Chuyên gia quân sự Nga Yuri Knutov nhận định, cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS hôm 19/11 nhằm vào vùng Bryansk có nghĩa Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng những tên lửa này tấn công lãnh thổ Nga.
Theo ông Knutov, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Lầu Năm Góc đã không chính thức xác nhận việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS chống lại Nga, bởi họ muốn tránh đưa ra lời tuyên chiến chính thức.
Hôm 19/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Ukraine đã phóng 6 tên lửa tầm xa ATACMS tập kích vùng Bryansk. Đây là lần đầu tiên Ukraine sử dụng một vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công bên trong lãnh thổ Nga, kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022. Phía Nga xác nhận, 5 tên lửa ATACMS đã bị các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir bắn hạ, 1 quả khác bị hư hại và rơi xuống một căn cứ quân sự trong khu vực, gây ra một vụ hỏa hoạn nhỏ.
Bình luận về vụ tấn công trên, ông Knutov cho rằng những tên lửa này là mục tiêu khó đánh chặn đối với hệ thống phòng không của Nga. Nguyên nhân là do trên thực tế, nhiều tên lửa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine mang đầu đạn chùm. Do đó, ngay cả khi một tên lửa như vậy bị đánh chặn, vẫn luôn có nguy cơ đầu đạn chùm phát nổ, và bắn trúng mục tiêu đã định hoặc gây thiệt hại cho bất kỳ thứ gì nằm trong phạm vi ảnh hưởng.
Song chuyên gia Knutov nhấn mạnh, “các hệ thống phòng không S-400 vốn có khả năng đánh chặn những mục tiêu nhanh và cơ động hơn, nhưng cũng khá thành công trước việc ngăn chặn ATACMS. Ngoài ra, hệ thống phòng không Pantsir, một vũ khí đa năng có khả năng đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa chiến thuật giống như ATACMS, cũng khá thành công”.
Ông nói thêm, thành công trong việc đánh chặn tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất có thể dẫn đến nhu cầu mua các hệ thống phòng không của Nga trên thế giới gia tăng.
Theo ông, nhiều quốc gia trên thế giới thiếu các loại vũ khí như S-300V4, S-350 Vityaz, S-400, Buk-M3, hoặc Pantsir, trong khi đây là “những hệ thống có thể ngăn chặn thành công các tên lửa ATACMS nói riêng".
"Chúng tôi đã chứng minh rằng Nga sở hữu hệ thống phòng không tốt nhất thế giới, đó là lý do tại sao sự quan tâm đến các hệ thống phòng không của Nga sẽ tăng lên rất nhiều", ông giải thích.
Nhu cầu mua hệ thống phòng không của Nga trên thế giới đang bị cản trở một phần bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Song chuyên gia Knutov dự đoán nếu xung đột ở Ukraine lắng xuống, "nhu cầu về các hệ thống phòng không của Nga sẽ tăng gấp bội".
Ông cho hay các nhà sản xuất quốc phòng của Nga cũng liên tục cải tiến năng lực của các hệ thống phòng không giúp chúng hiệu quả hơn trong việc chống lại những mối đe dọa như tên lửa ATACMS.