- Trong bối cảnh Trung Quốc bị đánh theo kiểu ‘hội đồng’ như hiện nay thì việc chấp nhận có giới hạn những yêu cầu của đối phương là điều có thể diễn ra, nếu như muốn tồn tại.
Chiến lược kiềm chế và làm suy yếu sức mạnh của Trung Quốc ngăn chặn “Giấc mộng Trung Hoa” đã được xác định trong chiến lược an ninh của Hoa Kỳ cuối năm 2017. Sang năm 2018, thế giới chứng kiến hai đòn tấn công của Mỹ nhằm vào Trung Quốc:
Thứ nhất là cuộc chiến tranh thương mại được khởi xướng vào tháng 6/2018. “Vũ khí” trong cuộc chiến tranh này mà chính quyền Trump sử dụng là chính sách thuế, trong đó áp thuế cao đối với hàng trăm mặt hàng chiến lược của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm hàng công nghiệp, điện tử, tiêu dùng. Điều này, Mỹ tính toán sẽ không chỉ gây thiệt hại cho nền thương mại của Trung Quốc (ước đoán thiệt hại khoảng 500 tỉ USD), cao hơn là kìm hãm phát triển nền kinh tế, kéo theo gây cho xã hội Trung Quốc biến động do tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Ông Trump liên tiếp đánh phủ đầu ông Tập. |
Chính sách giảm thuế với hàng nội địa của ông Donald Trump cũng gây áp lực mạnh mẽ với các nhà đầu tư của Mỹ và các nước khác phải cân nhắc tới việc rời bỏ thị trường Trung Quốc di chuyển tới các nước khác, hoặc trở về Mỹ đầu tư, cũng hướng vào mục tiêu gây xáo trộn cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc và ngăn chặn cái gọi là “Trung Quốc lấy cắp công nghệ kỹ thuật cao của Mỹ qua các công ty Mỹ đầu tư ở Trung Quốc”.
Đến nay, nhiều thông tin đã cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc đã bị tác động mạnh từ chính sách thuế của Hoa Kỳ. Tại cuộc họp G20, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận kéo dài thời hạn đàm phán thương mại thêm 90 ngày, và Trung Quốc chấp nhận tăng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ; trước hết là hàng nông nghiệp và ô tô. Ông Tập Cận Bình đã thông báo cho ông Trump như vậy ở Hội nghị G20 mới đây.
Mặc dù có sự nhân nhượng (bước lùi) của Trung Quốc, nhưng ông Trump mới đây lại đã công bố một loạt chính sách thương mại mạnh tay với Trung Quốc. Cố vấn kinh tế của ông Trump, ông Peter Navarro, cũng tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Do vậy, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng và được dự đoán cho đến khi Hoa Kỳ thực hiện được mục đích làm suy yếu Trung Quốc.
Song song với mặt trận thương mại, Donald Trump đã khởi xướng mũi tấn công thứ hai đối với Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ. Đây là lĩnh vực ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc đã lấy cắp nhiều tài liệu cùng công nghệ cao của Mỹ và cảnh báo sẽ trừng phạt Trung Quốc.
Đòn phủ đầu đầu tiên là nhằm vào tập đoàn ZTE, một tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc. ZTE bị đóng cửa cách đây vài tháng với lý do tập đoàn này đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, khiến cho ZTE trên bờ vực phá sản. Chỉ khi chấp nhận cải tổ hoạt động theo yêu cầu của Mỹ và nộp phạt một tỉ và ký quỹ 400 triệu đô la Mỹ, ZTE mới được mở cửa trở lại và được mua các linh kiện của Mỹ.
Nay thì đến lượt Huawei. Trong nhận thức của ông Trump, Huawei không chỉ là tập đoàn tư nhân có doanh thu lớn nhất và xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, mà còn là một trung tâm tình báo về công nghệ, có vai trò quan trọng trong hiện đại hóa quân sự Trung Quốc và có vai trò chủ chốt trong chiến lược “Made in China 2025” để tiến đến mục tiêu dẫn đầu thế giới về công nghệ không dây 5G, robot và trí tuệ nhân tạo….
Năm 2017, Huawei dẫn đầu thế giới đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế. Tập đoàn này đã sản xuất số lượng điện thoại vượt qua Apple và chỉ đứng sau Samsung.
Như vậy, có thể thấy Mỹ và đồng minh của Mỹ nhận thức Huawei là mối đe dọa tới an ninh quốc gia và lĩnh vực công nghệ của Mỹ; nên tập đoàn này trở thành mục tiêu tấn công là điều đã được xác định.
Trước khi Mỹ có hành động tấn công Huawei, Mỹ kêu gọi các nước đồng minh tẩy chay các sản phẩm của tập đoàn này. Theo đó, các nước Australia, New Zealand, Anh, và mới đây là Nhật Bản đã đưa ra lý do an ninh để ngăn cản các dự án hoặc tháo bỏ thiết bị truyền tin cốt lõi do Huawei sản xuất ra khỏi hệ thống truyền thông truyền tin qua mạng Internet.
