Một số cơ quan gặp khó trong đầu tư, mua sắm phục vụ chuyển đổi số
Trong báo cáo sơ kết triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho biết, nguồn kinh phí cho chuyển đổi số đã được quan tâm bố trí.
Theo số liệu trên hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước do Bộ KH&ĐT cung cấp, tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực CNTT giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10.157 tỷ đồng, trong đó 8.312 tỷ đồng bố trí cho một số cơ quan trung ương, 1.845 tỷ đồng bố trí cho một số địa phương.
“Kinh phí trên là một trong các điều kiện tiên quyết để các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ về chuyển đổi số… được triển khai, bảo đảm đạt được mục tiêu, mang lại kết quả cụ thể để người dân, doanh nghiệp, cũng như cơ quan nhà nước thật sự được thụ hưởng”, Bộ TT&TT nhận định.
Tuy nhiên, theo phản ánh, hiện vẫn còn một số bộ, tỉnh còn gặp khó khăn trong triển khai mua sắm, đấu thầu phần mềm và dịch vụ CNTT, chuyển đổi số.
Trao đổi tại họp báo thường kỳ tháng 8/2023 của Bộ TT&TT về vấn đề quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) khẳng định, hiện đã có môi trường pháp lý cơ bản để phục vụ cho các cơ quan nhà nước trong quá trình đầu tư, mua sắm phần mềm, dịch vụ CNTT, chuyển đổi số.
Bộ TT&TT đã tham mưu, ban hành nhiều văn bản phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, trong đó có những văn bản pháp lý về quản lý đầu tư lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số.
Đặc biệt, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 73 năm 2019 quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, có hiệu lực từ năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý rất tốt để phục vụ cho các bộ, ngành, địa phương triển khai các dự án CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 73, Bộ TT&TT đã ban hành 6 thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung phục vụ việc triển khai quá trình quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước cùng nhiều văn bản hướng dẫn khác.
Ghi nhận tình trạng một số cơ quan, đơn vị còn gặp khó khăn khi đầu tư, mua sắm phục vụ chuyển đổi số, ông Nguyễn Phú Tiến cho hay, công nghệ phát triển rất nhanh, các văn bản pháp lý về đấu thầu, quản lý ngân sách đã có những thay đổi, cập nhật. Vì thế, các văn bản về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cần tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng, theo kịp yêu cầu thực tiễn.
“Đây là một trong những nguyên nhân khách quan với các cơ quan nhà nước khi triển khai các dự án đầu tư, mua sắm, hay thuê dịch vụ CNTT. Song chúng tôi nhận thấy, nếu đơn vị quyết tâm, môi trường pháp lý đã cơ bản đủ để triển khai”, ông Nguyễn Phú Tiến phân tích.
Về nguyên nhân chủ quan, theo đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, thời gian vừa qua, vẫn còn cơ quan, tổ chức nhà nước có tư tưởng e dè, né tránh trách nhiệm khi triển khai các dự án đầu tư ứng dụng CNTT, từ khâu lập, thẩm định đến phê duyệt.
Tâm lý e dè, né tránh trách nhiệm kể trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa như: Các cán bộ, công chức chuyên trách CNTT còn mỏng nên chưa mạnh dạn tham mưu triển khai; kiến thức về quản lý đầu tư CNTT của cán bộ phụ trách nội dung này của đơn vị còn hạn chế; lãnh đạo các cấp khi triển khai các dự án CNTT còn thiếu quyết liệt, thiếu sát sao nên e dè trong chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư CNTT, chuyển đổi số.
Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng chất lượng nhân lực
Nhận thức rõ vấn đề trên, Bộ TT&TT đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng e dè trong triển khai các hoạt động liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng CNTT.
Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý để có chính sách, quy định phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ cũng như nhu cầu triển khai đầu tư ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước.
Đáng chú ý, theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục đã tham mưu Bộ TT&TT ban hành báo cáo về triển khai Nghị định 73 năm 2019 của Chính phủ, trong đó nêu rõ những khó khăn, tồn tại trong quá triển khai thời gian qua và đề xuất phương hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định này.
Cục Chuyển đổi số quốc gia đang xây dựng văn bản sửa đổi hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ, kiểm thử phần mềm nội bộ. “Chúng tôi sẽ sớm tham mưu Bộ TT&TT ban hành hướng dẫn mới này để góp phần giải quyết vướng mắc cho các đơn vị”, ông Nguyễn Phú Tiến cho hay.
Về nhân lực, Cục Chuyển đổi số quốc gia sẽ tham mưu với Bộ TT&TT để tiếp tục có các khóa đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà. Trong đó, sẽ có các khóa học chuyên về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.
“Chúng tôi cũng sẽ tham mưu Bộ TT&TT để có những hoạt động kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các quy định pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, đặc biệt là Nghị định 73 tại các bộ, ngành, địa phương. Qua kiểm tra, sẽ xác định rõ hơn các khó khăn, vướng mắc để có hướng dẫn sát hơn việc triển khai thời gian tới”, ông Nguyễn Phú Tiến chia sẻ thêm.