TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng, công nghệ, chuyển đổi số là nền tảng và chìa khóa là cơ hội để Việt Nam phát triển đất nước một cách mạnh mẽ. (Ảnh: Mạnh Hưng) |
Phóng viên: Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có nêu mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc là: trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2030, nước phát triển vào năm 2045. Để đạt mục tiêu đó, lĩnh vực khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo... đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Liêm Trực: Các cuộc cách mạng công nghiệp từ trước đến nay đều xuất phát từ những sáng tạo, phát minh công nghệ mới. Trong thời gian dài, Việt Nam bị lạc hậu và đói nghèo vì không tận dụng sức mạnh của những cuộc cách mạng này. Ngay thời điểm cuối cuộc cách mạng lần thứ 3 các nước như Ấn Độ đã tạo ra cuộc cách mạng Xanh về sinh học, nhưng chúng ta vẫn thiếu gạo. Khi chuyển sang khoán 10 để người nông dân được tự do làm trên mảnh ruộng của mình thì Việt Nam không còn thiếu gạo và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Ngay trong lĩnh vực viễn thông, khi chúng ta nắm bắt được xu hướng công nghệ của những thập kỷ 80 để mạnh dạn từ bỏ công nghệ analog, đi thẳng vào công nghệ số đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông Việt Nam và nằm trong top những quốc gia ứng dụng công nghệ số sớm trên thế giới. Song nếu chỉ dựa vào công nghệ thôi thì chưa đủ nếu viễn thông vẫn duy trì môi trường độc quyền tự nhiên. Vì vậy, Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ đã có quyết định mạnh mẽ là mở cửa thị trường viễn thông cho nhiều thành phần kinh tế vào khai thác cho dù có nhiều ý kiến trái chiều và trở ngại nhất định.
Vì vậy, yếu tố khoa học công nghệ là nền tảng, chìa khóa quan trọng, nhưng mỗi quốc gia có tận dụng được hay không lại phụ thuộc vào thể chế và con người.
Để phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Việt Nam đang có những "nút thắt" nào cần tháo gỡ, thưa ông?
Trước đây, chúng ta đổi mới, mở cửa thị trường và hội nhập vẫn trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động rẻ. Bây giờ, chính những yếu tố này lại là giới hạn và bắt buộc chúng ta phải bước vào giai đoạn phát triển mới cùng với sự sáng tạo công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số. Thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạng 4.0 với công nghệ số xuất hiện mạnh mẽ như vậy là cơ hội và bắt buộc Việt Nam phải chuyển sang cuộc cách mạng này, thực chất đây là chuyển đối số. Đây là cơ hội để đất nước có thể thay đổi nhanh với khát vọng trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Việt Nam muốn chuyển đổi số thành công phải dựa vào ba trụ cột. Thứ nhất là công nghệ, thứ hai là thể chế và thứ ba là nhân lực.
Về yếu tố công nghệ, chúng ta tuy đi sau nhiều nước về công nghiệp nặng, công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu… nhưng cách mạng 4.0 là công nghệ trí tuệ mà không dựa vào hạ tầng sẵn có. Vài năm gần đây, có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam. Hiện chúng ta có gần 50.000 doanh nghiệp công nghệ số và sắp tới có khả năng đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Đây là những doanh nghiệp xung kích để Việt Nam chuyển đổi số và chính là thế mạnh của chúng ta.
Trụ cột thứ 2 về thể chế là cái khó nhất cần tháo gỡ nếu không sẽ cản trở sự thúc đẩy ứng dụng công nghệ, phát triển đổi mới sáng tạo. Thể chế ở đây trước hết là hệ thống hành lang pháp lý.
Chúng ta đã chuyển đổi thể chế từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, bây giờ phải làm sao nhanh chóng chuyển đổi hành lang pháp lý trong môi trường vật lý truyền thống của nền kinh tế cũ sang hệ thống hành lang pháp lý trong môi trường mạng. Đây chính là thách thức lớn có thể là rảo cản nhưng một khi được khơi thông sẽ thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ. Ví dụ, ta nói đến vai trò của cơ sở dữ liệu trong chuyến đổi số nhưng lại gặp phải tình trạng cắt cứ dữ liệu, không kết nối và chia sẻ được. Chúng ta chưa có luật về thu thập, lưu trữ và chia sẻ, sử dụng bảo vệ dữ liệu mà chỉ dừng ở mức nghị định, trong khi các nước đã có luật.
Trước đây, Việt Nam vẫn giữ tư duy làm khoa học công nghệ kiểu nhà nước. Nhưng hiện nay, đối tượng làm khoa học công nghệ chủ yếu là doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách về khoa học công nghệ cũng phải thay đổi cho phù hợp. Chính sách phải được ban hành nhanh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Trụ cột thứ 3 là con người Việt Nam có tiềm lực trong chuyển đổi số. Việt Nam có gần 100 triệu dân đứng thứ 15 trên thế giới, đây là thị trường lớn và cũng là điều kiện để chúng ta phát triển hùng cường. Chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc và người đứng đầu. Quan trọng nhất là người đứng đầu ở quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp có dám làm nhanh, quyết liệt hay không.
Chuyển đổi số đang đặt ra vận hội mới cho đất nước, cá nhân ông có niềm tin rằng Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này hay không?
Thực tế mặc dù có những lo ngại vì còn rất nhiều thách thức, nhưng tôi vẫn có niềm tin là Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này.
Đất nước ta đã trải qua lịch sử gian nan với nhiều cuộc chiến tranh nên có khát vọng sánh vai cùng những dân tộc khác. Khát vọng đó còn được thể hiện qua bao nhiêu thế hệ và cả trong di chúc của Bác Hồ là làm sao xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Các nhà lãnh đạo cũng cảm thấy rằng chuyển đổi số như là sứ mệnh và thời cơ để hiện thực hóa khát vọng này. Tiếp theo đó là hàng loạt quyết định ở tầm vĩ mô như Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về Cách mạng 4.0, Thủ tướng ra chiến lược chuyển đổi số. Đối với các doanh nghiệp công nghệ, họ nắm bắt được xu thế chuyển đổi số và chuẩn bị nguồn lực không chỉ đáp ứng cho thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam có hạ tầng viễn thông mạnh, số lượng người sử dụng smartphone cao, đây là yếu tố thuận lợi có thể chuyển đổi số.
Ông nhìn nhận thế nào về năng lực của các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam khi gánh vác sứ mệnh xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, đi lên con đường phồn vinh, hạnh phúc?
Chúng ta đã có những tập đoàn vươn ra thế giới như Viettel, Vingroup, FPT và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng đang ra biển lớn.
Tôi tin rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Rõ ràng, thời cơ và sứ mạng của đất nước đặt trên vai những doanh nghiệp công nghệ. Đất nước đang đứng trước cơ hội mới cần đến sự đóng góp của các doanh nghiệp công nghệ. Tôi có niềm tin vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp công nghệ số. Đây là lực lượng chủ lực để gánh vác vai trò của chuyển đổi số của Việt Nam, trong đó có cả doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam thành công hay không thì không chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp vì họ có năng lực mà còn phụ thuộc vào thể chế và các nhà quản trị đất nước.
Cảm ơn ông!
Thái Khang (Thực hiện)
Khởi động chương trình hỗ trợ 98% doanh nghiệp Việt bước vào kỷ nguyên số
Thông qua Cổng kết nối https://smedx.vn, gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm khoảng 98% doanh nghiệp Việt, đã có lựa chọn, đăng ký sử dụng các nền tảng trong 15 nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc để chuyển đổi số đơn vị mình.