Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trên mạng (game online). Lý do là loại hình kinh doanh game hiện nay thuộc diện mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. 

Áp thuế sẽ làm thụt lùi sự phát triển của ngành game Việt Nam

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game. Nếu Bộ Tài chính đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành game Việt Nam. Vì vậy, bất cứ chính sách nào đưa ra phải cân nhắc đến nhiều điều. Bản thân doanh nghiệp game Việt cũng đang phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các nhà phát hành game ngoại ngay chính thị trường Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Vinasa cho biết, có khá nhiều doanh nghiệp game khá thành công nhưng  buộc phải chuyển sang nước ngoài chứ không cung cấp tại Việt Nam; đây cũng là vấn đề lớn đặt ra với các nhà hoạch định chính sách. 

Ông Lê Xuân Hòa phân tích, game online là hội tụ của nhiều ngành công nghệ cao gồm phần mềm, nội dung số, công nghệ phần cứng, các công nghệ mới… Sự phát triển của game online cũng là thúc đẩy sự phát triển công nghệ số. Game online là ngành kinh tế số và Việt Nam có cơ hội thúc đẩy phát triển công nghệ cao; nhiều quốc gia cho rằng, đây là ngành mũi nhọn, các nhà sáng tạo game online  được xem như nghệ sỹ. 

“Game không phép, game xấu đang tạo ra các ảnh hưởng xấu vẫn hoạt động tại Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các game tốt được cấp phép. Nếu tiếp tục chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì thị trường game tốt sẽ bị thu hẹp, giống như chúng ta bảo hộ ngược, tạo điều kiện cho game xấu, game lậu có mảnh đất màu mỡ phát triển. Như vậy, vô hình chung tiếp tục đẩy nhà phát hành game Việt chuyển hướng ra nước ngoài để hưởng ưu đãi. Hiện nay, ngành công nghệ số đang được ưu đãi để thúc đẩy phát triển. Đề xuất thuế này đang hạn chế ngành game, nên không đồng bộ với chính sách của Đảng và Nhà nước và không đồng bộ chính sách phát triển công nghệ cao. Các quốc gia không những không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game, mà còn có chính sách thúc đẩy và ưu đãi cho lĩnh vực này. Vì vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Hòa nói.

Bình luận về chính sách này của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử cho biết, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì người chơi sẽ điều chỉnh hành vi tiêu dùng sang dịch vụ khác tương tự của nước ngoài. Nếu áp thuế thì doanh thu game ở Việt Nam không phải còn là 650 triệu USD nữa mà có thể sẽ giảm đi. Như vậy, sức cạnh tranh ngành game của Việt Nam sẽ giảm. Thực tế chúng ta đang làm kiểm soát tốt về nội dung, nhưng chúng ta sẽ không kiểm soát được dịch vụ xuyên biên giới. Như vậy, chính sách này sẽ kéo dài khoảng cách giữa doanh nghiệp làm ăn chính đáng tại Việt Nam với game lậu. 

Lý do game online có lợi nhuận và doanh thu cao là không thực tế

Tiếp tục phân tích về về lý do của Bộ Tài chính để áp thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Cường chỉ ra những điều bất hợp lý, bởi thực tế lợi nhuận của game online chỉ còn 3-8% - đây là mức thấp. Chúng ta có thể cộng dồn 10 doanh nghiệp top đầu thì sẽ thấy rõ điều này. Vậy con số lợi nhuận cao mà Bộ Tài chính đưa ra được lấy từ đâu? 

Việt Nam đang có chủ trương ưu đãi cho những ngành công nghệ cao.

“Cũng là dịch vụ game khi triển khai ở Việt Nam có nhiều thủ tục hành chính, hệ thống giấy phép buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Trong khi đó, chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý dịch vụ xuyên biên giới....Chúng tôi khuyến nghị không đưa game online vào danh mục áp thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Đại diện Đại học Bách Khoa Hà Nội đưa ra ví dụ chua chát rằng, nếu đánh thuế game online Việt Nam mà lại thả dịch vụ xuyên biên giới thì đây là bất cập, "chúng ta nhìn thấy Nguyễn Hà Đông đã phải sớm đóng cửa game của mình".

Chia sẻ tiếp về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thùy Dung, đại diện Soha Game, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt để thay đổi hành vi như mục tiêu của Bộ Tài chính thì có lẽ đã bị sai, bởi nếu muốn tạo sự thay đổi hành vi với khách hàng thì phải nhắm đến đối tượng tác động đến hành vi, nhưng chính sách này lại không làm được điều đó. 

Nói về sức khỏe của doanh nghiệp game online, bà Nguyễn Thùy Dung dẫn chứng năm 2022 có ít nhất 10 doanh nghiệp game Việt bị phá sản. Top 10 doanh nghiệp game lớn nhất Việt Nam cũng đã phải cắt giảm nhân sự. Nên Bộ Tài chính cho rằng, game online có doanh thu lớn và lợi nhuận cao là không đúng thực tế. 

Ông Dương Thế Lương, Phó tổng giám đốc VTC cũng khẳng định, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp game không cao. Nhìn lại những doanh nghiệp đời đầu chỉ còn VTC và VNG. Rất nhiều doanh nghiệp game Việt đã “chết đi sống lại” và còn lại đâu đó khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động. Mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế người chơi là không thực hiện được, khi game nước ngoài chiếm tới gần 80% doanh thu tại Việt Nam.

Về chính sách áp thuế này, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG - doanh nghiệp game lớn nhất tại Việt Nam- cho biết, VNG làm game 18 năm, nhưng đây là buổi đầu tiên được bàn về chính sách ngành game. Những nước phát triển coi đây là ngành mũi nhọn để xuất khẩu ra nước ngoài và xem đây là xuất khẩu văn hóa ra bên ngoài. Nhiều quốc gia đi sau như Singapore, Tiểu Vương Quốc Ả Rập đã đưa ra các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để phát triển ngành game online. Thế nhưng, tại Việt Nam game online vẫn đang gặp rất nhiều định kiến. Game là ngành kinh doanh có điều kiện, các sản phẩm của nhà phát hành trong nước đều phải được thẩm định nội dung của Bộ TT&TT, còn những nội dung lệch chuẩn là game lậu được cung cấp từ doanh nghiệp bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Doanh thu của game tại Việt Nam hiện nay có tới 78% doanh thu đến từ các nhà cung cấp ngoài lãnh thổ Việt Nam và không quản lý được. Như vậy, chỉ có 22% doanh thu game đến từ các doanh nghiệp trong nước, cung cấp các game được cấp phép. Ông Lã Xuân Thắng thông tin thêm sức khỏe nhiều doanh nghiệp game của Việt Nam đang teo tóp chứ không phải doanh thu lớn, lợi nhuận cao.

Ngành game Việt ngày càng “teo tóp”

Ngành game Việt ngày càng “teo tóp”

Đã có giai đoạn phát triển rực rỡ nhưng ngành game Việt đang “teo tóp” dần trong nhiều năm trở lại đây bởi nhiều lý do, từ câu chuyện quản lý không theo kịp sự phát triển, đến cả việc game lậu quốc tế ồ ạt tràn vào.