Nếu chỉ vì hành vi có tính bộc phát nhất thời này mà không ít người đã lên án, phê phán tư cách hay phẩm chất đạo đức của người trong cuộc thì e là cũng vội vàng, phiến diện và không thuyết phục.
Đáng trách...
Câu chuyện về một thầy giáo và một nhóm sinh viên ở trường đại học nọ cùng tham gia một trò chơi để tạo “cảm giác thoải mái” có lẽ là câu chuyện hi hữu trong lịch sử ngành giáo dục nước nhà. Xét trên phương diện truyền thống văn hóa về mối quan hệ thầy - trò của người Việt, phải thừa nhận đây là một trò đùa quá lố và mang lại tai tiếng không ít cho những người tham gia cuộc chơi.
Có lẽ, đáng trách nhất ở đây là người thầy giáo vì với cương vị của mình đã đánh mất đi sự trang nghiêm, chỉn chu cần thiết của một giáo viên ngay chính trên bục giảng dù là với bất cứ lý do gì. Giá như người thầy chỉ đứng ngoài cuộc không tham gia trực tiếp vào trò chơi thì tính phản cảm của câu chuyện cũng không đến mức nghiêm trọng lắm. Trong trường hợp này, có lẽ do không đủ bản lĩnh để nói tiếng “không” trước những lời “khiêu khích” và mời gọi của số đông các sinh viên, vì nếu thầy trực tiếp tham gia sẽ vui và hào hứng hơn chăng?
Về phía những sinh viên, có thể nói, qua chuyện này ít nhiều cũng cho thấy nhiều bạn vẫn chưa thật sự trưởng thành; vẫn còn mơ hồ và không nhận thức được hành vi của bản thân có thể gây ra những tai tiếng xấu cho chính mình hay rộng hơn là cho xã hội. Đặc biệt là sinh viên nào đó đã tung video clip lên mạng làm ảnh hưởng đến những người còn lại.
Ảnh cắt từ clip gây xôn xao |
...nhưng đừng vội lên án, kết tội
Nói thì nói vậy, nhưng nếu chỉ vì qua trò đùa nhất thời này mà mọi người (nhất là cư dân mạng) thay phiên nhau “ném đá”, lên án thậm chí kết tội tư cách đạo đức của người thầy giáo và nhóm sinh viên kia thì cũng là quá... nặng nề, đầy định kiến[1].
Đã có quá nhiều bài học đau lòng trên thế giới về việc những người trong cuộc thậm chí phải tìm đến cái chết để tự giải thoát chỉ vì sự “ra tay” của các những “anh hùng bàn phím” thời đại công nghệ số. Có ai ngờ chỉ vì một hành vi, một lỗi lầm nhất thời mà có người đã phải trả một cái giá rất khủng khiếp, không ai ngờ tới. Càng xót xa hơn là “cái giá” ấy do những người hoàn toàn không quen biết với người trong cuộc xác lập nên.
Riêng trong nước, mới đây nhất là trường hợp một bác sĩ ở tỉnh Phú Thọ, chỉ vì hành động gác chân lên giường để thăm khám cho một bệnh nhân, không biết ai đó đã chụp lại và đưa lên mạng để các “anh hùng bàn phím” thi nhau “mổ xẻ” thái quá và thuần thục như một thói quen khó bỏ. Hậu quả là dưới áp lực vô hình của cư dân mạng, lãnh đạo bệnh viện nơi người bác sĩ công tác đã ra quyết định kỷ luật khá nặng đến nỗi vị bác sĩ phải viết đơn xin từ chức vị trí Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình mà mình đang đảm nhiệm.
Công bằng mà nói, dù ấn tượng ban đầu về hình ảnh vị bác sĩ nọ giẫm chân lên giường khi khám bệnh và trò chơi “bịt mắt, tìm kẹp” của người thầy giáo kia quả hoàn toàn không đẹp chút nào. Tuy vậy, nếu chỉ vì hành vi có tính bộc phát nhất thời này mà không ít người đã lên án, phê phán tư cách hay phẩm chất đạo đức của họ thì e là cũng vội vàng, phiến diện và không thuyết phục. Như thế có khác gì nhìn một hiện tượng nhỏ lẻ bề ngoài rồi khái quát và khẳng định đó bản chất của con người ấy, vấn đề ấy. Phải chăng đây cũng là cách nghĩ ít nhiều mang tính quy chụp và thiếu sự bao dung để người gây ra lỗi lầm có cơ hội sửa sai?
Ở đây chúng ta nhất định không bênh vực cho những hành vi phản cảm của bất cứ ai đó dù với cương vị nào, tuy nhiên trong cuộc sống có lẽ cũng không nên “giậu đổ bìm leo”, nhất là vẫn chưa tường tận bản chất thật của vấn đề. Vì lẽ, cùng nhau đẩy một người nào đó xuống vực thì rất dễ nhưng kéo họ lên thì khó khăn vô cùng.
Nguyễn Trọng Bình
----------------
[1]: Xôn xao clip thầy quân sự bịt mắt sờ nữ sinh, Tuổi trẻ, 10/7/2015.