Bài 1: Ngành game Việt ngày càng “teo tóp”

Trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính dự kiến đưa dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, Bộ Tài chính đánh giá ngành này có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Bộ thấy cần thiết nghiên cứu tính thuế tiêu thụ đặc biệt với game online để định hướng tiêu dùng. 

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp game trong nước, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho game online thì ngành này sẽ “chết”.

Bộ Tài chính đang hiểu lầm?

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc VTC cho biết, có thể Bộ Tài chính đang hiểu lầm báo cáo của Bộ TT&TT về game.

Báo cáo của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đề cập đến game lậu, game do doanh nghiệp nước ngoài phát hành trực tiếp vào Việt Nam. Với sự tiếp tay của kho ứng dụng và trung gian thanh toán, các game lậu được phát hành ồ ạt và doanh thu hàng năm khoảng 5.000 tỉ đồng, chiếm đến 30% của ngành game trong nước. Với hình thức phát hành lậu, cơ quan chức năng không thể thu được thuế tại Việt Nam do đơn vị phát hành nằm ở nước ngoài.

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến ngành game không còn lợi nhuận. Ảnh: Thanh Bình

“Có thể Bộ Tài chính sau khi nghe báo cáo của Bộ TT&TT về lực lượng phát hành lậu xuyên biên giới đang có nhiều ưu thế hơn, không phải đóng thuế ở Việt Nam, có hành động trốn thuế đã hiểu lầm và nhận định rằng, game là ngành kinh doanh có nhiều tiền, lợi nhuận cao mà lại trốn thuế, Bộ TT&TT không quản lý được nên tiến hành áp thuế tiêu thụ đặc biệt để quản lý cho nhanh”, ông Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.

Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp xuyên biên giới đang kinh doanh trốn thuế, chứ không phải là doanh nghiệp trong nước. Bởi các doanh nghiệp phát hành game trong nước vẫn luôn tuân thủ pháp luật và chịu nhiều chế tài quản lý, từ việc xin phép phát hành game (G1), đến xin giấy phép phê duyệt nội dung kịch bản cho từng game, áp dụng những biện pháp kỹ thuật như hạn chế giờ chơi, yêu cầu người dùng đăng ký thông tin đầy đủ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho nhà nước từ thuế VAT, thuế nhà thầu đến thuế thu nhập doanh nghiệp…

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt: Ngành game sẽ “chết”

Ông Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập game về phát hành là để tìm hiểu và làm quen, sau quá trình học tập dần dần, đến khi làm chủ mới qua giai đoạn sản xuất. 

Việt Nam bắt đầu manh nha vào giai đoạn sản xuất và Bộ TT&TT vừa ban hành chiến lược phát triển ngành game trong nước. Đáng lẽ phải khuyến khích, tạo cơ chế bảo hộ, kể cả miễn thuế để nuôi dưỡng ngành phát triển, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, vươn ra thế giới thì Bộ Tài chính lại áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, chẳng khác gì "giết từ trong trứng nước".

Vừa manh nha có chiến lược, nhưng ngành game lại có nguy cơ chết từ trong trứng nước. Ảnh: Thanh Bình

“Nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp sẽ “chết” và nguồn lực công nghệ thông tin của ngành game sẽ ra nước ngoài. Giờ đang thu thuế được vài doanh nghiệp trong nước, nhưng nếu đi hết, nhà nước không còn thu được khoản nào”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại diện VNG cho hay, doanh thu và lợi nhuận của ngành game không cao như “đồn đoán”. Bởi để đưa được một sản phẩm game ra thị trường, doanh nghiệp sẽ phải gánh rất nhiều khoản chi: chi phí sản xuất/phát triển phần mềm hoặc mua bản quyền; kênh phân phối (kho ứng dụng/nền tảng phân phối), quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại; kênh thanh toán; chi phí nhân sự quản lý, vận hành.

Theo đại diện VNG, so với trung bình những ngành khác, chi phí đầu vào của ngành game được đánh giá là “cao” do đặc thù là ngành công nghệ, hoạt động trên môi trường Internet và sử dụng nguồn lao động trí tuệ chất lượng cao. Bởi vậy, cấu thành giá bán (dựa trên chi phí cao và thuế) sẽ cao hơn các ngành thông thường, nhưng tỷ suất lợi nhuận theo ước tính chỉ ở mức trung bình (khoảng 3%/năm).

Đại diện một nhà phát hành khác đưa ra con số cụ thể hơn, để phát hành một game hiện nay chi phí bản quyền khoảng 23%, thuế và trung gian thanh toán 24%, marketing chiếm 20% - 30%, chi phí cho kho ứng dụng 15-30% tuỳ vào quy mô doanh nghiệp, mức lợi nhuận thu về tầm 3-8%. Nhưng không phải game nào cứ phát hành ra thị trường là thành công, trong 10 sản phẩm may mắn lắm tồn tại được 4-5 game.

Vì thế, đại diện VNG cho rằng, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh thu ngành game sẽ tụt giảm 30-50%, kéo theo nhiều hệ luỵ, doanh nghiệp sẽ “chết” dần hoặc thu hẹp quy mô, hoạt động kinh doanh; cắt giảm nhân sự. Cùng với đó, nhà nước phải giải quyết nhiều hậu quả như: trợ cấp cho người lao động, giải quyết việc làm, các vấn đề tệ nạn xã hội. Điều này cũng ảnh hưởng đến các ngành hỗ trợ hoặc liên kết khác như phát triển phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, quảng cáo, viễn thông…

Nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt, game thủ sẽ bỏ qua chơi game của nước ngoài thay vì doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Thanh Bình

Một hệ luỵ khác được các doanh nghiệp đưa ra, đó là người chơi sẽ chuyển sang các game nước ngoài. Bởi nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, với sức ép cân bằng giữa chi phí và doanh thu, các nhà phát hành trong nước buộc phải tăng giá dịch vụ, tức là cộng thêm thuế vào giá bán đến người dùng. Trong tương quan giá dịch vụ của nhà phát hành trong nước và nước ngoài, chắc chắn lợi thế thuộc về các đối thủ ngoại.

Như vậy, việc hạn chế tiêu dùng game (mục đích chính khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt) không đạt được, mà doanh nghiệp game trong nước còn bị suy giảm khả năng cạnh tranh, giảm doanh thu và lợi nhuận, từ đó giảm tổng số thuế mà ngân sách có thể thu được.

Bản thân các nhà phát hành Việt Nam, khi không có khả năng cạnh tranh trên sân nhà phải tìm đến giải pháp thành lập doanh nghiệp ở các nước trong khu vực (có chính sách thuế và ưu đãi tốt hơn). Và cuộc dịch chuyển ngược sẽ diễn ra, sân nhà nhường lại cho các doanh nghiệp game nước ngoài cung cấp xuyên biên giới còn trí tuệ và sản phẩm của người Việt “chảy máu” ra bên ngoài.

Bài 3: Game là ngành cần được nuôi dưỡng để phát triển