Giữa lúc mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình ở Hội nghị G20, ngày 1/12/2018, chính quyền Canada đã bắt giữ nhân vật quan trọng số 2 của Tập đoàn Huawei – bà Meng Wanzhou, phó giám đốc phụ trách tài chính của tập đoàn này – với lý do bà Meng bị Mỹ cáo buộc đã lợi dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để chống lại lệnh cấm vận của Mỹ và Châu Âu với Iran. Lý do này tương tự như lý do chính quyền ông Trump đóng cửa Tập đoàn ZTE cách đây mấy tháng.
Sự kiện này được xem như một đòn tấn công mới trực diện vào trung tâm số một về công nghệ, kỹ thuật cao của Trung Quốc. Sau khi cách đây vài tháng Mỹ đã thông qua đạo luật ủy quyền quốc phòng tài khóa 2019 với nội dung thắt chặt hoạt động của ZTE, Huawei và các nhà bán sản phẩm giám sát của Trung Quốc như Hàng Châu HIKVision Digital Technology, Daha Technology và Hytera Communications.
Sự kiện bắt giữ bà Meng với lý do chống lệnh của Mỹ trừng phạt Iran được hiểu chỉ là cái cớ để chính quyền Trump trừng phạt Huawei. Nó là sự kiện khởi đầu cho cuộc chiến trên lĩnh vực công nghệ, một kích hoạt mới để chính quyền Trump hướng tới mục đích làm suy yếu Trung Quốc, giành vị trí đứng đầu thế giới về công nghệ, khi Mỹ đang bị thua kém Trung Quốc.
Trước sức ép của Mỹ, tập đoàn Huawei bị bao vây không tiếp cận với các nhà cung cấp linh kiện ở nước ngoài. Tập đoàn này sẽ gặp nhiều khó khăn, có nhiều khả năng phải ngừng hoạt động và đứng trên bờ vực phá sản.
Để có thể tránh đòn trừng phạt của Mỹ, Huawei rất có thể phải đi theo con đường ZTE đã qua là chấp nhận cải tổ hoạt động theo yêu cầu của Mỹ đặt ra.
Tuy nhiên, nhận thấy Trung Quốc không dễ chấp nhận, họ đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn với phía Mỹ và Canada bằng việc triệu tập Đại sứ Mỹ, Canada để yêu cầu trả tự do cho bà Meng ngay lập tức, nếu không Mỹ và Canada sẽ chịu hậu quả. Theo đó, ngày 13/12, Trung Quốc đã bắt giữ 3 công dân Canada với lý do 3 người này đã đe dọa an ninh của Trung Quốc, đã đẩy Mỹ và đồng minh vào một cuộc đối đầu mới với Trung Quốc. Điều có thể thấy cuộc đối đầu này không thể giải quyết bằng những lời ngoại giao của người đứng đầu hai nước.
Và mâu thuẫn Trung – Mỹ không ở chỗ giải quyết vụ bà Meng, cái chính là Mỹ coi Huawei đã vi phạm lệnh cấm của Mỹ đối với Iran để đưa ra đòn trừng phạt với mục đích làm cho Huawei phá sản, kìm hãm nền kinh tế, buộc Trung Quốc phải chấp nhận hoạt động theo luật chơi của Mỹ.
Cuộc chiến này sẽ đi đến đâu? Ai được, ai thua là vấn đề thời gian chịu đựng sự thua thiệt giữa hai bên. Song, mấu chốt của vấn đề là ở chỗ Mỹ sẽ đạt được những gì trong cuộc đối đầu này và Trung Quốc nhượng bộ những gì trước đòi hỏi của Mỹ.
Trong bối cảnh Trung Quốc bị đánh theo kiểu ‘hội đồng’ như hiện nay thì việc chấp nhận có giới hạn những yêu cầu của đối phương là điều có thể diễn ra, nếu như muốn tồn tại./.
Nguyễn Văn Hưởng
Đằng sau chiếc “phanh” hãm cuộc thương chiến Mỹ – Trung?
Cuộc gặp Trump – Tập được tuyên bố là đôi bên cùng thắng, tuy nhiên, đừng tin vào những gì quảng cáo.
Mỹ đang giúp Trung Quốc gột rửa “nỗi nhục trăm năm”?
Cạnh tranh Mỹ- Trung tại Biển Đông không có lợi cho ổn định khu vực.
Mỹ không thể đối phó Trung Quốc theo kiểu thời chiến tranh lạnh
Sự ra đời của Chiến lược Ấn - Thái thực chất là một nước cờ để kiểm soát, đối kháng một Trung Quốc trỗi dậy thiếu hòa khí?
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Con bài lợi hại của Bắc Kinh
Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và điều này thường được gọi là “phương án vũ khí hạt nhân” của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Mỹ “khoe” đã tìm ra “viên thuốc độc” để “trị” Trung Quốc
Đặt cạnh tranh Trung - Mỹ trong bối cảnh đó thì xung đột thương mại chỉ là “câu chuyện nhỏ”, còn câu chuyện lớn hơn là sự cạnh tranh chiến lược, đối đầu trực diện về mọi mặt, trong đó Mỹ là bên đóng vai trò chủ động.
Trung Quốc lại gặp ác mộng
Trong khi cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Mỹ, Trung Quốc lại gặp “ác mộng” mới khi Tổng thống Trump nói sẽ “khai tử” Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).