với mình hơn trong các vấn đề này và nhiều vấn đề khác nữa, tôi nghĩ là tôi nên từ chức”.
Quyết định từ chức của ông Mattis không thực sự bất ngờ. Ông đã phản đối những quyết định gần đây của ông Trump về cắt giảm ngân sách quốc phòng, hay kế hoạch về một Lực lượng Vũ trụ, việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, động thái chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, hay việc chậm trục xuất các binh sĩ chuyển giới ra khỏi quân ngũ và quyết định hoãn các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Trong một bài phỏng vấn CBS mới đây, bất đồng giữa ông Trump và ông Mattis đã trở nên rõ nét khi tổng thống nói rằng ông Mattis là một kiểu người Dân chủ!
Điều gì tiếp theo?
Để mất Mattis sẽ có thể dẫn tới những thay đổi thảm họa về an ninh quốc gia Mỹ và các chiến dịch toàn cầu chưa từng thấy. Hy vọng không phải như vậy, nhưng kịch bản tồi tệ nhất có thể sẽ đến.
Ông Trump đã loại bỏ tất cả những tiếng nói ôn hòa về an ninh quốc gia. Thay vào đó, nước Mỹ sẽ đi theo đường lối cứng rắn hơn nhiều chống Nga và Trung Quốc, chưa kể đến Triều Tiên, Iran và nhiều đối thủ khác của chính sách Mỹ. Thế giới từng rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh. Có thể dự báo tình hình sắp tới còn tồi tệ hơn thế nhiều.
Nhiệm vụ chính của ông Mattis trong chính quyền Tổng thống Trump dường như toàn là thực hiện các chuyến thăm tới NATO, EU, và các đồng minh khác của Mỹ để trấn an họ rằng những tuyên bố chưa được tham vấn của ông Trump, những dòng Twiter vô trách nhiệm và lệch hướng của ông không phản ánh thực chất chính sách của nước Mỹ. Những cái đầu lạnh hơn sẽ thắng thế.
Một điều rất quan trọng là các lãnh đạo thành công nhất không được vây quanh bởi những người lúc nào cũng đồng quan điểm với mình, hoặc không dám nói lên điều mình nghĩ. Những Mattis, Kelly và McMaster đều đã nói lên tiếng nói chống ông Trump và giờ họ đã ra đi. Những ngày tới đây, ông Trump sẽ đơn độc trong các vấn đề toàn cầu.
Với việc người Dân chủ giành đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, các lực lượng cực đoan trong cơ quan này sẽ đối đầu với những “con diều hâu” quốc phòng trong chính quyền của ông Trump. Không thể tưởng tượng nổi cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào giữa Quốc hội và ông Trump về chính sách đối ngoại và chi tiêu quốc phòng. Hệ thống chính trị vốn đã phân rẽ của Mỹ rất có thể sẽ ngày càng rời rạc hơn.
Ông Mattis là người đã từng giúp đảm bảo cho quyết định tăng chi tiêu quốc phòng sau khi chính quyền Tổng thống Barack Obama cắt giảm mạnh ngân sách cho quân đội, số binh sĩ và thiết bị quân sự tinh vi. Ông Mattis thừa nhận rằng nước Mỹ không thể hành động như một nhà lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu nếu không có một lực lượng quân đội hùng mạnh. Đội ngũ quốc phòng mới của ông Trump có thể sẽ khó duy trì tính ưu việt về quân sự của Mỹ trước một Quốc hội “thù địch”.
Các đối thủ của Mỹ hẳn sẽ vui mừng khi ông Mattis ra đi. Nhưng họ có thể sẽ phải đối mặt với một đồng minh thậm chí cứng rắn hơn của ông Trump, khiến cho niềm vui này sẽ “ngắn chẳng tày gang”.
Tất cả những điều này gây ra sự bất ổn, dẫn tới chủ nghĩa dân tộc, dân túy, đế quốc, chủ nghĩa quân sự, cực đoan, đó là chưa kể đến những trục trặc về kinh tế đang đe dọa trật tự thế giới hiện nay./.
TS Terry F. Buss, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ
Nếu Tổng thống Mỹ can thiệp vụ Huawei…
Việc ông Trump gợi ý có thể can thiệp vụ Huawei đã gây ra phản ứng mạnh mẽ của một số nghị sĩ Mỹ và cựu quan chức chính phủ, đồng thời làm dấy lên cảnh báo ở nhiều nước khác.
Mỹ đang giúp Trung Quốc gột rửa “nỗi nhục trăm năm”?
Cạnh tranh Mỹ- Trung tại Biển Đông không có lợi cho ổn định khu vực.
Ông Trump liên tiếp đánh phủ đầu ông Tập, rồi sẽ thế nào?
Trong bối cảnh Trung Quốc bị đánh theo kiểu ‘hội đồng’ như hiện nay thì việc chấp nhận có giới hạn những yêu cầu của đối phương là điều có thể diễn ra, nếu như muốn tồn tại.
Sau bầu cử giữa kỳ, nước Mỹ dưới thời Trump vẫn khó lường
Với thắng lợi tại Hạ viện, liệu đảng Dân chủ có cứu vãn di sản của Chính quyền Obama và thúc đẩy các ưu tiên truyền thống hay không?